Cứ xem cách đối phó khủng hoảng tài chính của chính phủ các nước ở Châu Âu thì sẽ thấy có hai điều khá đặc biệt.
Thứ nhất, Châu Âu ứng phó có phần muộn, gần như phải nước đến chân mới chịu nhảy, có thể phần vì không lường được chuyện từ một cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ có thể lây lan ra thành một cuộc khủng hoảng đối với cả Châu Âu và thế giới, nhưng cũng có thể phần vì không muốn phải đổ công của của mình ra để giúp Mỹ giải cứu thị trường tài chính của Mỹ. Thứ hai, sau khi quyết định đối phó thì mức độ đối phó của Châu Âu lại quyết liệt hơn cả so với Mỹ, thậm chí lại còn có thể là mô hình để Mỹ làm theo.
Thực tế đó cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính tác động tai hại tới Châu Âu như thế nào. Không chỉ Island có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bị phá sản; Hungari và Ukraina trong tình thế hết sức khó khăn, mà còn hàng loạt ngân hàng ở Đức, Hà Lan, Bỉ, Pháp… nếu không được cứu sẽ kéo đổ cả hệ thống ngân hàng tài chính ở Châu Âu. Mức độ quyết liệt của đối sách ở Châu Âu có nguồn gốc từ những nỗi lo đến mức hoảng loạn đó và từ một thực tế khác nữa. Không như ở Mỹ, tổng thống Bush sắp mãn nhiệm và người kế nhiệm ông Bush mới thực sự là người lãnh đủ từ cuộc khủng hoảng này và cũng sẽ bị đánh giá khả năng lãnh đạo ở chỗ có xử lý được cuộc khủng hoảng này hay không, các chính phủ ở Châu Âu đều phải phấn đấu để tái cử, để phe đối lập không tận dụng cơ hội có thêm được con chủ bài tranh cử đắc dụng, đều cần phải tỏ ra là làm chủ được tình hình, nắm bắt được vấn đề, có giải pháp đúng đắn và có tầm nhìn xa trông rộng.
Cuộc hoảng loạn vẫn chưa qua vì cũng phải có thời gian nhất định thì mới có thể biết được đối sách của các chính phủ công hiệu đến đâu, vì mức độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục suy giảm, vì chính phủ tuy quyết tâm nhưng khả năng cứu trợ về tài chính của chính phủ cũng đâu có phải là vô tận và vì cả giới kinh tế lẫn ngân hàng tuy cần sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng cũng đâu có mặn mà gì với việc nhà nước gia tăng sự can thiệp và kiểm soát của mình vào các hoạt động kinh tế và ngân hàng.
Thuỵ Vân (dddn)
Bình luận (0)