Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chưa sống được bằng lương, giáo viên chán nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đánh giá về việc cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên
Cần thực hiện cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (GV) nhằm kiến tạo các điều kiện để đội ngũ nhà giáo thực sự là nhân tố đảm bảo công cuộc đổi mới, căn bản toàn diện nền giáo dục thành công; cần xác lập lộ trình cải cách công tác đào tạo bồi dưỡng GV; quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm.
Đó là các kiến nghị được nhóm tác giả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông. Chủ nhiệm đề tài là nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Kết quả nghiên cứu đề tài được đánh giá, nghiệm thu sáng 5-12 tại Hà Nội.
10-20% GV chán nghề
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, là thành viên của nhóm tác giả nghiên cứu đề tài cho biết, đề tài nghiên cứu được thực hiện từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2012, với 27 tác giả, nghiên cứu trên 6.000 nghiệm thể ở 13 tỉnh, thành và 10 trường sư phạm trên cả nước. Mục tiêu của đề tài nghiên cứu lần này là trên cơ sở nghiên cứu đánh giá thực trạng đội ngũ GV, thực trạng công tác đào tạo GV và xác định yêu cầu về phẩm chất nhân cách, năng lực nghề nghiệp đối với người GV trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Từ đó đề xuất quan điểm, nguyên tắc và giải pháp mang tính cải cách công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ GV các cấp của giáo dục phổ thông nhằm đón đầu cuộc cải cách chương trình giáo dục phổ thông thực hiện sau 2015.
Sau khi thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã rút ra được một số kết quả cho thấy thực trạng GV hiện nay. Theo PGS. Vũ Trọng Rỹ, tuyệt đại bộ phận GV có phẩm chất công dân tốt, có tinh thần trách nhiệm, kiên trì, vượt khó vì sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là GV ở các vùng khó khăn; mặc dù có một số rất ít sa vào tệ nạn xã hội hoặc suy thoái đạo đức. Đặc biệt, do nhiều khó khăn của cuộc sống, do áp lực của công việc nên có một bộ phận không nhỏ GV chán nghề, con số này được đưa ra là từ 10-20%. Đa số GV nhận thức chức năng, nhiệm vụ chủ yếu mới dừng lại ở vai trò người dạy, một hoặc một số môn học, chưa lưu tâm thực sự việc dạy người qua dạy chữ, chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò trách nhiệm người giáo dục, chưa làm tròn vai trò người của cộng đồng. Chính những hạn chế trên, nhóm nghiên cứu rút ra kết luận phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GV hiện nay còn một khoảng cách đáng kể so với các yêu cầu đối với người GV sau 10-15 năm tới.
Yếu nhiều kỹ năng

Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) thì hiện nay, một bộ phận không nhỏ giáo viên chán nghề do cuộc sống khó khăn. Trong ảnh: Giáo viên hướng dẫn ôn tập môn văn tại Trường THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM.Ảnh: A.Khôi
Đối với thực trạng công tác đào tạo GV phổ thông hiện nay, kết quả khảo sát cho thấy những hạn chế của sinh viên trong các trường sư phạm được thể hiện rõ nhất ở năng lực tìm hiểu học sinh, môi trường giáo dục, năng lực giao tiếp và công tác xã hội, phối hợp các lực lượng giáo dục. Dù những kỹ năng dạy học có kết quả tốt hơn nhưng mới chỉ thể hiện ở những kỹ năng liên quan đến trình bày kiến thức hơn là dạy học đáp ứng nhu cầu của cá nhân cũng như xử lý tình huống dạy học. Kết quả khảo sát những GV mới tốt nghiệp ĐH cũng cho thấy họ có dấu hiệu tốt ở các kỹ năng dạy học nhưng còn hạn chế tương tự. Theo kết quả nghiên cứu, các yếu tố để cấu