Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Chưa nên thông qua Luật Giáo dục ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Hầu hết các đại biểu đều thống nhất chưa nên thông qua Luật giáo dục đại học vì dự thảo còn quá sơ sài.

Tại Hội thảo “Góp ý Luật Giáo dục đại học” do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam tổ chức, hầu hết các đại biểu đều thống nhất chưa nên thông qua Luật giáo dục đại học vì dự thảo còn quá sơ sài.
Chưa có gì mới
Hội thảo đã thu hút gần 20 Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng Quản trị của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tại TP. HCM tham gia.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen cho rằng: Hiện tại có 2 luồng ý kiến về việc thông qua dự án Luật Giáo dục đại học.
GS Trần Hồng Quân: "Chưa nên thông qua dự án Luật Giáo dục đại học".
Luồng ý kiến thứ nhất là chưa nên thông qua, cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu, lấy thêm ý kiến.
Luồng ý kiến thứ 2 là Quốc hội nên thảo luận và thông qua dự án luật này vì có còn hơn không.
“Theo tôi, Quốc hội chưa nên thông qua dự án Luật Giáo dục đại học. Bởi một dự án luật khi được ban hành phải đi vào thực tế cuộc sống. Còn ở dự án Luật Giáo dục đại học thì còn có quá nhiều điểm chung chung. Sau khi ban hành mà cần phải thêm Nghị định, Nghị quyết hay Thông tư hướng dẫn thực hiện thì chưa nên vội vàng thông qua”.
Đồng quan điểm, TS. LS Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục đại học còn thiếu định nghĩa về các loại hình đại học. Dự án luật này cần phải được Ban soạn thảo của Quốc hội soạn thảo một cách chi tiết, cụ thể để Luật được ban hành có thể đi ngay vào cuộc sống.
TS Trương Quang Mùi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH Công nghệ Sài gòn cũng khẳng định: “Hiệp hội chúng ta cần phải kiến nghị để Quốc hội đừng vội vàng thông qua dự án Luật này. Về cơ bản, dự thảo lần 4 chưa có gì mới hơn những bản dự thảo lần trước”.
Về vấn đề này, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam cho biết, sẽ có kiến nghị gởi Bộ GD – ĐT, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Bộ Chính trị đề nghị hoãn việc xem xét và thông qua dự án Luật Giáo dục đại học.
 GS Trần Hồng Quân cho rằng: “Dự án Luật Giáo dục đại học đang rối mà chúng ta chưa có hướng giải quyết, chưa có chiến lược quốc gia về phát triển giáo dục đại học. Vì vậy, có thông qua thì Luật cũng không thể áp dụng”.
Nhận xét về bản dự thảo lần 4, GS Trần Hồng Quân cho rằng, bản Dự thảo lần 4 không thể hiện rõ một tư tưởng chủ đạo nào, có kết cấu vụn vặt và được soạn thảo theo kiểu lắp ghép cơ học giữa các điều khoản ở Luật Giáo dục, Điều lệ trường đại học, Quyết định 07/2009/QĐ – TTg, Nghị định 115/2010/NĐ – CP.
Không làm tốt vai trò

