Khi chiếc khăn đã phủ gần kín tấm lưng loang lổ hình xăm, Đ. thoăn thoắt đôi bàn tay châm lửa chạy dọc theo xương sống rồi xoa bóp, bấm huyệt khắp lưng bạn cai nghiện một cách thuần thục.
“Đây là hỏa long cứu, một phương pháp cai nghiện êm ái mà em đã từng được chữa trị”, Đ. cười tươi giới thiệu việc mình vừa làm trước sự bất ngờ lẫn thán phục của mọi người.
Không chỉ mình Đ., hàng chục học viên cai nghiện ở cơ sở xã hội Bàu Bàng (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã lận lưng được cách hỗ trợ cai nghiện bằng chính đôi bàn tay mình sau khi kết thúc khóa học nghề giúp việc lương y – lương dược do Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng và cơ sở xã hội Bàu Bàng tổ chức.
Chữa cho “ma mới”
Đi qua nhiều dãy nhà, nhiều lớp cửa khóa mới tới được khu vực điều trị hỗ trợ cắt cơn. Trong căn phòng nhỏ kê ba bốn chiếc giường, người nghiện nằm úp mặt, phơi tấm lưng trần gầy guộc. Bác sĩ Hoàng Việt Dũng soạn trong tủ thuốc ra lỉnh kỉnh chai lọ, khăn màn… rồi gọi các học viên vào tiến hành hỏa long cứu.
Hoàng Đ. (25 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vừa đắp các lớp bông, khăn lên lưng người nghiện, vừa kể: “Em vào đây được 15 tháng rồi. Hồi trước nghe đi cai nghiện là run bắn người, cứ hình dung mình bị tiêm thuốc, rồi xích tay trói chân tùm lum. Rứa mà vô đây mấy thầy thuốc hỗ trợ cắt cơn cho em bằng châm hỏa long cứu. Tức là cho lửa “đốt” lưng ni nè”. Dứt lời, Đ. cầm bật lửa châm lên tấm khăn, ngọn lửa bén cồn cháy phực chạy dài theo sống lưng. Đợi một lúc, Đ. gập khăn dập lửa rồi dùng đôi bàn tay có vẻ lành nghề của mình ấn các đốt xương, nắn bóp khắp lưng cho người nghiện dễ chịu. “Khi mới vào đây, mấy anh khóa trước cũng “đốt” lưng em như ri, khoái lắm! Em không thấy quằn quại, mệt mỏi khi lên cơn, đầu óc còn thư thái hơn nữa. Giờ em là “ma cũ”, có “ma mới” vào em giúp họ cai một cách êm ái hơn thôi”, Đ. bộc bạch.
Giường cạnh bên, Lê Đức B. dùng đầu ngón tay nhéo từng đoạn da như con cua bò khắp lưng người nghiện rồi lại đấm bóp trước sự chỉ dẫn của thầy thuốc. B. nói, mỗi lần người nghiện mệt mỏi hoặc ốm đau, món nghề xoa bóp này giúp họ thư giãn, thoải mái và có cảm giác bản thân được chăm sóc, quan tâm như bao người bình thường.
Những năm trước, khi chưa có các học viên này, bác sĩ tại cơ sở trực tiếp hỗ trợ người nghiện cắt cơn, chăm sóc họ khi ốm đau. Nhưng vì người bệnh đông, thầy thuốc ít nên không thể nào chăm chút chu đáo tận từng người. “Bây giờ các học viên đã thành thạo, có thể tự giúp nhau nhiều lần trong ngày và có điều kiện hưởng được các công đoạn trong quá trình điều trị, từ đó nhanh cắt cơn nghiện hơn”, lương y Phan Công Tuấn, Bệnh viện Y học cổ truyền chia sẻ.
Rõ từng cơn đau…
Đôi tay của cậu bạn cai nghiện khóa trên vừa dứt khỏi tấm lưng, N.V.T (29 tuổi) khoan khoái trở người ngồi bật dậy, nở nụ cười tươi rói như thể trước đó chừng một tiếng, T. chưa hề bị cơn nhức mỏi hoành hành khắp các khớp tay chân. Ngày đầu mới “giao người” cho các lương y nghiệp dư đấm bóp và hỏa long cứu, T. cũng hơi rùng mình vì sợ. Vậy mà chỉ sau vài ba hôm, mỗi lúc ốm hay trước khi lên cơn T. lại mong chờ được chính đôi tay của họ chăm sóc . “Được một người từng nghiện giúp cai, em thấy rất đồng cảm. Nhiều lúc chẳng cần nói ra, họ cũng biết em đau ở đâu, cần xoa dịu chỗ nào. Hơn hết là mình thấy họ để làm gương mà gắng cai nghiện”, T. vừa nói vừa hướng ánh mắt biết ơn sang “lương y” Hoàng Đ.
Trong khi đó, Trần Th.T., một “cậu ấm” đang tuổi đôi mươi nhớ như in những ngày đầu bất mãn vì bị bó buộc trong khu nhà mà mọi cánh cửa đều đóng sầm lại. Càng ức chế hơn bởi trước đây tung hoành ngang dọc, giờ một hai phải nghe lời thầy thuốc. Cho đến khi những người bạn cai nghiện tới cởi tấm áo cho T. lúc ngã bệnh, xoa bóp cả người và vực cậu dậy mỗi lúc cơn đau ập đến. Khi ấy, quyết tâm cai nghiện của cậu ấm mới được thổi bùng lên. Bây giờ, T. đã không còn nghiện, lại còn được các học viên mới gọi là “lương y”. “Mỗi lần dùng đôi tay mình giúp các bạn cai nghiện, em có cảm giác đang chữa cho chính mình. Vì hơn ai hết, em rõ từng cơn đau đớn quằn quại mà người nghiện phải trải. Trước khi lên cơn, nếu được châm cứu hoặc hỏa long cứu, thì lúc cơn nghiện tới sẽ bớt vật vã. Kinh nghiệm của em là phải hợp tác với thầy thuốc để bớt đau, vậy nên lúc hỗ trợ cho các bạn, em luôn lấy những điều mình đã trải qua để áp dụng và động viên các vượt qua”, T. chia sẻ.