thành chất lượng giáo dục bao gồm: Cấu trúc chương trình đào tạo; nội dung và hình thức tổ chức đào tạo; phương pháp đào tạo; mối liên kết giữa trường sư phạm và trường phổ thông; chất lượng đầu vào; đội ngũ GV; hoạt động nghiên cứu khoa học; cơ sở vật chất – kỹ thuật. Tuy nhiên, kết quả khảo sát đều cho thấy các yếu tố này chưa thỏa mãn được yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo. Cấu trúc chương trình còn chưa cân đối, như số lượng tín chỉ cho học phần thực hành, thực tập sư phạm chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số tín chỉ toàn khóa, khoảng 4,76%. Nội dung kiến thức khoa học chuyên ngành và nội dung kiến thức khoa học nghiệp vụ còn chưa hòa quyện và định hướng vào chương trình dạy ở phổ thông. Các môn học nghiệp vụ vẫn nặng lý thuyết tách rời thực tế và thực hành sư phạm. Phương pháp đào tạo cũng chưa thay đổi tích cực. Chưa có cơ chế về sự cộng tác giữa trường sư phạm và trường phổ thông trên nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, chất lượng đầu vào các trường sư phạm hiện nay đang có xu hướng thấp dần. Đội ngũ giảng viên của các trường sư phạm không đồng đều về trình độ ở các vùng miền, các ngành đào tạo, đặc biệt là các ngành đặc thù; thiếu giảng viên đầu ngành có trình độ cao.  Công tác nghiên cứu khoa học ở các trường sư phạm còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất ở các trường này về cơ bản đã được đầu tư đáng kể. Tuy nhiên, trong điều kiện thực hiện đào tạo theo tín chỉ thì vẫn còn nhiều bất cập kể cả quy mô và chất lượng.
Vẫn chưa sống được bằng lương
Trong phần trình bày của mình, PGS. Vũ Trọng Rỹ đề xuất cần phải quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm. Thực tế, các trường sư phạm hiện nay đang bị phân tán. Đồng thời, PGS. Rỹ cũng cho rằng cần phải có sự liên thông giữa các cơ sở đào tạo GV, không phải là một tập hợp các cơ sở như hiện nay. Hình thành cơ chế quản lý hệ thống. Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý thống nhất và cao nhất. Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất cần có chính sách để tăng lương cho GV. Mặc dù rất nhiều văn bản đã được ban hành về chế độ, chính sách đối với nhà giáo song việc thực hiện các chế độ từ tuyển dụng, điều kiện làm việc, tiền lương, phụ cấp, khen thưởng… còn nhiều bất cập và bản thân các quy định cũng còn những bất cập, đặc biệt là chế độ tiền lương. PGS. Vũ Trọng Rỹ cho biết, kết quả điều tra cho thấy, lương của GV trung bình chỉ từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Quang Kính, nguyên Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, đồng tác giả nghiên cứu đề tài cho rằng nếu lương chỉ 3 triệu đồng/tháng thì GV không đủ sống. Do đó họ sẽ có 2 con đường để nâng cao đời sống của mình: Dạy thêm hoặc làm thêm nghề khác. Dạy thêm thì bị cấm, do đó họ sẽ làm thêm nghề khác. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến nghề nghiệp, đều lấy vào thời gian làm nghề chính của GV. Do đó, kiến nghị của nhóm là đề nghị tăng lương. Quyết định hay không là ở Nhà nước. Còn nếu không tăng lương thì GV sẽ để một phần thời gian làm nghề chính. Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, trong một tài liệu chính thống, UNESCO đã khuyến nghị các nước đang phát triển nên trả lương cho GV bằng 2,5 lần GDP (trong khi đó, ở Việt Nam mới chỉ bằng GDP).
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
 
Bà Nguyễn Thị Bình thì cho rằng lương GV phải xuất  phát từ vị trí yêu cầu của giáo dục với đất nước. Nếu nói thấp cao hơi khó. Rõ ràng GV hiện nay không làm được việc của họ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)