Theo GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH – CĐ NCL, Bộ Chính trị đã có văn bản yêu cầu Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam làm rõ 3 yếu tố của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập như quyền tự chủ, Hội đồng trường, hoạt động phi lợi nhuận hay vì lợi nhuận.
Thế nhưng, trong dự thảo lần 4 của dự án Luật Giáo dục đại học lại không được nhắc đến hoặc nhắc đến một cách rất mờ nhạt
Về khía cạnh này, TS. LS Nguyễn Đăng Liêm cho rằng: “Trong dự án luật này cần phải có quy định về tự chủ chứ không thể để cho Chính phủ, Bộ GD – ĐT cầm tay chỉ đường cho chúng ta đi. Cần có hành lang pháp lý toàn diện để bỏ “3 chung” và cho các trường tự xác định điểm sàn, điểm chuẩn và chỉ tiêu”.
Ông Nguyễn Tiến Bình: "Cần làm tốt công tác truyền thông".
Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định cho rằng, 3 chung hiện nay đã quá già cỗi, lỗi thời và tự phá sản.
Trong mùa tuyển sinh 2011, các trường tổ chức thi tuyển đã không chuyển danh sách cho các trường không tổ chức thi tuyển hoặc có chuyển nhưng thiếu mất địa chỉ của thí sinh nên các trường không tổ chức thi tuyển không có cơ sở để gửi giấy báo xét tuyển, nhập học.
TS. LS Nguyễn Đăng Liêm kiến nghị, Bộ GD – ĐT phải để cho các trường tự làm công tác tuyển sinh. Trường nào thấy cần thiết tổ chức thi tuyển thì thi, trường nào muốn xét tuyển thì xét. Cái quan trọng là chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ đầu ra.
TS. LS Nguyễn Đăng Liêm dẫn chứng, trước năm 1975, ở Sài gòn chỉ có 3 ngành là Y dược, Hàng không và Điện là thi tuyển. Còn các ngành Kinh tế, Khoa học xã hội nhân văn thì được xét tuyển.
TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT nhìn nhận, hiện tại có nhiều bản dự thảo lần 4 của dự án Luật Giáo dục đại học nhưng có nội dung quá khác nhau.
Nhiều lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã tham gia Hội thảo.
Tại điều 48, 49, 50 của bản dự thảo lần 4 có ghi, Phó Hiệu trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Trưởng khoa, Phó trưởng khoa có nhiệm kỳ là 5 năm, được bổ nhiệm lại nhưng không quá 2 nhiệm liên tiếp.
Như vậy, Luật Giáo dục đại học đã làm tăng hay giảm tính tự chủ của các trường?
Góp ý cho Luật Giáo dục đại học, TS Trần Hành, Hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng cho rằng: “Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã đào tạo cho xã hội 200 ngàn sinh viên. Mỗi năm, các trường ngoài công lập nộp ngân sách 12 tỷ đồng nhưng lại không được nhà nước cấp đất. Đó là chưa kể, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập liên tục bị báo chí đánh hội đồng. Chẳn hạn, trong mùa tuyển sinh 2011, các trường công lập cũng tuyển sinh bằng điểm sàn, tuyển hệ B nhưng không bị Bộ thổi còi. Còn các trường ngoài công lập cũng tuyển sinh bằng điểm sàn thì bị gọi là vơ vét thí sinh để thu học phí”.
Đồng quan điểm, TS Lê Văn Lý, Hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương TP. HCM cho rằng: “Bộ GD – ĐT cần phải bỏ “3 chung” để thỏa mãn nhu cầu học đại học của xã hội. Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông rồi thì nên cho vào học đại học. Đây cũng là xu hướng mà các nước trên thế giới đang thực hiện. Như thế, việc tuyển sinh sẽ không nặng nề như hiện nay. Trường nào muốn chất lượng thì phải khắt khe ở đầu vào”.
Lý giải về việc các trường ngoài công lập bị báo chí “đánh” hội đồng, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Công tác tuyên truyền của các trường ngoài công lập trong thời gian qua quá yếu, mờ nhạt. Vì thế, xã hội chưa nhìn thấy được những đóng góp và sự phát triển của các trường ngoài công lập. Do vậy, trong thời gian tới các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để xã hội hiểu rõ hơn vai trò của mình”.
Về chuyện xóa bỏ “3 chung”, trao quyền tự chủ tuyển sinh, GS Trần Hồng Quân cho biết, trong tháng 10/2011 Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hội thảo để bàn luận và kiến nghị với Bộ GD – ĐT về vấn đề này.
GS Trần Hồng Quân cho rằng, dự án Luật Giáo dục đại học phải đạt được 4 yêu cầu quan trọng sau:
Thứ nhất, phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục đại học phân tầng, thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Hai là, phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ hợp lý và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học.
Ba là, phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.
Bốn là, phải triệt tiêu mọi hậu họa về tệ nạn “xin – cho” đang phổ biến hiện nay trong quản lý giáo dục đại học.
GS Trần Hồng Quân khẳng định: “Chỉ khi dự án Luật Giáo dục đại học đáp ứng được 4 yêu cầu trên thì giáo dục đại học Việt Nam mới hy vọng trong tương lai gần đạt được các tiêu chí cần có của một nền giáo dục đại học tiên tiến là: công bằng, chất lượng và hiệu quả”.
Theo GDVN

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)