Những vết bầm tím, tụ máu to nhỏ ngay lập tức có thể xuất hiện trên cơ thể nếu bạn vô ý va đập, té ngã hay chơi thể thao…Chúng gây ra cảm giác đau nhức và mất thẩm mỹ đặc biệt đối với chị em phụ nữ. Những mẹo dưới đây sẽ giúp vết bầm chóng lành.
Nghỉ ngơi là cách thức tốt nhất cho vùng cơ thể bị bầm tím. Khi các vùng này được ngơi nghỉ, những vết trầy xước nếu có sẽ có thời gian để lành, tránh bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
Ảnh: shutter stock
Chườm túi đá vào vùng bầm tím có tác dụng ngăn cản vùng này lan rộng ra. Nên bọc đá vào một chiếc khăn hay túi nylon trước khi chườm để tránh đá quá lạnh trên vùng da bị đau. Tốt nhất nên chườm đá trong vòng 24 giờ đầu để có hiệu quả tốt nhất.
Sang ngày hôm sau, bạn có thể chườm nóng vùng này bằng một khăn nóng vắt khô, rồi lại nhúng nóng, vắt khô và chườm tiếp. Rửa sạch lá bắp cải, đập dập, đun nóng rồi bọc vào miếng khăn mỏng đắp lên sẽ giúp máu bầm chóng tan.
Băng vùng bầm tím với một băng có tính đàn hồi, băng chặt một chút để ngăn chặn bớt máu lưu thông đến vùng bị bầm tím nhằm giúp vùng này mau lành hơn và vết bầm tím không lan ra.
Nếu đôi tay của bạn bị bầm hãy đặt chúng cao hơn lồng ngực để giảm thiểu lượng máu lưu thông đến tay và ngăn máu tụ ở các mô xung quanh vùng bị tổn thương. Cố gắng để vùng bị bầm tím cao hơn vùng lồng ngực trong vòng 24 giờ đầu.
Bạn có thể bôi loại thuốc mỡ chữa trị có chứa vitamin K. Vitamin K ngăn ngừa sự hấp thụ máu.
Nếu không phải do va đập mà vẫn xuất hiện các vết bầm tím, thì rất có thể bạn mắc một số bệnh ở hệ tuần hoàn, như xuất huyết giảm tiểu cầu.
Bệnh lý ở hệ tuần hoàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì khả năng khỏi bệnh rất cao. Những người hay dùng aspirin hoặc các loại thuốc có công dụng làm loãng máu dễ bị bầm tím hơn người khác. Những loại thuốc chống sưng, thuốc làm giảm căng thẳng thần kinh hoặc điều trị hen… thường có tác dụng làm máu chậm đông hơn, khiến các vết bầm trở nên lớn hơn, đậm hơn. Còn nếu các vết bầm tím do va đập, bạn có thể yên tâm hoàn toàn và tìm cách để các vết bầm đó mất nhanh trong thời gian ngắn nhất bằng các mẹo thông thường và dùng thêm vitamin C mỗi ngày để tăng sức đề kháng. Ngoài nguyên nhân do chấn thương, bạn nên đi khám bệnh để tìm đúng nguyên nhân dẫn đến xuất hiện các vết bầm tím trên da vì đây có thể là nguyên nhân của các bệnh lý khác. |
Minh Anh/TNO
Bình luận (0)