Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chưa trường học nào tại TP.HCM được phê duyệt đề án sử dụng tài sản công

Tạp Chí Giáo Dục

Vướng và ách khi thực hiện Nghị định 151, các trường học trên địa bàn TP.HCM đều chưa được phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.


Để tổ chức căng tin, bếp ăn tại trường, nhiều trường thực hiện theo hình thức đấu thầu từng năm. Trong ảnh: Bếp ăn tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1)

Do vậy, các trường học hoặc là dừng tổ chức các hoạt động căng tin, bếp ăn, bãi xe hoặc là thực hiện tổ chức theo hình thức đấu thầu theo từng năm. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn cho trường khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Những hoạt động thiết yếu, trường không thể không có

Nghị định số 151/2017/NĐ-CP năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tại Điều 44 quy định: Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với loại tài sản và chức năng, nhiệm vụ, năng lực của đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Khoản 2, Điều 46 của nghị định quy định: Căn cứ đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 44 nghị định này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định cụ thể việc cho thuê tài sản công.

Đến nay, sau 7 năm thực hiện (từ năm 2018), tại TP.HCM, theo tìm hiểu của phóng viên, chưa có đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập nào được thông qua đề án sử dụng tài sản công theo Nghị định 151. Do vậy, các trường học hoặc là dừng tổ chức các hoạt động căng tin, bếp ăn, bãi xe hoặc là tổ chức theo hình thức đấu thầu theo từng năm một.


Khó tổ chức nên đa phần trường học thực hiện cung cấp suất ăn công nghiệp

Tại quận 12, ông Khưu Mạnh Hùng – Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn quận không có bếp ăn tại trường mà đều thực hiện suất ăn công nghiệp cho học sinh khi tổ chức bán trú. Đối với căng tin, hiện các trường đang thực hiện theo hình thức đấu thầu từng năm một.

“Trước đó, có trường học có hồ bơi rộng nên có tổ chức cho thuê. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 151 có hiệu lực, nhà trường đã ngưng việc cho thuê lại. Đối với hoạt động căng tin, khi đấu thầu theo từng năm khiến các trường gặp rất nhiều khó khăn, mà trường học thì không thể không có căng tin, vì đây là nhu cầu thiết yếu của học sinh…” – ông Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, quận 8 và nhiều đơn vị trường học tại quận 1 lựa chọn hình thức dừng tổ chức căng tin, bếp ăn, bãi xe. 40 đơn vị trường công lập trên địa bàn quận Bình Tân cũng đã phải tạm ngưng các hoạt động này từ ngày 16-7-2024 sau khi có kết luận của Thanh tra thành phố.

“Không có căng tin trong trường học, đến cục gôm học sinh cũng phải chạy ra ngoài cổng trường mua. Chưa kể đến phát sinh thêm hoạt động buôn bán hàng rong trước cổng trường do nhu cầu của phụ huynh học sinh. Không có căng tin trong trường học, nhất là với các trường tiểu học thì học sinh đến trường cũng bớt đi niềm vui, vì với phụ huynh bận rộn, buổi sáng có thể cho con 5-10 ngàn đồng tiền ăn sáng ở căng tin, hoặc là khi các em đạt kết quả tốt ba mẹ cũng thưởng cho các em phần thưởng là chiếc bánh, chiếc kẹo hoặc cây bút ở căng tin…” – ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân bày tỏ.

Đấu thấu từng năm gặp nhiều khó khăn, bất cập

Khối các trường THPT công lập tại TP.HCM, việc tổ chức căng tin, bếp ăn và bãi xe trong trường hiện được trường thực hiện theo hình thức đấu thầu cho doanh nghiệp thuê mướn. Hình thức đấu thấu theo từng năm.