Dẫn chúng tôi ngang qua hành lang trước dãy phòng của những người nghiện chưa cắt được cơn, lương y Tuấn trầm ngâm rằng, chỉ mới đây thôi, người ta còn hoài nghi con nghiện từng là nỗi sợ của mọi người bởi liên tiếp những tin tức trên báo đài về những vụ đâm chém, cướp giật, thì liệu có tham gia vào một số công đoạn chữa bệnh được không? Ông dừng lại chốc lát rồi trả lời rằng, người bệnh chỉ là người bệnh khi đang bị bệnh, còn khi đã điều trị hết bệnh thì họ hoàn toàn là người bình thường. Khi ấy mình có thể dạy nghề, hướng dẫn họ làm việc có ích cho xã hội. Có kiến thức và kỹ năng, người nghiện chữa nghiện cho nhau, còn gì tốt hơn? “Họ không chỉ đủ khả năng để làm những việc đó, mà họ còn là người thầy chỉ vẽ và tư vấn cho chúng tôi những thay đổi về thể trạng, tâm lý và cả cảm giác của người nghiện khi lên cơn bằng tất cả những gì họ đã trải qua. Không ai rõ từng cơn đau bằng họ. Nhờ vậy mà chúng tôi tìm được hướng điều trị thích hợp nhất cho người nghiện”, ông Tuấn nói thêm.
Nối dài khóa học
Cách đây vài năm, khi cơ sở xã hội Bàu Bàng chính thức đưa châm cứu, hỏa long cứu và uống thuốc Nam vào hỗ trợ cai nghiện đã chịu rất nhiều nghi ngại, bởi ngoài phương pháp điện châm đã được Bộ Y tế ban hành, thì thuốc Nam và hỏa long cứu chưa có trong phác đồ điều trị người nghiện ma túy. Tuy nhiên, vì sức khỏe của người bệnh, đồng thời phương pháp này không gây ra tai biến nên trung tâm đã mạnh dạn áp dụng. Bác sĩ Hoàng Việt Dũng cho hay, trước khi lên cơn, nếu bệnh nhân chịu hợp tác với bác sĩ và chịu dùng thuốc Nam, châm cứu, hỏa long cứu thì các triệu chứng lên cơn sẽ giảm đi 70%, người bệnh chỉ phải chống chọi với 30% đau đớn còn lại. Vậy nên việc điều trị cai nghiện ma túy nhẹ nhàng hơn, không còn là nỗi sợ hãi của người nghiện, qua đó còn thể hiện được tính nhân văn. Đúng như lời bác sĩ Dũng, một học viên cai nghiện ma túy 8 năm, vào đây cai nghiện tới 4 lần chia sẻ rằng, những đợt trước vào chưa có phương pháp này, mất một thời gian rất lâu anh mới tỉnh táo. Nhưng lần này được châm cứu, hỏa long cứu, chỉ sau vài ngày là anh vực dậy, khoảng hai tuần thì dứt hẳn cơn thèm thuốc. “Đối với người sử dụng heroin, chỉ sau 1 tuần là cắt được cơn thèm thuốc, còn người dùng ma túy tổng hợp (hàng đá) thì 2 tuần. Sau cắt cơn, chúng tôi sẽ dùng các phương pháp đông y này để điều trị chống tái nghiện trong vòng vài tháng. Cách điều trị này rút ngắn thời gian cắt cơn, không làm người bệnh lừ đừ, mệt mỏi”, lương y Phan Công Tuấn, người nghiên cứu và ứng dụng phương pháp hỏa long cứu hỗ trợ cai nghiện đầu tiên ở Việt Nam giải thích.
Đến tháng 9/2016, cơ sở xã hội Bàu Bàng và Bệnh viện Y học cổ truyền quyết định tổ chức khóa dạy nghề giúp việc lương y – lương dược dạy cho các học viên cai nghiện ở đây cách xoa bóp, bấm huyệt, hỏa long cứu, các phương pháp dưỡng sinh, kỹ năng đương đầu nguy cơ tái nghiện, sử dụng thuốc Nam chữa cai nghiện… Mục đích của khóa học nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cai nghiện và cũng là phương pháp tốt giúp học viên tránh tái nghiện. Hôm chúng tôi đến, đúng vào ngày tổng kết khóa học thứ 2. 23 học viên sau 3 tháng học hành nỗ lực được xướng danh lên nhận chứng chỉ trong tràng pháo tay cảm phục lẫn khích lệ của mọi người. Rất nhiều học viên đạt loại khá, giỏi bày tỏ mong muốn được tham gia phụ giúp điều trị cai nghiện cho các học viên khác dưới sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc cơ sở xã hội Bàu Bàng, hào sảng: “Hôm trước tôi phát 100 phiếu khảo sát nguyện vọng tham gia lớp học nghề giúp việc, đến 85 phiếu đồng ý. Tôi chỉ mong được tạo điều kiện để nối dài lớp học này tại trung tâm, tăng thêm số học viên nữa”.
“Học được nghề xoa bóp, hỏa long cứu, tự nhiên tui thấy mình có ích hơn hẳn. Tui không còn làm gánh nặng cho ai, mà còn giúp đỡ và chăm sóc người khác. Sau này ra khỏi trung tâm, có khi tui rẽ lối sang làm nghề ni cũng nên”.
Một học viên cai nghiện tâm sự
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)