Kinh tế - Giáo dục

Chưa thỏa mãn với chất lượng mạng 4G

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi triển khai thành công mạng di động 4G vào giữa năm 2017, các nhà mạng của Việt Nam đang hướng tới việc triển khai thử nghiệm mạng 5G ở những thành phố lớn. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới để đáp ứng nhu cầu phát triển của nội dung số cũng như tốc độ truyền tải dữ liệu. Tuy nhiên, trước khi tiến đến 5G, nhìn lại chất lượng mạng 4G cho thấy vẫn chưa làm thỏa mãn người tiêu dùng. Vì sao? 

Rẻ so với thế giới, nhưng…

Tính đến tháng 5-2018, Việt Nam có 76,8 triệu người sử dụng Internet. Riêng truy cập băng rộng di động, có 64,2 triệu người sử dụng, bao gồm 51,2 triệu người sử dụng 3G và 13 triệu người sử dụng 4G.

Với băng thông rộng di động, trên thị trường đang có đến hàng trăm gói cước dữ liệu (data) từ các nhà mạng, với mức giá dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng cho 30 ngày sử dụng.

Có thể kể đến như như MIMAX70 của Viettel với 3 GB dữ liệu/tháng giá 70.000 đồng; gói MAX của VinaPhone với giá 70.000 đồng cho 3,8 GB/30 ngày sử dụng hay gói HD70 của MobiFone với giá 70.000 đồng cho 3,8 GB/30 ngày sử dụng…

Song song đó là các gói cước “kết hợp” – nhà mạng bắt tay với các đơn vị cung cấp dịch vụ như Facebook hoặc YouTube… để thu hút người dùng. Các gói cước dùng thoải mái hơn, thường trên 30 GB  tốc độ cao với thời hạn sử dụng 30 ngày, có giá trên dưới 300.000 đồng được chính các nhà mạng cung cấp. Một dạng phổ biến nữa là SIM dữ liệu, với mức giá từ 90.000 đồng/tháng người dùng có 2GB dữ liệu mỗi ngày. 

Chưa thỏa mãn với chất lượng mạng 4G ảnh 1
VinaPhone là một trong số 4 nhà mạng đã cung cấp mạng 4G cho người dùng di động. Ảnh: TẤN BA
Dẫu vậy, với nhu cầu cơ bản nhất là truy cập mạng, nhận email, xem video hay vài ứng dụng phổ thông Facebook, nhắn tin OTT… thì chuyện người dùng xài vài ngày đã phải bỏ thêm tiền mua bổ sung dữ liệu hoặc đăng ký gói cước mới là đương nhiên nếu muốn giữ kết nối.

“Giá trị “không giới hạn dung lượng” mà các nhà mạng quảng cáo cũng chỉ có tính tượng trưng vì khi hết dữ liệu chính của gói, người dùng tuy vẫn kết nối được nhưng chờ từ sáng đến trưa chưa chắc đã tải được nội dung cần xem”, chị Hồng – người dùng gói cước HD70 của MobiFone, cho hay.

Cũng theo người dùng này, thói quen “kết nối online” buộc người dùng bấm bụng đăng ký tiếp khi vừa hết dữ liệu, có tháng tính ra đăng ký 3 lần hết 210.000 đồng. Tổng chi phí chi trả như vậy không hề rẻ!. 

Số liệu báo cáo gần đây của các tổ chức viễn thông đều cho rằng cước 4G tại Việt Nam là rẻ so với thế giới. Ngay mức giá vào thời điểm công bố (tháng 4-2017) của Viettel cho gói cước rẻ nhất (4G40) có giá 40.000 đồng (khoảng 1,9 USD)/1 GB dữ liệu, cũng được cho là rẻ so với các nước trong khu vực như Thái Lan (5,4 USD/1 GB) hay Singapore (10 USD/1 GB).

Nhưng, hãy thử nhìn Interenet truyền thống như ASDL, cáp quang… chỉ có giá từ 200.000 –  400.000 đồng/tháng mà người dùng không lo về dung lượng dữ liệu, số lượng thiết bị kết nối. Biết rằng so sánh không thể tránh khỏi những khập khiễng nhưng khi nào cước 4G mà rẻ, khỏe như Interenet truyền thống thì mới là điều đáng mừng.

Thiếu băng tần cho 4G

Nói đến chất lượng 4G, cần nhìn về tốc độ của nó. Trước đây, khi dịch vụ 4G ra mắt, các nhà mạng đều cam kết tốc độ sẽ cao gấp 7-10 lần 3G. Thế nhưng hiện nay, theo các khảo sát và thống kê chuyên sâu, tốc độ 4G ở Việt Nam trung bình đạt gần 22Mbps (đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á), tức chỉ mới gấp 3 lần tốc độ 3G. Trong khi về mặt lý thuyết, tốc độ 4G LTE có thể đạt 150 – 300Mbps. 

Cuối năm 2016, Bộ TT-TT đã cấp giấy phép cho 5 doanh nghiệp là VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamoblie và Gtel triển khai mạng 4G trên băng tần 1.800MHz. Tính đến thời điểm hiện tại, trừ Gtel, các doanh nghiệp đã chính thức cung cấp dịch vụ 4G tới người dùng.

Trong đó, VNPT, Viettel đã triển khai 4G trên băng tần 1.800 MHz với các băng thông 10 MHz, 15 MHz, 20 MHz; MobiFone triển khai với băng thông 10 MHz. Đến nay, theo báo cáo các nhà mạng đã có gần 15 triệu thuê bao 4G hoạt động, phát sinh lưu lượng qua mạng, chiếm khoảng gần 30% tổng số thuê bao băng rộng, tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã, thị trấn. 

Theo ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, việc nhà mạng dùng băng tần 1.800 MHz đang dành cho 2G để cung cấp là vì lượng thoại 2G giảm, trong khi người dùng dữ liệu cho 3G, 4G ngày càng tăng. Theo đó, các nhà mạng đã khai thác 10-15 MHz của băng tần này cho dịch vụ 4G.

Do phải dùng chung với băng tần 2G nên phải chia sẻ lưu lượng dẫn đến tốc độ 4G không được cao.  “Để bảo đảm dung lượng không bị chia sẻ và 4G có tốc độ cao có 2 cách là bổ sung tần số và tăng thêm dung lượng. Nhà mạng lắp đặt thêm trạm thu/phát sóng (BTS) để giải quyết chất lượng sóng chứ không nên đầu tư thêm BTS thay cho tần số vì như vậy là lãng phí”, ông Tào Đức Thắng cho hay. 

Trong khi đó, đánh giá về việc triển khai mạng 4G tại Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, cho rằng hiện công nghệ 4G ở Việt Nam mới chỉ đang được triển khai ở mức độ nền tảng, băng tần còn hẹp.

Băng tần cho 4G rất quan trọng, muốn chất lượng mạng tốt thì băng tần cần được ưu tiên hàng đầu. Hy vọng sắp tới sẽ có thêm băng tần 2.600 MHz và 2.300 MHz cho 4G.

Ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), cho biết thêm các nhà mạng dùng công nghệ LTE để làm 4G và đây là công nghệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên, để có tốc độ 4G theo yêu cầu, ngoài yếu tố công nghệ phải có đủ độ rộng băng tần.

Theo các chuyên gia viễn thông, để bảo đảm chất lượng của mạng 4G, phương án tốt nhất là sớm đưa băng tần 2.600MHz vào khai thác. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà mạng cần quyết liệt hơn thì mới có thể cung cấp được mạng 4G thực sự cho người sử dụng ở Viêt Nam. 

BÁ TÂN – TRẦN LƯU/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)