Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chưa thể tiêu huỷ 10 tấn “thuốc độc” ở cửa khẩu Lạng Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Tại một số khu vực biên giới, việc mua bán, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật đang được bày bán công khai.

Hiện tượng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và hủy hoại môi trường sống.

Cần một chế tài mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay các mặt hàng thuốc BVTV được nhập lậu vào VN ngày càng tinh vi và rất khó phát hiện, bắt giữ vì phần lớn các đối tượng buôn lậu thuê bà con khu vực biên giới vận chuyển thuốc BVTV số lượng ít, đi đường mòn, đường tắt tập kết tại một điểm rồi tung ra thị trường. Trên 80% số thuốc BVTV trôi nổi hiện nay đã nhập lậu theo dạng này.

Thuốc BVTV được bày bán công khai tại các chợ biên giới. Ảnh: đ.t

Ngoài ra, một số bà con lợi dụng chính sách thông thương biên giới đưa về và bày bán công khai tại các phiên chợ. Theo đánh giá, những loại thuốc BVTV nhập lậu, giá rẻ hơn rất nhiều so với giá của các mặt hàng thuốc BVTV được sản xuất trong nước, nhưng chất lượng thì không thể kiểm soát.

Thuốc BVTV nhập lậu không có hướng dẫn bằng tiếng Việt, người mua và người bán chỉ nhìn vào hình vẽ trên bao bì để trao đổi và đoán là loại gì chứ không hề biết công dụng của nó. Phần lớn các loại thuốc này là thuốc diệt chuột, diệt côn trùng, trừ cỏ và thuốc kích thích tăng trưởng…

Đây là những loại cực độc, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và môi trường, nếu bất cẩn sẽ dẫn đến tử vong, như: Cypermethrin, Propiconazole và Fipronil là những loại thuốc có thể gây ung thư; thuốc diệt chuột bằng ống nước, bằng bột, bằng giấy dán tẩm thuốc… và được bán với giá rất rẻ. Tại chợ thị trấn Đồng Đăng chúng tôi thấy thuốc Padan dạng bột của Trung Quốc chỉ 8.000đ/gói, Validacine 16.000đ/chai 500ml…

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện Lạng Sơn có khoảng 36 loại thuốc BVTV, Lào Cai có khoảng 18 loại thuốc BVTV cực độc, không được phép sử dụng đã nhập lậu qua biên giới và đang được bày bán công khai. Trong đó, có những loại Việt Nam đã cấm sử dụng từ những năm 1980 như: Thuốc trừ sâu 666, thuốc trừ cỏ 2.4.5 T (Brochtox, Decamine, Veon… ).

Đội trưởng đội QLTT số 2 Lạng Sơn – Chu Ngọc Hà cho biết thuốc BVTV nếu nhập khẩu qua đường chính ngạch được kiểm tra nghiêm ngặt, nếu không đủ các tiêu chuẩn cho phép thì các cơ quan chức năng sẽ không cho phép nhập khẩu và buộc phải xuất ngay. Hàng hóa không rõ nguồn gốc được bày bán dạng “mẹt” tại các chợ là do một số đối tượng mang lậu qua biên giới và bán lại cho bà con, nên rất khó quản lý vì chưa có chế tài xử phạt nghiêm, chủ yếu là tịch thu và phạt vi cảnh.

“Thu về biết để đâu?”

Đó là lời ta thán của Chánh thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn – Hoàng Văn Bác. Theo ông Bác thì hiện đơn vị này đã quản lý trên 10 tấn thuốc BVTV không rõ nguồn gốc do các cơ quan chức năng thu giữ chưa được tiêu hủy. Trong đó, hơn 6 tấn đơn vị phải chứa tạm trong nhà để xe rộng khoảng 18m2, số còn lại được gửi ở một số cơ quan khác.

Điều đáng nói là số thuốc trên được thu giữ và lũy kế từ năm 2007 đến nay. Được biết, từ năm 2002 – 2006, tỉnh Lạng Sơn đã bỏ ra trên 1 tỉ đồng để tiêu hủy hàng chục tấn thuốc BVTV nhập lậu, trôi nổi. Nhưng từ năm 2007 đến nay việc tiêu hủy bị dừng lại.

Tiếp cận kho chứa thuốc BVTV nhập lậu bị thu giữ tại Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn mới thấy được sự nguy hiểm bởi khi đến gần đã thấy bốc lên mùi rất khó chịu, khiến mũi thấy cay cay, chỉ cần mở cánh cửa sắt hoen gỉ là hàng tấn thuốc BVTV được cất tại đây sẽ theo đó ào ra vì để lâu ngày mưa lụt bao bì bị mục nát. Một điều đáng nói là kho chứa thuốc này đang nằm sát giếng nước sinh hoạt của nhà dân.

Theo đề án tiêu hủy của Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn thì để tiêu hủy hết hơn 10 tấn thuốc đang bị thu giữ sẽ mất ít nhất 920 triệu. Nếu không có chỗ chứa thì việc bắt giữ số thuốc BVTV không có nguồn gốc sẽ chẳng biết để đâu, vì biết đến bao giờ số thuốc cũ mới được tiêu hủy, và như vậy đây sẽ là điều kiện để thuốc BVTV nhập lậu hoành hành.

“Việc chi phí để tiêu hủy thuốc BVTV không rõ nguồn gốc là rất lớn, trong khi đó ngân sách địa phương còn hạn hẹp, lực lượng kiểm soát thiếu. Do vậy, cần có chế tài xử lý mạnh đối với các đối tượng vi phạm, mới có thể đẩy lùi được vấn nạn này. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần quan tâm, xây dựng kho thu giữ tang vật trước khi tiêu hủy đúng tiêu chuẩn để không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường, tránh hiểm họa cho cộng đồng dân cư” – ông Bác bức xúc cho biết.

Đặng Tiến

Báo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)