“Chưa thể giải thể hay sáp nhập các ngân hàng ngay”- Cựu Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy, trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam”.
Ông Lê Đức Thuý. |
Cơn lốc tín dụng đen với những thông tin đổ vỡ hàng trăm thậm chí cả ngàn tỷ đồng đang lan dần. Theo ông, nó có ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng?
10 năm về trước hợp tác xã tín dụng do Chính phủ cấp phép. Còn đây là hoạt động vay mượn bên ngoài, ví dụ như khi đưa luật trần lãi suất không quá 150% nhưng ai dám phát hiện lãi suất cho vay cầm đồ lên đến 1%/ngày… Bây giờ đã vỡ ra kẻ lừa đảo bị xử lý, người bị lừa thì thua thiệt nhưng xã hội phải trả giá và nó cũng tác động khiến chúng ta rất khó phục hồi đà tăng trưởng.
Tín dụng đen không thể tự nó có một nguồn tài chính dồi dào như vậy mà phải có sự móc nối với những nguời làm trong hệ thống ngân hàng ở góc này, góc kia. Tôi nói đó là rủi ro đạo đức do một thời gian dài ta chỉ dùng mệnh lệnh hành chính, không minh bạch và ta tưởng rằng nó sẽ tuân thủ, nhưng cuộc sống không nghe theo lệnh mà có những quy luật khách quan của nó và anh khôn ngoan là phải nhận ra để đưa ra những chính sách phù hợp.
Cũng có ý kiến cho rằng sở dĩ số luợng ngân hàng nhiều như hiện nay và nhiều ngân hàng có chất luợng yếu là do đã có thời NHNN ồ ạt “nâng cấp” các ngân hàng cổ phần nông thôn lên đô thị?
Tôi biết có người nói tại ông Thúy cho nhiều ngân hàng lên đô thị. Nhưng các bạn phải biết rằng có quy định trước đó ngân hàng nông thôn quy định vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, một ngân hàng cổ phần đô thị vốn điều lệ tối thiểu là 70 tỷ đồng. Có một thực tế là lãi suất cho vay nông thôn bao giờ cũng cao hơn, các ngân hàng đô thị lại “tuồn” vốn về nông thôn, đó là một sự vênh về lãi suất.
Cái thứ hai, phân biệt hoạt động cho vay nông thôn hay là nông nghiệp nông thôn lúc đó là không có. Trong tình hình đó, tôi yêu cầu các vụ, cục của NHNN phải có một đề án để đưa lên đô thị, đồng thời có điều kiện đưa vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, lãi suất thì thỏa thuận, tiêu chuẩn thì như nhau.
Bây giờ cứ cho là lỗi chuyển từ nông thôn lên đô thị là của tôi đi nhưng thời điểm đó trước những bất cập kể trên các bạn sẽ làm thế nào?
Trước mắt, theo ông, nên làm gì để tài chính hệ thống NHTM lành mạnh hơn?
Tùy từng ngân hàng mà có sự tái cơ cấu khác nhau, có NHTM phải tăng cường quản trị nội bộ. Chúng ta không thể quản trị như hiện nay là huy động được 1 tỷ đồng sẽ được bao nhiêu tiền thưởng, rồi lãi suất cho vay thì móc ngoặc với nhân viên tín dụng… Làm lành mạnh hệ thống chống lại được rủi ro đạo đức, từ đó tăng chất lượng tín dụng.
Phải nói là tỷ lệ nợ xấu cao hơn con số chính thức, đấy là chưa kể những rủi ro đạo đức đang vỡ ra rất nhiều và thậm chí là chưa vỡ ra hết. Do đó nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ phải trả giá đắt hơn. Sau khi có những bước chuẩn bị như vậy, mới nói đến sáp nhập và giải thể hay không, và với ngân hàng nào, cách thức thực hiện ra sao.
Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam”, do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 18-10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nói: “Chính phủ đặt ra trọng tâm năm 2012 và cả 5 năm là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng. Năm 2012, Chính phủ sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng là 6-6,5% GDP”.
Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam cho rằng, nguyên nhân căn bản dẫn đến bất ổn kinh tế tại Việt Nam là do cấu trúc của nền kinh tế. Những giải pháp hiện nay mới chỉ mang tính tình tế và giải quyết những biểu hiện chứ chưa giải quyết được vấn đề bản chất.
“Điều quan trọng nhất là tạo được văn hóa minh bạch từ chính sách Chính phủ đến doanh nghiệp, từ đó mang lại niềm tin của người dân với nhà chính sách”, ông Mishra nói.
Hầu hết các chuyên gia tham dự đều đề cập những vấn đề VN cần giải quyết như tái cơ cấu kinh tế, giám sát nợ công, lựa chọn những chính sách ứng phó phù hợp và hơn cả là cần một kịch bản hành động.
|
Khánh Huyền
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)