Ngoài cho doanh nghiệp thuê làm căng tin, bếp ăn, bãi xe để tổ chức các hoạt động phụ trợ cho học sinh nhà trường, nhiều đơn vị còn cho thuê nhà thi đấu, sân thể thao, hồ bơi ngoài giờ như Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh); THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3); THPT chuyên Lê Hồng Phong…


Không được tổ chức căng tin trong trường, phát sinh tình trạng hàng rong ngoài cổng trường gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Khi đưa doanh nghiệp vào nhà trường theo hình thức liên doanh, liên kết, cho thuê để thực hiện căng tin, bếp ăn…, đã không chỉ giúp cải thiện được điều kiện cơ sở vật chất của trường mà còn góp phần tạo ra môi trường giáo dục đa dạng, phong phú, giúp học sinh có thêm điều kiện tốt để học tập, vui chơi, rèn luyện. Đơn cử như các trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú); THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6); THPT Lê Quý Đôn (quận 3); THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận); THPT Trưng Vương (quận 1); THPT Gia Định (quận Bình Thạnh)…

Mặc dù vậy, hiệu trưởng nhiều trường THPT chia sẻ, việc tổ chức đấu thầu theo từng năm để tổ chức các hoạt động căng tin, bãi xe, bếp ăn trong trường rất mệt mỏi.

“Sau khi kết thúc năm học, nhà trường sẽ tổ chức đấu thầu để có thể kịp tổ chức trong năm học mới. Tuy nhiên, việc đấu thấu rất mệt mỏi. Doanh nghiệp khi trúng thầu cũng không dám đầu tư nhiều vì không biết năm sau có tiếp tục trúng thầu hay không…” – hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tân Phú chia sẻ.

Ông cho biết mới đây nhà trường đã xây dựng lại đề án sử dụng tài sản công để gửi về Sở GD-ĐT, để trình UBND TP phê duyệt, song không biết khi nào mới được phê duyệt.

“Việc tổ chức căng tin, bãi xe, bếp ăn là nhằm phục vụ cho các hoạt động thiết yếu của nhà trường, giúp học sinh có chỗ để gửi xe đảm bảo, nơi ăn uống hợp vệ sinh, cũng có không gian để các em học tập, rèn luyện sau các giờ học… Do đó, đây là các hoạt động cần thiết phải được tổ chức trong trường. Để nhà trường thuận lợi triển khai thì các cơ quan cần sớm có hướng gỡ khó Nghị định 151” – hiệu trưởng này kiến nghị.

Thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho biết với việc tổ chức đấu thầu theo từng năm cho các hoạt động căng tin, bếp ăn, bãi xe trong trường thì trường gặp vô vàn khó khăn về hồ sơ sổ sách do chức năng của trường học là giáo dục. Cạnh đó, quy trình đấu giá cũng đã mất 4 tháng, doanh nghiệp trúng thầu cũng không dám đầu tư nhiều vì đầu tư 1 năm không biết năm sau có tiếp tục trúng thầu.

“Rõ ràng là việc đấu giá hạn định 1 năm đang gây khó khăn cho nhà trường và cả doanh nghiệp. Còn nếu nhà trường trực tiếp tổ chức thì cũng khó vì trường không có nguồn lực để giữ xe, nấu ăn, buôn bán… Do vậy, nhiều năm qua việc thực hiện các hoạt động về căng tin, bãi xe, bếp ăn trong trường cứ chập chờn, trong khi đây là các hoạt động thiết yếu phục vụ cho học sinh trong trường học” – thầy Phú phân tích.

Thầy kiến nghị cần sớm có hướng gỡ khó khi thực hiện Nghị định 151 cho các trường công lập, để trường tận dụng được mặt bằng cho thuê tổ chức các hoạt động thiết yếu cho học sinh trong trường như căng tin, bãi xe, bếp ăn. Đặc biệt, là tận dụng cơ sở vật chất sau giờ hành chính để cho doanh nghiệp thuê tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, giúp nhà trường có thêm nguồn phúc lợi cải thiện đời sống giáo viên, có thêm nguồn lực xã hội hóa để tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục, có thêm nguồn cho ngân sách Nhà nước…

Yến Hoa

Bình luận (0)