Theo kiến nghị của Cục Thuế TP.HCM, các tổ chức phải thanh toán qua ngân hàng đối với mọi giao dịch mua bán hàng hóa, bất kể giá trị thanh toán của giao dịch là bao nhiêu. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia về thuế, kiến nghị này khó khả thi trong thời điểm hiện nay.
Vẫn phải dùng đến tiền mặt
Theo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), giao dịch mua bán hàng hóa từ 20 triệu đồng trở lên chỉ được tính vào chi phí giảm trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nếu thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, đồng thời nhằm tăng cường tính nghiêm minh trong công tác quản lý thuế, tránh tình trạng trốn thuế, Cục Thuế TPHCM vừa kiến nghị Chính phủ ra quy định: Các tổ chức phải thanh toán không dùng tiền mặt đối với mọi giao dịch, không giới hạn tổng giá trị thanh toán.
Ông Đoàn Văn Khanh – Giám đốc Công ty Long Thuận – cho biết công ty của ông thanh toán qua ngân hàng đối với hầu hết giao dịch, nhưng khi mua bưởi để làm nguyên liệu sản xuất, công ty phải thanh toán bằng tiền mặt do nông dân không có tài khoản ngân hàng. Đó là chưa kể, chi phí ăn uống, đi lại cũng phải trả bằng tiền mặt do dịch vụ không có thiết bị chấp nhận thanh toán (máy POS), thiết bị lỗi hoặc đòi trừ phí quẹt thẻ.
Người tiêu dùng thanh toán chi phí mua hàng bằng thẻ ngân hàng. Ảnh: Ngọc Thắng (chụp trước tháng 6/2021)
Nên khuyến khích thay vì bắt buộc
Luật sư Trần Xoa – chuyên gia lĩnh vực thuế – thông tin quy định phải thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên có từ năm 2009. Để doanh nghiệp không bỡ ngỡ, Bộ Tài chính đã đưa ra lộ trình thực hiện và cũng từng đề xuất giảm mức thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng xuống 10 triệu nhưng chưa thực hiện được. Từ đó đến nay, cùng với sự phát triển của hạ tầng thanh toán, người dân cũng quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt để quản lý doanh thu, chỉ trả tiền mặt cho những giao dịch nhỏ lẻ. Do đó, không nhất thiết phải “ép” người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Thay vì quy định cứng nhắc, cần để người dân tự chuyển đổi thói quen.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn – nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TPHCM – cũng cho rằng việc ra quy định cứng nhắc bắt buộc sẽ nảy sinh hình thức đối phó. Ông nêu ví dụ, thời gian qua, trình trạng mua khống hàng hóa qua thiết bị chấp nhận thẻ diễn ra phổ biến (người dân không tốn tiền mua hàng mà vẫn có hóa đơn mua hàng để trình cơ quan thuế). “Nếu buộc phải chuyển khoản mới được tính vào chi phí, sẽ phát sinh dịch vụ chuyển khoản hộ để đối phó. Theo tôi, nên hạ hạn mức còn 10 triệu đồng hoặc ngành thuế nên tập trung vào các lĩnh vực thu thuế chưa hiệu quả” – ông Nguyễn Thái Sơn nói.
Còn theo luật sư Trần Xoa, ngành thuế cần tập trung thu thuế lĩnh vực thương mại điện tử, bán hàng qua mạng, các hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn. Nhiều người đăng ký mở quán ăn nhỏ nhưng thực tế lại mở nhà hàng, có doanh thu không thua gì doanh nghiệp nhưng chỉ đóng thuế khoán do không có hóa đơn để xác định chính xác thu nhập. Để các hộ kinh doanh này bộc lộ đúng doanh thu và ngành thuế thu thuế hiệu quả, có thể khuyến khích người dân mua hàng lấy hóa đơn đem đổi quà (ví dụ gom hóa đơn đủ 2 triệu đồng, nhận được 1 lít xăng). Khi người dân quyết liệt và hình thành thói quen mua hàng lấy hóa đơn, các điểm bán cũng phải xuất hóa đơn giống như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
“Lúc này, việc thu thuế sẽ dựa trên doanh thu thể hiện trên hóa đơn chứ không phải là thuế khoán. Việc bộc lộ doanh thu thật, đóng thuế theo doanh thu thật sẽ hạn chế hành vi tiêu cực của cán bộ thuế, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các điểm kinh doanh với các doanh nghiệp” – ông Trần Xoa phân tích.
Theo Thanh Hoa/PNO
Bình luận (0)