Đó là nhận xét vui về phương thức xét tuyển ĐH bằng điểm học bạ THPT – dẫu vẫn biết rằng điều kiện tiên quyết để đỗ ĐH là phải tốt nghiệp THPT. Bởi lẽ, thường đến tháng 7 mới có kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhưng trước đó hơn nửa năm, học sinh lớp 12 đã có thể nộp hồ sơ xét tuyển ĐH bằng phương thức xét học bạ.
Phương thức xét học bạ là gì?
Hướng dẫn tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT đã quy định chi tiết danh mục 20 phương thức xét tuyển ĐH, trong đó 2 phương thức xét tuyển phổ biến hàng đầu là phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ), gọi tắt là “xét điểm thi tốt nghiệp” và “xét học bạ”.
Phương thức xét điểm thi tốt nghiệp được hầu hết các trường ĐH sử dụng, với số lượng chỉ tiêu tuyển sinh lớn. Bên cạnh đó, phương thức xét học bạ được nhiều trường ĐH và học sinh lựa chọn làm phương án xét tuyển. Tùy thuộc vào từng trường, tiêu chí xét tuyển có thể khác nhau. Tuy nhiên, có hai điều kiện chính thường được đưa ra khi đăng ký xét tuyển qua học bạ là học sinh đã tốt nghiệp THPT và điểm của từng môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt ít nhất 6 điểm; hoặc điểm tổng 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển + điểm ưu tiên đạt từ 18 điểm trở lên. Hiện các cách thức phổ biến khi xét học bạ gồm: xét tuyển dựa trên điểm trung bình môn của lớp 12; xét tuyển dựa trên điểm trung bình của từng môn trong từng tổ hợp xét tuyển; xét tuyển dựa trên tổng điểm trung bình của tất cả 3 môn trong tổ hợp xét tuyển; xét tuyển dựa trên điểm trung bình tổng kết môn qua 6 học kỳ, 5 học kỳ, 3 học kỳ, 2 học kỳ, 1 học kỳ của lớp 12, tùy vào từng trường ĐH quy định.
Tựu trung lại, xét học bạ là phư?ng th?c tuy?n sinh ?Hơng thức tuyển sinh ĐH được tính dựa vào kết quả điểm của 3 năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn khi xét tuyển.
Ưu điểm của phương thức xét học bạ
Đây là phương thức xét tuyển tiên tiến, được nhiều nước trên thế giới áp dụng phổ biến. Ở nước ta, khởi đầu từ năm 2016, đến nay, xét tuyển học bạ đã trở thành phương thức quen thuộc với nhiều trường ĐH trên cả nước, có các ưu điểm như giảm áp lực khi ôn tập, thi cử cho học sinh; tăng cơ hội trúng tuyển ĐH; thủ tục, hồ sơ xét tuyển đơn giản với thời gian xét tuyển linh hoạt theo nhiều đợt tuyển sinh do từng trường quy định (có thể kéo dài từ tháng 1 đến tháng 9 hằng năm); học sinh tốt nghiệp THPT các năm trước vẫn có thể được xét học bạ năm nay. Trong ngót 10 năm gần đây, xét học bạ trở thành phương thức xét tuyển ĐH phổ biến, bên cạnh xét điểm thi tốt nghiệp; trong số hơn 240 trường ĐH trên cả nước, hầu hết các trường đã dành chỉ tiêu cho phương thức này.
Năm 2023, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, xét học bạ chiếm 30,24% trong tổng số các phương thức xét tuyển ĐH, chỉ đứng sau xét điểm thi tốt nghiệp – chiếm 49,45%. Sang năm 2024, tuy nhiều trường ĐH đã “nói không” nhưng số đông các trường vẫn chọn phương thức xét học bạ.
Băn khoăn về phương thức xét học bạ
Nếu chỉ đơn thuần dựa vào kết quả học tập trên học bạ thì khó đánh giá chính xác học lực thực sự của học sinh, vì phương pháp đánh giá của mỗi trường phổ thông ở các địa bàn đồng bằng/miền núi – vùng sâu, thành phố/nông thôn… không ngang bằng nhau, dẫn tới vấn đề đối sánh điểm số học sinh giữa các trường này khó đảm bảo công bằng, bình đẳng. Ngoài ra, bảng điểm của các học sinh có thể bị can thiệp, tác động, bị chỉnh sửa và làm giả, vì vậy việc xét tuyển học bạ rất dễ bị gian lận điểm số.
