Thí sinh làm bài thi môn văn tại Hội đồng thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011. Ảnh: M.Tâm
|
Trước các vấn đề “nóng” về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển xoay quanh những vụ việc mà dư luận đang rất quan tâm.
PV: Năm nay, kết quả thi tốt nghiệp THPT của các địa phương có sự tăng tốc đột biến ở hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Vậy Bộ GD-ĐT có ý định chấm thẩm định lại để đánh giá tính thực chất của hệ này?
– Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GD-ĐT có thể sẽ chấm thẩm định lại đối với hệ GDTX. Bộ cũng bày tỏ sự nghi ngờ đối với một số địa phương có tỷ lệ đỗ hệ GDTX cao hơn giáo dục phổ thông, trong khi phần lớn đều là thấp hơn. Năm nay tỷ lệ số bài thi đạt điểm 5 trở lên đối với hệ phổ thông là 81%, còn ở GDTX chỉ là 61,5%. Thử hỏi nếu chúng ta chấm bài trong một lớp có 50 học sinh (HS) mà chỉ có 10 em dưới điểm trung bình thì liệu điều đó có bình thường? Sẽ có nhiều người trả lời là rất bình thường. Kỳ thi tốt nghiệp thì cũng thế, cứ 100 bài thi ở hệ GDTX thì có khoảng hơn 60 bài đạt điểm trung bình và đó cũng là điều bình thường. Tất nhiên chúng ta cần phải loại trừ những hiện tượng không bình thường. Không bình thường ở đây nó được thể hiện qua sự theo dõi trong suốt quá trình quản lý, điều kiện dạy và học, điều kiện thi và kiểm tra đánh giá… Nói chung là cần nhìn nhận ở nhiều khía cạnh.
Nhiều người cho rằng với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao thì bộ nên giao quyền tổ chức thi về cho các địa phương hoặc bỏ thi để tránh tốn kém cũng như tạo nên sức ép không đáng có. Vậy quan điểm của bộ đánh giá vấn đề này như thế nào?
– Trước hết phải khẳng định chúng ta vẫn phải có một kỳ thi đánh giá có tính quốc gia. Còn tính quốc gia đó tổ chức như thế nào thì bộ sẽ tiếp tục cải tiến để cho nó phù hợp hơn. Không riêng gì thi cử mà kể cả những chuyện khác, như vấn đề phân cấp chẳng hạn, nếu thực sự cần thiết thì chúng ta mới phân cấp nhưng phân cấp nó sẽ đi theo hai việc: Một là cấp dưới phải đảm đương được nhiệm vụ. Bây giờ ai cũng muốn được phân cấp, giành được nhiều quyền nhưng năng lực có làm được hay không là một việc khác. Thứ hai là Nhà nước có thể quản lý, thanh tra kiểm tra được hay không? Những cái này cần phải đi cùng với nhau.
Về sức ép thì tôi xin nói thế này. Trước hết phải nói sức ép về lương tâm, thầy dạy HS có muốn các em đỗ không?… Thế còn sức ép về phụ huynh, hay lãnh đạo địa phương, sức ép xã hội hay các sức ép khác thì thú thực nói là nói vậy thôi. Nếu thực sự hiểu được vấn đề đó thì chúng ta mới biết được nên xử lý như thế nào.
Có nhiều ý kiến cho rằng, cuộc vận động “Hai không” đã mất đi vai trò trong những năm gần đây. Có người còn nhận định “Hai không” đã bị phá sản. Thứ trưởng nghĩ sao về cuộc vận động này?
– Cuộc vận động “Hai không” có được như mình mong muốn hay không là một chuyện khác nhưng không thể nói là “phá sản” được và càng không thể nói là không có kết quả. Theo tôi đánh giá là có kết quả tốt và tích cực. Năm nay chắc chắn tốt hơn năm ngoái và năm ngoái sẽ tốt hơn năm kia, đây là thực tế mà không khó để kiểm chứng nếu chúng ta tìm hiểu sâu.
Có một khâu rất quan trọng trong cuộc vận động “Hai không”, đó là làm sao để thực hiện nghiêm túc? Tôi thường gọi nôm na là “vừa chống, vừa xây”. Lấy xây để củng cố việc chống. Không ít lần ở các cuộc hội nghị, tôi vẫn khẳng định thi cử có nghiêm túc hay không quan trọng nhất là chất lượng phải đi lên, các em phải tự tin khi làm bài. Nếu các em không tự tin chắc chắn sẽ có tư tưởng muốn gian lận. Tôi chỉ mong sao chúng ta nhìn nhận và đánh giá giáo dục dưới góc độ thiện cảm hơn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nghiêm Huê
Trước cách xử lý của Bộ GD-ĐT đối với vụ “bắt tay” nới lỏng chấm thi tốt nghiệp của 11 tỉnh ĐBSCL, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, rất đồng tình với cách xử lý này. Vì sai phạm là các địa phương, không phải của thí sinh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, vụ việc xảy ra tại ĐBSCL “chẳng may” bị phát giác do một giáo viên có được bản hướng dẫn của các sở GD-ĐT. Còn những địa phương khác, chắc gì đã không có sai phạm.
|
Bình luận (0)