Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chữa tự kỷ bằng châm cứu

Tạp Chí Giáo Dục

Thực tế cho thấy điện châm, thủy châm là 2 phương pháp điều trị trẻ em mắc hội chứng tự kỷ áp dụng cụ thể đã có kết quả cao. Ngoài ra, hoạt động ngôn ngữ trị liệu và các phương pháp khác như xoa bóp bấm huyệt, tập vận động, cấy chỉ cũng có tác dụng hỗ trợ đối với quá trình điều trị trẻ em mắc hội chứng tự kỷ. 

BS đang điều trị trẻ tự kỷ bằng phương pháp châm cứu. Ảnh: P.N.Q

1.Trước hết về tác dụng của điện châm. Theo quan niệm của y học cổ truyền, đây là cách để cân bằng âm dương nâng cao khí huyết, điều khí điều huyết để khắc phục tình trạng mất cân bằng, khí huyết không đầy đủ và kém lưu thông là những nguyên nhân gây nên bệnh. Thủy châm là phương pháp dùng các thuốc tây y đưa vào huyệt vị để điều trị, chủ yếu là 8 đến 10 huyệt chủ đạo. Bên cạnh đó cho trẻ dùng thêm thuốc dinh dưỡng thần kinh và tăng sử dụng ôxy não như cerebrolysin, ginkgo biloba, piracetam… Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh như: citicholine, choline alforce-rate, nhóm vitamin 3B cũng bổ trợ cần thiết cho các bé. Còn cấy chỉ là cách đưa chỉ tự tiêu vào huyệt với số lượng từ 8-12 huyệt. Phương pháp này cũng có tác dụng như điện châm rất phù hợp đối với các gia đình không có điều kiện đưa con đi chữa trị liên tục và những nơi vùng sâu vùng xa, nhất là những gia đình nghèo vì cấy chỉ có tác dụng điều trị 1 tháng, ít tốn kém hơn cách khác. Chúng ta cũng không quên phối hợp xoa bóp bấm huyệt nhằm điều hòa khí huyết, thông kinh hoạt lạc. Tập cho trẻ vận động nhằm điều hòa khí huyết, thông kinh hoạt lạc để điều trị.

Đối với trẻ tự kỷ, nguyên tắc chung là điều chỉnh lại các hành vi, thuộc tính, giao tiếp, tương tác và hòa nhập với xã hội nhằm cho trẻ tự kỷ hòa nhập với gia đình, nhà trường và xã hội. Các cơ quan cần điều chỉnh bao gồm vận động, sờ, nhìn, xúc giác, âm thanh, khứu giác, vị giác, các thuộc tính bắt chước… Về phương pháp cụ thể, dạy và hướng dẫn những thuộc tính, hành vi, ngôn ngữ và hòa nhập cho trẻ tự kỷ và bại não dựa vào tính bắt chước để dạy viết, kích thích trẻ phát âm và hướng dẫn bé giao tiếp và tương tác. Các giai đoạn giao tiếp và tương tác phụ thuộc 4 điều như: khả năng tương tác với người khác, cách trẻ giao tiếp, lý do trẻ giao tiếp và hiểu biết của trẻ. Các giai đoạn giao tiếp của trẻ bao gồm: giai đoạn tự phát, giai đoạn yêu cầu, giai đoạn giao tiếp sớm, giai đoạn đối tác.

2.Dạy hướng dẫn cho trẻ những thuộc tính hành vi, ngôn ngữ và hòa nhập trước hết dựa trên tính bắt chước. Tính bắt chước vừa là khả năng rất phức tạp vừa là thuộc tính bẩm sinh ở trẻ em. Đối với trẻ tự kỷ thì tính bắt chước là một khuyết tật vô cùng phức tạp. Bắt chước như một cánh cổng giao tiếp để sớm biết học tập và hòa nhập xã hội đồng thời như một phương pháp thực hành. Bắt chước và ham muốn trở thành người khác sẽ cho kết quả là hiểu được ý nghĩ của người khác.

Dạy viết cho trẻ tự kỷ cần chú ý, trẻ bị bệnh này rất khó khăn trong trao đổi suy nghĩ và cảm xúc của mình bằng lời nói nên quá trình tập viết có thể phải thực hiện một cách chậm chạp và tẻ nhạt. Muốn vậy phải dạy từ vựng và tăng cường thảo luận trước khi viết. Vừa loại bỏ sự tẻ nhạt trong suy nghĩ của trẻ tự kỷ vừa chẻ nhỏ từng bước trong quá trình viết giúp dạy trẻ tập chữ viết bằng tay.

Trẻ tự kỷ chậm biết giao tiếp nên khó nói ra được từ hoặc nói ra các từ rất lạ, khó hiểu. Một số cách để khích lệ làm trẻ nói ra được như: Bắt đầu ngồi chơi với trẻ, dừng cơn giận dữ thường xảy ra với trẻ tự kỷ nếu có. Chấp nhận trẻ tự kỷ nói ra được từ gì thì bạn hãy vui lên và nói những gì con bạn thấy có nghĩa. Nên nhớ, lời nói bất kỳ của trẻ cũng là lời nói. Có thể tranh thủ thổi bong bóng và chơi ống hút hoặc làm bài tập trên khuôn mặt.

Nên thường xuyên khuyến khích trẻ giao tiếp và tương tác. Giao tiếp là quá trình gửi thông tin bao gồm giao tiếp bằng ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ thông qua cử chỉ điệu bộ, bằng tranh ảnh. Có sự tương tác thông qua giao tiếp 2 chiều. Muốn vậy, trước hết nên tìm hiểu về giao tiếp của trẻ, xem xét trẻ thích gì và không thích gì vì đây là động cơ thúc đẩy trẻ giao tiếp. Giao tiếp thông qua các “cung bậc” như: giới thiệu đồ chơi, chơi mẫu cho trẻ thấy, cho trẻ chơi thử để làm quen. Sau đó chơi luân phiên, lần lượt với trẻ.

Để giao tiếp có hiệu quả cần sử dụng công cụ nhìn hỗ trợ vì hầu hết trẻ tự kỷ học rất nhanh thông qua nhìn trực giác. Các công cụ nhìn sẽ giúp trẻ tự kỷ hiểu được bản thân, hiểu được gì sắp diễn ra. Hiểu được cảm xúc của bản thân và người khác từ đó trẻ biết làm việc độc lập. Như vậy chúng ta đã thành công. Giao tiếp đó được thực hiện qua 3 giai đoạn phát triển gồm: Giai đoạn tự phát (công cụ nhìn hỗ trợ là vật thật) giai đoạn yêu cầu (công cụ nhìn hỗ trợ là vật thật và ảnh chụp) giai đoạn đối tác (công cụ nhìn hỗ trợ chủ yếu là các hình vẽ nét).

PGS.TS Nguyễn Bá Quang
(Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)