Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chưa thu phí nội mạng ATM

Tạp Chí Giáo Dục

Trước thông tin Hội Thẻ Việt Nam sẽ có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thu phí giao dịch ATM nội mạng, hôm qua, 10-4, trao đổi với Tiền Phong, đại diện Hiệp hội thẻ khẳng định: Trung tâm thẻ các ngân hàng chưa tính đến việc thu phí nội mạng thẻ ATM…

Hiệp hội Thẻ khẳng định chưa thu phí ATM nội mạng thời điểm này. 

Ngoài ra, vị đại diện trên cũng khẳng định không có chuyện Hiệp hội thẻ ATM gửi đề xuất thu phí này lên NHNN. “Câu chuyện bắt nguồn từ phiên họp trù bị chuẩn bị cho Hội nghị của Hiệp hội vào ngày 12-4. Tại hội nghị, các hội viên thống nhất nội dung họp lần này sẽ không đưa câu chuyện thu phí nội mạng ATM vào bàn luận.

Bởi trước đó, sau nhiều lần Hiệp hội thẻ kêu ca, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đề nghị Hiệp hội thẻ phải trình ra bài toán cụ thể, hợp lý. Nên tại cuộc họp, bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hiệp hội thẻ có đề nghị với các thành viên nên làm một đề án phân tích tổng thể chi phí, mức và lộ trình thời gian thực hiện trên cơ sở giao đại diện Trung tâm thẻ Ngân hàng Nông nghiệp chủ trì. Sau khi dự thảo đề án này sẽ gửi tới các thành viên để góp ý, đồng thời chia sẻ thông tin để dư luận hiểu”, vị này cho biết.

Cũng liên quan đến việc thu phí thẻ nội mạng này, bà Nguyễn Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm Thẻ Vietcombank cho hay, đơn vị này chưa hề thu một đồng phí nội mạng nào. Đồng thời cũng chưa có ý định thực hiện việc thu phí nội mạng. Bà Hằng cũng lý giải trên thực tế việc các ngân hàng kêu về chi phí cho hệ thống ATM đang khiến họ lỗ nặng.

Theo bà Hằng, bài toán chi phí cho mỗi máy ATM được tính dựa trên các chi phí: Tiền thuê địa điểm tối thiểu 5 triệu đồng/tháng (ở các khách sạn, trung tâm thương mại là 1.000 USD); Phí bảo trì ATM cho đối tác 8 triệu đồng/tháng; Chi phí xe chở tiền, chi phí và lương cho đội đi tiếp quỹ gồm 4 người (công an, thủ quỹ, kế toán, người chứng kiến). “Nói chung mỗi máy sẽ tốn khoảng vài chục triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, VCB hiện có 1.700 máy ATM với 6 triệu thẻ. Các ngân hàng khác như Agribank, Vietinbank đều gần 8 triệu thẻ. Đúng là mỗi lần họp, không chỉ riêng ngân hàng có thị phần thẻ lớn mà cả ngân hàng nhỏ cũng kêu không chịu nổi chi phí cho hệ thống ATM” – Bà Hằng nói.

Theo thông tin từ Hiệp hội thẻ, ngoài chi phí hàng trăm triệu đồng/năm cho một máy ATM, ngân hàng còn phải duy trì số dư thấp nhất 400-500 triệu đồng/máy. Với những ngân hàng có hệ thống ATM lên đến hàng nghìn máy thì số tiền không sinh lãi lên đến 500-600 tỷ đồng. Hơn nữa, việc thanh toán bằng thẻ lại chưa phổ biến.

Ông Nguyễn Công Hoàn, Giám đốc Trung tâm thẻ Techcombank cũng cho hay, ngân hàng này chưa hề tính đến thu phí khi chủ thẻ rút tiền tại chính cây ATM của ngân hàng. Việc thu phí phát hành lần đầu theo ông Hoàn, không chỉ Techcombank mà rất nhiều ngân hàng khác đều miễn phí 100%. Theo ông Hoàn, ngay cả việc thu dịch vụ SMSBanking hiện cũng do ngân hàng trả cho bên công ty điện thoại.

Theo một chuyên gia, thời điểm này không phải là lúc các ngân hàng thương mại tận thu, bởi người làm công ăn lương đều khó khăn. Chưa kể, trước đây các ngân hàng phần lớn đều dụ các cá nhân, tổ chức tham gia trả tiền qua tài khoản và làm thẻ miễn phí cho họ. Nay đang khó khăn mà lại đè khách hàng ra thu phí thì rất phản cảm.

Khánh Huyền

Theo Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)