TP.HCM có gần 1.000 người lao động bị nợ lương, mất việc do chủ bỏ trốn từ đầu năm đến nay. Rất nhiều người phải chật vật kiếm sống và mỏi mòn chờ hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
Đầu tháng 11, nhiều công nhân dẫn con đến Công ty Dục Quân (TP.HCM) với hi vọng nhận được tiền lương – Ảnh: Trung Cường |
Mới nhất là hàng trăm công nhân Công ty Dục Quân (Q.8), Công ty Hoàng Tâm (Q.12), cơ sở Diệu Tân (Q.Bình Tân)… lâm vào tình cảnh mất việc, chờ nhận lương do chủ bỏ trốn. Trước đó, đầu năm 2009 là công nhân Công ty Sin B (Q.12), Công ty Hoàng Nghiệp (Q.Bình Tân).
Chiều 1-11, hàng chục công nhân Công ty TNHH may Dục Quân có chủ bỏ trốn đầu tháng 10 quay lại công ty cũ với hi vọng nhận được thông tin về sự hỗ trợ nhưng chưa thấy gì. “Chờ lương để sống mà chủ trốn biệt tăm. Trước mắt cố tìm một công việc có “tiền tươi” để có ăn mỗi ngày rồi tính tiếp” – chị Quách Thị Hiệp nói. Nhiều người không có tiền về quê làm hồ sơ xin việc nên cũng chịu cảnh “làm ngày nào xào ngày nấy” như chị Hiệp. Bức bách của họ đơn giản chỉ là bữa cơm mỗi ngày trong lúc trắng tay mất việc. Nhiều công nhân khác bươn chải ra ngoài làm đủ nghề để nhận 80.000-90.000 đồng/ngày.
Có việc sống qua ngày còn đỡ. Nhiều người xin hoài vẫn chưa tìm được việc. Còn anh Nguyễn Văn Định, Công ty Hoàng Tâm, sau khi bị chủ trốn nợ, xin qua công ty khác làm được mấy tháng tiếp tục bị xù nợ. “Sợ quá không dám đi làm nữa” – anh Định nói.
Thực hiện chậm
Ngày 23-2-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 30 quy định việc hỗ trợ người lao động có chủ bỏ trốn. Theo thông tư liên tịch hướng dẫn sau đó, người lao động có chủ bỏ trốn được UBND TP tạm ứng ngân sách chi trả số nợ lương. Thế nhưng từ đó đến nay chưa người lao động nào được nhận tiền hỗ trợ. Thành ủy, UBND TP có nhiều chỉ đạo các sở, ngành gấp rút hỗ trợ người lao động mất việc do chủ bỏ trốn. Thế nhưng các bước thực hiện khá chậm.
Hai công ty có chủ bỏ trốn sớm nhất là Công ty TNHH Sin B và Công ty TNHH Hoàng Nghiệp. Chủ của hai công ty trên bỏ trốn từ cuối tháng 1-2009 khiến hàng trăm công nhân mất việc. Đến cuối tháng 2 khi quyết định 30 ra đời, quy trình thực hiện được xúc tiến. Nhưng phải đến tận đầu tháng 8-2009, đoàn liên ngành do Sở Kế hoạch – đầu tư (KH-ĐT) chủ trì mới kiểm tra xác minh dấu hiệu bỏ trốn của hai công ty trên.
Việc chậm trễ triển khai có một phần do trước đó phía Sở KH-ĐT từ chối chủ trì đoàn liên ngành xác định chủ doanh nghiệp bỏ trốn và lập hồ sơ về lao động, tiền lương, tài chính của doanh nghiệp; từ chối việc thành lập tổ công tác giải quyết các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn như thông tư hướng dẫn và đẩy trách nhiệm cho Sở LĐ-TB&XH. Đến ngày 16-4, bà Nguyễn Thị Thu Hà – phó chủ tịch UBND TP.HCM thời điểm đó – phải chủ trì cuộc họp chỉ đạo Sở KH-ĐT thực hiện trách nhiệm được giao, mọi việc mới được triển khai.
Băn khoăn khái niệm
Nhưng lại phát sinh rắc rối khác. Trong cuộc họp ngày 15-6, các sở ban ngành đã bày tỏ băn khoăn về khái niệm “chủ doanh nghiệp bỏ trốn”. Vì trong quyết định 30 và thông tư hướng dẫn không nêu cụ thể các tiêu chí để xác định chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Vì vậy trong cuộc kiểm tra tại các công ty Hoàng Nghiệp, Sin B và Dục Quân, đoàn liên ngành đều dùng khái niệm “có dấu hiệu bỏ trốn”, trong khi quyết định 30 áp dụng cho “doanh nghiệp có chủ bỏ trốn”.
Ông Trương Lâm Danh, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, bức xúc: “Cứ linh động thực hiện để đạt được mục tiêu hỗ trợ người lao động. Còn cái gì vướng mắc thì mình cứ trình xin ý kiến Chính phủ bổ sung văn bản. Cứ cứng nhắc theo nguyên tắc này nọ thì người lao động phải chờ dài cổ”.
Hiện Sở KH-ĐT đã soạn dự thảo trình UBND TP kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời xác định các tiêu chí áp dụng cho khái niệm “chủ doanh nghiệp bỏ trốn”, đồng thời trình UBND TP linh động giải quyết trước trường hợp Công ty Hoàng Nghiệp và Sin B.
TRUNG CƯỜNG – HỒ VĂN (TTO)
Bình luận (0)