Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chữa tai biến mạch máu não bằng châm cứu

Tạp Chí Giáo Dục

Tai biến mạch máu não là căn bệnh rất nguy hiểm và hay gặp ở người cao tuổi. Châm cứu chữa bệnh tai biến mạch máu não đang được xem là hi vọng mới cho những bệnh nhân bị đột quỵ.

Bệnh nhân tai biến đang được phục hồi chức năng

1. Tai biến mạch máu não là một bệnh cảnh rất phức tạp. Theo y học cổ truyền, tai biến mạch máu não thuộc bệnh chứng trúng phong do hai nguyên nhân tác động là nội phong hay ngoại phong. Trên lâm sàng nguyên nhân thường gặp nhất là do nội phong. Nội phong trong cơ thể gây nên chứng trúng phong và gồm có hai thể phổ biến: Chứng bế và chứng thoát.

Nhìn chung giai đoạn đầu cấp tính của trúng phong hay tai biến mạch máu não, bệnh nhân thường bị liệt mềm tay, chân hoặc một nửa bên người. Trong quá trình điều trị, một số bệnh nhân phục hồi tốt, cơ lực trở lại bình thường nhưng cũng có nhiều bệnh nhân trong quá trình hồi phục đi từ liệt mềm qua liệt co cứng. Di chứng liệt co cứng của tai biến mạch máo não thường rất khó điều trị và biến bệnh nhân thành một người tàn phế suốt đời. Vấn đề đặt ra cho các thầy thuốc là làm sao chúng ta ứng dụng châm cứu, tập luyện… giúp cho bệnh nhân hồi phục mà không trải qua giai đoạn liệt cứng.

2. Để áp dụng phương pháp châm cứu theo Ngũ hành luận trị đối với những bệnh nhân bị trúng phong hay tai biến mạch máu não, chúng ta xem con người như một cái cây gọi là cây nhân sinh. Người làm vườn khi chăm sóc những cái cây của mình, phải nhìn ngắm từ rễ cây, thân cây, các cành lá để phát hiện ra sâu bệnh hay nguyên nhân gây hại cho cây; rồi tìm cách loại bỏ nguyên nhân gây bệnh ở các bộ phận đó. Thầy thuốc chữa bệnh cho con người cũng tương tự. Thăm khám người bệnh để xem những chất căn bản của sự sống nào đang bị hư suy, đường kinh nào đang bị bệnh, gốc bệnh nằm ở đâu, tính chất của nó là âm hay dương, hư hay thực để có một chẩn đoán chính xác và đề ra phương pháp điều trị hợp lý. 

Như vậy cùng một dạng bệnh là di chứng trúng phong nhưng bệnh nhân này có nguyên nhân gây bệnh khác với bệnh nhân kia và dĩ nhiên cần một chiến lược điều trị khác. Các thông tin trên giúp cho thầy thuốc lập ra một phương huyệt điều trị cũng như phương pháp châm cứu thích hợp cho bệnh nhân. Thầy thuốc sẽ tùy theo mức độ hư suy nặng hay nhẹ của tinh – huyết – khí – thần – tân dịch mà chọn dùng một hoặc 2 huyệt trong những nhóm huyệt này để bổ hay tả gốc rễ tương ứng.

Đa số bệnh nhân bị di chứng trúng phong thường có gốc bệnh là dương thủy suy hoặc hỗn hợp giữa hai gốc bệnh bị hư suy đó là âm hỏa suy và dương thủy. Thầy thuốc sẽ xem đường kinh nào đang bị bệnh. Sau đó tiến hành bổ các dương thủy huyệt (trường hợp bị dương thủy suy) và các âm hỏa huyệt cùng với các dương thủy huyệt của các kinh bệnh tương ứng (trong trường hợp âm hỏa suy kết hợp với dương thủy suy) để điều chỉnh những rối loạn của các đường kinh này.

Đối với di chứng trúng phong, thầy thuốc thường áp dụng một số huyệt kinh điển để châm và dùng điện châm kích thích các huyệt này giúp cho bệnh nhân hồi phục di chứng bại liệt nhanh hơn. Các huyệt vùng tay, vùng chân, vùng đầu, vùng mặt. Bệnh nhân thường hay bị thần kinh gian sườn, nhức đầu hoặc đau nhức các khớp… Thầy thuốc có thể phối hợp thêm một vài a thị huyệt để giảm đau cho bệnh nhân nếu thấy cần. Đây là phương pháp châm cứu rất đơn giản có thể hỗ trợ điều trị những bệnh nhân bị di chứng trúng phong tương ứng với bệnh lý di chứng tai biến mạch máu não của Tây y.

3. Có một điều quan trọng thầy thuốc cần nhớ là khi lập phương pháp điều trị phải bao gồm tất cả các vấn đề bệnh lý của bệnh nhân đã được đề ra trong chẩn đoán. Tuy nhiên số lượng huyệt phải tính toán cân nhắc và chọn dùng, số lượng huyệt tối đa theo kinh nghiệm của chúng tôi khoảng 20 huyệt. Số lượng huyệt sử dụng cho một bệnh nhân trung bình là 15 huyệt. Một số trường hợp chỉ cần sử dụng 10 huyệt hay ít hơn cũng phù hợp với tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Sử dụng nhiều huyệt sẽ làm tán khí và nếu dùng lâu dài với số lượng huyệt nhiều như vậy, có thể ảnh hưởng đến chính khí chung của bệnh nhân.

BS Lê Hùng
(Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)