Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chưa thay chương trình là bất hợp lý

Tạp Chí Giáo Dục

Việc có nhiều bộ sách giáo khoa cần phải gắn với rất nhiều thay đổi, đặc biệt là chất lượng giáo viên. Trước khi Bộ GD-ĐT tính việc biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), điều quan trọng mà cơ quan này phải làm là làm lại chương trình.

Chương trình hiện nay không hợp lý
Ai cũng thấy chương trình hiện nay không hợp lý, rất nặng nề khiến cho học sinh rất khổ về cách học, cách thi. Bộ GD-ĐT nên tập trung vào một chương trình mới phù hợp với khả năng, thời gian học của học sinh, đồng thời hòa nhập với chương trình thế giới. Khi nào có một chương trình cẩn thận rồi thì hãy tính đến nhiều bộ sách, chứ chưa nói đến thay chương trình mà đã bàn đến SGK là điều bất hợp lý.
Riêng về quan điểm một chương trình có nhiều bộ sách, tôi ủng hộ. SGK là kênh để truyền tải chương trình đến với học sinh, mà học sinh mình ở mỗi vùng miền trình độ lại khác nhau. SGK dạy cho học sinh Hà Nội thì người miền núi thấy khó, dạy cho học sinh Mù Căng Chải, Lạng Sơn thì học sinh miền xuôi lại thấy quá dễ, vì thế nhiều bộ sách sẽ giúp truyền tải chương trình đến nhiều đối tượng học sinh một cách chính xác, phù hợp.
Thế nhưng, phải nói thật là việc có nhiều bộ sách ở nước ta sẽ không đơn giản chút nào. Bộ GD-ĐT từng tuyên bố việc kiểm tra, đánh giá thi cử theo chương trình chứ không theo SGK. Tuy nhiên, chương trình của mình thì lại không thật cụ thể, chi tiết nên cùng một chương trình, tác giả viết sách dễ đi theo những hướng khác nhau và điều này thì ảnh hưởng đến việc thi cử của học sinh.
Thực tế, hiện nay chúng ta đã có một chương trình chuẩn rồi, nhưng bên cạnh đó lại có thêm chương trình nâng cao nữa. Bậc THPT có tới 8 môn học có hai bộ sách, một chuẩn, một nâng cao. Mới chỉ có hai bộ sách như vậy đã rắc rối, nhiều nữa thì rất mệt cho học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay rất khổ cho cả học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên bởi phần chung, phần riêng cho học sinh học chương trình nâng cao, học sinh học chương trình cơ bản. Cần phải thay đổi cơ bản cách dạy, cách học, cách thi cử.
Cần có kế hoạch cụ thể
Bộ GD-ĐT cũng phải lường trước được tất cả những điều cần phải làm, những gì có thể xảy ra và có kế hoạch thật cụ thể. Tôi ví dụ như việc tuyên bố ai được viết SGK, việc lập hội đồng thẩm định, sách nào được xuất bản, sách không được dùng thì tác giả có được nhận thù lao không, thù lao ai trả; rồi đến NXB nào được phép xuất bản SGK, ai là người chọn sách, thi cử thế nào… Tôi thấy tất cả những điều này cần phải đề ra kế hoạch cụ thể, thế nhưng hình như phía Bộ GD-ĐT chưa ai nghĩ đến việc này.
Chương trình nặng nề khiến học sinh học rất khổ. Trong ảnh: Một tiết học lịch sử của học sinh Trường THCS Kiến Thiết, quận 3- TPHCM. Ảnh: H. Lân
Đơn cử như việc thay đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT, năm nay sẽ tổ chức chấm chéo. Nhưng chấm chéo như thế nào, đổi chéo bài thi hay đổi chéo các thầy lại không thấy nói cụ thể. Tôi nói thật, việc đổi chéo bài thi giữa các tỉnh là rất nguy hiểm. Việc xảy ra tai nạn trong quá trình vận chuyển bài thi là điều không thể không xảy ra, vậy nếu chẳng may có một tai nạn như thế, bài thi bị thất thoát thì làm thế nào? Bộ GD-ĐT hình như chẳng nghĩ đến những điều này thì phải.
Phải thay đổi cả chất lượng giáo viên
Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý, đó là việc đưa nhiều bộ sách vào trường học của ta như thế nào? Ở nước ngoài, cùng một đối tượng học sinh, các em được dùng đồng thời nhiều bộ sách, việc chọn sách nào, bài nào tùy thuộc vào quyết định của giáo viên, miễn sao giáo viên đó thấy bài giảng ấy là tốt nhất cho học sinh của mình.
Thậm chí dựa trên một chương trình chuẩn, giáo viên đưa ra chính những bài soạn của họ. Hệ thống thư viện của họ cũng rất phát triển, học sinh có thể mượn sách thư viện về học. Thế nhưng ta thì lại khác,  làm sao học sinh của ta có thể tiếp cận được nhiều bộ sách nếu cùng lúc các em phải học nhiều như thế.
Chất lượng giáo viên cũng là điều đáng phải bàn. Đi nhiều nơi, tôi thấy giáo viên mình nếu đã theo sách nào thì nói theo sách ấy từng câu từng chữ, không nói lại lo dạy không hết SGK, như thế thì làm sao phát huy hết hiệu quả.
Nhiều người cứ lo giám đốc sở hay hiệu trưởng chọn sách dùng trong nhà trường không chính xác, nhưng điều này không có gì phải lo lắng, vì họ là người quyết định cuối cùng, còn việc lựa chọn có những hội đồng giúp việc. Việc có nhiều bộ SGK cần phải gắn với rất nhiều thay đổi, đặc biệt là chất lượng giáo viên.
GS Văn Như Cương (Theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)