Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chưa thể yên tâm với dạy học trực tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch bệnh khiến nhiều trường không có lựa chọn nào khác ngoài dạy học trực tuyến, nhưng thay vì yên tâm hơn thì ngày càng có nhiều lo ngại hơn xung quanh hình thức dạy học này.

Chưa thể yên tâm với dạy học trực tuyến - ảnh 1

Học sinh lớp 1 tỉnh Tây Ninh học trực tuyến trong điều kiện khó khăn. GIANG PHƯƠNG

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội cho rằng quản lý giáo dục “có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng” trong ứng phó với dạy học trước dịch bệnh.

“1 tiết học trực tiếp bằng 20 – 30 tiết học trực tuyến”

Ngày đầu tiên trở lại trường sau 6 tháng ở nhà học trực tuyến, khi được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội hỏi: “Các con thấy học trực tuyến thời gian qua có ổn không?”, ngay lập tức, không ai bảo ai, tất cả học sinh (HS) một lớp 9 của Trường THCS Thái Hòa (H.Ba Vì) đồng thanh trả lời: “Không ạ”.

Nhưng không phải HS nào cũng được hưởng niềm vui đến trường từ ngày 8.11 vừa qua như HS khối 9 của H.Ba Vì. Toàn TP.Hà Nội có khoảng 2,1 triệu HS nhưng đến nay chỉ có gần 4.000 HS được UBND TP lựa chọn để cho đi học trực tiếp. Hầu hết số HS còn lại đang tiếp tục phải học trực tuyến.

Chính ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khi phát biểu trong một buổi trao tặng máy tính cho HS nghèo vào tháng 10 vừa qua, nhấn mạnh sự chia sẻ về mong muốn cho HS sớm được đến trường, đã nói: “Chúng tôi thấy rằng 1 tiết học trực tiếp bằng khoảng 20 – 30 tiết học trực tuyến”.

Ông Cương cũng chỉ ra những “vấn đề” của học trực tuyến hiện nay như: vấn đề về sóng, công nghệ thông tin, tương tác giữa giáo viên với HS, giữa HS với HS…

Tuy nhiên suốt nhiều tháng qua, Hà Nội vẫn tiếp tục đóng cửa trường học, chấp nhận cho HS học trực tuyến với lý do số lượng HS ở Hà Nội đông, các em chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 nên rủi ro cao; một số địa phương cho HS đến trường rồi phát hiện có F0 trong trường học lại phải đóng cửa nên Hà Nội phải thận trọng.

Học sinh ôm máy tính, điện thoại suốt ngày

Nhiều HS lớp 9 và lớp 12 ở Hà Nội đều chia sẻ lịch học kín mít cả ở trường và học thêm, làm bài tập… nên nhiều tháng qua phải ôm máy tính, điện thoại suốt cả ngày. Sáng học theo thời khóa biểu của trường từ 8 – 11 giờ trưa; buổi chiều lại có lịch học thêm các môn để thi vào lớp 10 hoặc tuyển sinh ĐH. Bài giảng của thầy cô lúc được lúc mất phụ thuộc vào mạng, đường truyền, chất lượng thiết bị của từng HS…

Một HS Trường THCS Thanh Xuân (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “Đi học nhiều lúc căng thẳng nhưng có giờ ra chơi, giao lưu với bạn bè, có giờ thể dục thể thao, hoạt động ngoại khóa nên giải tỏa rất nhiều. Đằng này học trực tuyến, làm bài tập, kể cả nói chuyện với bạn bè cũng chỉ cắm mặt vào máy móc trong phòng riêng nên chính em nhiều lúc cũng sợ mình phát điên mất”.

Đây cũng là tâm trạng của phần lớn HS. Chứng kiến con hằng ngày như vậy, người lo lắng nhất chính là các bậc phụ huynh. Nhiều người thậm chí muốn cho con “đúp” lại 1 năm để chờ qua đại dịch được đến trường thay vì chỉ nhốt con ở trong nhà nhồi nhét kiến thức trên máy tính, vui chơi cũng bằng các trò chơi trên mạng…

Các trường tìm cách thay đổi

Bắt đầu từ ngày 1.11, HS Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) học theo thời khóa biểu trực tuyến mới được nhà trường điều chỉnh. Theo đó, thời gian một tiết học trực tuyến sẽ chỉ còn 30 phút (thay cho 45 phút như thời khóa biểu cũ), và HS chỉ học vào buổi sáng, không học 2 buổi/ngày nữa.

Trao đổi với báo chí, TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, lý giải: Ban giám hiệu cũng như các thầy cô giáo đã phải bàn bạc rất nhiều với nhiều phương án khác nhau. Cuối cùng, nhà trường đã quyết định phương án giảm thời gian học. Ông Lợi cho biết, quan sát thực tế, các thầy cô trong trường nhận thấy rằng nếu HS phải ngồi nhiều giờ trước máy tính sẽ dễ dẫn tới chán nản, học không hiệu quả.

Ông Lê Công Lợi cũng cho rằng các trường nên lắng nghe ý kiến từ giáo viên, HS, phụ huynh… để có điều chỉnh cho hợp lý. Đại dịch xảy ra chưa có trong tiền lệ, những thứ liên quan đến học trực tuyến, trong đó có thời gian của một tiết học bao nhiêu phải làm theo khoa học thực nghiệm.

Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng quyết định áp dụng thời khóa biểu mới theo hướng giảm giờ học trong dạy học trực tuyến từ ngày 8.11 khi thấy Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch, lộ trình gì cụ thể cho việc HS trở lại trường học trực tiếp. Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường quyết định: tinh gọn bài giảng, thu xếp để tiết học ngắn lại, cụ thể giảm 10 phút/tiết; những môn nhiều tiết thì giảm bớt số tiết, do đó buổi học ngắn lại, số buổi học trong tuần có thể giảm ở một số khối lớp”.

Ông Khang cho biết quyết định đưa ra sau khi họp với lãnh đạo các cấp học trong trường. Việc học trực tuyến quá dài (có thể đến 4 tháng trong năm học này) sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của HS.

Quản lý giáo dục “có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng”

Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội trong 2 ngày 8 – 9.11 vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cho rằng thực hiện kế hoạch năm học trong hoàn cảnh đại dịch, cử tri cũng hoan nghênh HS đã và đang khắc phục khó khăn, đặc biệt là khó khăn về phương tiện học trực tuyến để hoàn thành nhiệm vụ học tập. “Tuy nhiên, về phía các nhà quản lý giáo dục, tôi thấy có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng”, bà Thúy nói.

Đại biểu Kim Thúy chỉ ra rằng: đại dịch bùng phát đã gần 2 năm nay, nhưng Bộ GD-ĐT dường như chưa có những động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch… Trong gần 2 năm qua, bộ cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện dạy học trực tuyến ở các địa phương, chưa có biện pháp vận động, hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng và những đối tượng gặp khó khăn. “Đây là những hạn chế cần được rút kinh nghiệm ngay và khắc phục sớm”, bà Thúy đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cũng cho hay: “Vừa qua, Ủy ban có tổ chức một số phiên làm việc với TP.Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh Nghệ An, Bình Dương, Bến Tre. Qua phản ánh về tình hình dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 ở các địa phương cho thấy dù ngành giáo dục các địa phương đã cố gắng rất nhiều, nhưng chất lượng giáo dục là khó bảo đảm, hoạt động của các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề…”.

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Bình luận (0)