Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Chưa một giây phút nào con giận mẹ…”

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi gặp những bạn trẻ khác cài trên ngực bông hoa hồng đỏ, tôi mỉm cười và thấy lòng mình ấm áp lạ lùng.

Căn nhà bốn tầng đầy đủ tiện nghi nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn khi sống ở đó. Tôi đi tìm mua bảy bông hoa loa kèn trắng, cắm trên bàn thờ mẹ. Màu trắng như bơ vơ hơn… Nhìn mẹ tôi như đang mỉm cười, gương mặt toát lên vẻ đẹp dịu dàng, thanh tao.Giống như mọi năm, tôi mua đầy đủ bỏng gạo, kẹo lạc, chuối tiêu, bánh quế, vàng mã. Tôi cũng tự tay nấu nồi cháo trắng để làm mâm cỗ cúng lễ xóa tội vong nhân rằm tháng 7. Tôi đi chùa và kính cẩn gắn trên ngực áo mình bông hồng trắng cầu cho linh hồn của mẹ được siêu thoát và thanh thản nơi chín suối.

Gia đình ông bà ngoại tôi có cửa hiệu bán tranh thêu và đồ thủ công mỹ nghệ trên phố nên từ nhỏ mẹ tôi đã được cưng chiều và có cuộc sống sung sướng hơn bạn bè cùng lứa. Năm 16 tuổi, mẹ tôi đã rất xinh đẹp lại thông minh, tháo vát biết lo quán xuyến cửa hàng giúp ông bà.

Mẹ gặp bố – một Việt kiều về nước tìm mối buôn hàng thủ công xuất khẩu sang nước ngoài. Hai người đã phải lòng nhau ngay từ buổi đầu gặp gỡ ấy. Một đám cưới lớn được tổ chức khi mẹ tôi vừa tròn 17, còn bố tôi đã 35. Dù ông bà tôi can ngăn và lo lắng về cuộc tình chóng vánh này, nhưng mẹ vẫn nhất quyết kết hôn. Đám cưới ấy đã đánh dấu chuỗi ngày tháng đau khổ, tủi phận của mẹ con tôi suốt 18 năm sau đó.

Ở Việt Nam được gần năm rưỡi thì bố tôi đi Pháp để hoàn thành một số công việc còn dang dở với lời hứa sẽ trở về sớm để đưa hai mẹ con sang định cư bên đó. 1 năm, 2 năm, 3 năm trôi qua, mẹ tôi mòn mỏi đợi chờ người đàn ông ấy. Không một tin tức, không một dòng thư, mẹ tôi như điên dại tìm đủ mọi cách kiếm tiền để sang Pháp tìm chồng, tìm bố cho tôi.

Rồi mọi biến cố cứ thế trút xuống gia đình tôi dồn dập. Ông bà ngoại tôi mất trong một chuyến giao hàng vào Nam. Mẹ tôi trở thành người duy nhất cáng đáng mọi công việc cửa hiệu, lo trả nợ, chăm sóc tôi – vừa tròn 4 tuổi. Như lời bác giúp việc kể lại, mới hơn 20 tuổi mà mẹ tôi đã trông như một thiếu phụ 30. Mẹ tôi nén nỗi đau trong lòng và từ đó không ai nhìn thấy mẹ khóc nữa, cũng không bao giờ thấy mẹ nhắc đến tên bố, nhắc đến chuyến đi Pháp để tìm ông.

Là con gái nhưng càng lớn tôi càng giống bố và điều đau khổ nhất với tôi là không có được tình yêu của mẹ. Tôi cảm nhận được rõ ràng sự lạnh nhạt, thờ ơ của mẹ với mình. Tôi được ăn ngon, được thuê gia sư về kèm học, thích gì được nấy nhưng chưa bao giờ tôi được mẹ vuốt ve, âu yếm dù chỉ qua ánh mắt. Bà như luôn muốn lẩn tránh đứa con gái ruột của mình.

Năm tôi 14 tuổi, thì mẹ tôi công khai chuyện quan hệ với những người đàn ông khác, thậm chí mẹ còn không ngại ngần âu yếm người tình ngay trước mặt con gái. Tôi đau khổ tột cùng và chỉ biết ngồi khóc hàng đêm khi nghe tiếng đùa cợt của mẹ cùng người đàn ông xa lạ trên gác. Nhưng đó không phải là người đàn ông duy nhất mẹ đưa về nhà. Còn nhiều người đàn ông khác nữa mà tôi chưa bao giờ biết tên vì mẹ luôn gọi họ bằng hai từ duy nhất “anh yêu”.