Căn cứ Luật Giáo dục ĐH năm 2018, các trường ĐH được phép tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai; đồng thời, Quy chế tuyển sinh ĐH do Bộ GD-ĐT ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường ĐH được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh, dưới sự chỉ đạo thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT; nên dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển ĐH hay không, các trường THPT cũng phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của học sinh.
Lý do không đồng tình xét học bạ
Theo dõi phương thức xét học bạ những năm gần đây, dư luận tỏ ra nghi ngại với phương thức xét tuyển này trước hiện trạng nhiều trường ĐH có điểm chuẩn học bạ không ngừng tăng lên, cao ngất ngưởng. Liên tục trong nhiều năm qua, điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ tại các trường ĐH nhìn chung đều tăng, có năm tăng đột biến; ở nhiều ngành, điểm chuẩn học bạ đã chạm đến ngưỡng điểm tuyệt đối 10 điểm/môn. Nhiều ngành, để trúng tuyển học sinh phải đạt hơn 9,9 điểm/môn trong tổ hợp xét tuyển, dẫn đến hệ lụy hàng chục ngàn học sinh giỏi có điểm tổng kết 9,5 cũng bị trượt (!?). Gần đây, điểm học bạ 8-9-10 không chỉ dành riêng cho học sinh giỏi thực lực mà “lạm phát”, trở thành đại trà, học sinh nào cũng dễ dàng đạt điểm tổng kết cao; từ đó điểm học bạ không còn là cơ sở phân hóa đáng tin cậy giữa học sinh giỏi và học sinh trung bình.
Cũng theo kết quả quan sát, mấy năm gần đây điểm trung bình học bạ của học sinh luôn cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn đến nghi vấn: điểm học bạ đã bị “làm đẹp”, không còn là thước đo chuẩn xác năng lực học sinh, kéo theo vấn đề quản lý chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông được đặt ra. Từ thực tế trên, không có gì đảm bảo chắc chắn cho việc điểm học bạ không bị tác động, xét học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, khách quan và công bằng về học lực, mặc dù học sinh có học bạ tốt, trúng tuyển nhưng khi vào học năm thứ nhất ĐH lại rất khó có thể theo kịp bạn đồng khóa. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng: đầu vào ĐH nên hạn chế hoặc bỏ việc xét học bạ; bởi phương thức này có thể tiếp tay cho tiêu cực, đánh giá điểm số không thực chất, làm gia tăng tình trạng “bệnh thành tích” – học sinh giỏi tràn lan, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào ĐH. Trong bối cảnh học bạ THPT khó đảm bảo trung thực, khách quan, bỏ xét tuyển học bạ sẽ bớt tình trạng chạy điểm, “nương tay”.
Xu hướng xét tuyển kết hợp nhiều yếu tố
Xét trên bình diện chung, việc các trường ĐH chỉ xét học bạ là chưa đủ độ tin cậy đối với xã hội, nên về lâu dài, rất cần các trường ĐH chủ động đổi mới tuyển sinh đầu vào ĐH một cách căn bản, toàn diện, đáp ứng được yêu cầu để người học có thể theo học tốt ở bậc ĐH. Cần nhìn nhận, điểm học bạ chỉ là một tiêu chí phụ, bổ trợ cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, các trường ĐH không nên đơn thuần sử dụng điểm học bạ THPT để xét tuyển, thay vào đó nên sử dụng kết quả học bạ kết hợp với các điều kiện khác để có độ tin cậy cao hơn, xác định nhất quán học lực của học sinh tốt nghiệp THPT và sinh viên năm thứ nhất. Cần phân biệt rõ: điểm học bạ chỉ là kết quả của quá trình học THPT, còn điểm thi tốt nghiệp mới là dấu mốc xác định học sinh đã tốt nghiệp quá trình đó; cần kết hợp cả 2 tiêu chí này để xét tuyển ĐH mới đảm bảo công bằng, thực chất, hiệu quả và chuẩn xác.
Từ năm 2025, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường ĐH có thể chuyển đổi sang việc đánh giá học sinh toàn diện dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm thành tích học tập, toàn diện về năng lực và tiềm năng của học sinh hơn là chỉ đơn thuần dựa vào học bạ. Không nên sử dụng điểm học bạ làm tiêu chí duy nhất và áp dụng tràn lan như hiện nay để xét tuyển sinh, vì phương thức này khó đảm bảo tính khách quan, công bằng, khả năng lệch chuẩn cao, ít nhiều dẫn đến các vấn đề tiêu cực trong xét tuyển, đồng thời khó kiểm chứng năng lực thực chất của học sinh.
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)