Tôi không giận mẹ mà còn luôn tìm cách lấy lòng mẹ. Tôi cố học giỏi, cố ngoan ngoãn, tôi còn khoanh tay chào tất cả những người đàn ông đi cùng mẹ. Tôi đáp trả lại sự lạnh lùng của mẹ bằng tất cả sự hiếu thảo, lòng kính trọng của một đứa con cần phải có. Nhưng người duy nhất an ủi, hiểu tôi là bà vú nuôi của mẹ từ nhỏ. Tôi coi bà như ruột thịt và bà cũng hết lòng yêu thương, chăm tôi như đã từng chăm mẹ.

Những ngày mẹ ở nhà ít hơn và tôi cũng đã dần quen với sự trống vắng ấy thì tin dữ một lần nữa lại ập đến. Mẹ tôi mất. Mẹ tôi mất vì sốc thuốc trong lúc đang chăn gối với một người đàn ông. Ông ta là ai thì tôi cũng không biết và không muốn biết. Tôi, đứa con gái 18 tuổi, chập chững bước vào đời một mình lo toan đám tang cho mẹ. Mẹ tôi ra đi trong sự ghẻ lạnh của những người hàng xóm, không bạn bè và không một tiếng khóc.

Đến 5 ngày sau, tôi mới như thoát khỏi được cảm giác bàng hoàng ấy, tôi ngỡ ngàng nhận ra đây không phải là một giấc mơ. Tôi mất mẹ thật rồi và quằn quoại khóc suốt những ngày sau đó. Mẹ tôi để lại cho tôi rất nhiều tiền cùng xếp thư đẫm đầy nước mắt kể về cuộc đời mẹ và tình yêu mẹ dành cho tôi và bố nhiều đến nhường nào.

Vì mẹ không thể trả nổi nợ nần và tiếp tục duy trì cửa hàng, thậm chí có thể sẽ phải bán nhà gán nợ. Mẹ tôi đã chấp nhận làm bồ nhí, chiều lòng tất cả những người đàn ông nào nhiều tiền muốn ở với mẹ. Toàn bộ số tiền mẹ có được từ họ, mẹ gom dần trả nợ và quyết tâm sống chết giữ lại ngôi nhà với niềm tin nếu có một ngày bố tôi trở về thì vẫn có thể tìm lại được bà, tìm lại được tôi.

Nhưng mẹ đã không thể đợi đến được ngày đó. Lúc trả được mọi nợ nần cũng là lúc mẹ tôi mắc nghiện. Mẹ đã dằn vặt và đau khổ biết bao nhiêu khi phải âu yếm với nhiều người đàn ông trong khi trong đầu chỉ có hình bóng của bố. Không muốn tôi phải sống thiếu thốn, mẹ vẫn tiếp tục tìm những người đàn ông mới để kiếm tiền duy trì cuộc sống và để dành tiền lo cho tương lai của tôi.

Không một lá thư nào thiếu những dòng xin lỗi và mong tôi tha thứ cho mẹ. Nhưng mẹ tôi có biết rằng, chưa một giây phút nào đứa con này giận mẹ, hận mẹ và xấu hổ vì mẹ. Mùa Vu Lan năm nay, tôi lại cùng bà vào chùa thắp hương cho ông bà và mẹ. Tôi bắt gặp những bạn trẻ khác cũng vào chùa thắp hương và trên ngực áo họ cài bông hoa hồng đỏ rực rỡ. Vậy là họ vẫn còn mẹ, tôi mỉm cười và thấy lòng mình ấm áp lạ lùng.

Vu Lan – Mùa báo hiếu cha mẹ, sự hiếu trung, đức hỉ xả, lòng từ bi như giúp con người sống tốt hơn. Còn rất nhiều mùa Vu Lan khác sẽ đến, tôi cũng nguyện cầu cho những bạn trẻ kia mãi mãi được cài hoa đỏ mỗi khi lên lễ chùa cầu phúc cho cha mẹ kính yêu.

Ly Vũ ghi theo lời kể của M.A (dantri.com.vn)

 

Bình luận (0)