U xơ tiền liệt tuyến (TLT) là một chứng bệnh phổ biến ở phần lớn nam giới lớn tuổi. Bệnh có thể phát triển dần dần qua thời gian mà không gây nguy hiểm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, gây mất ngủ về đêm và dễ dẫn đến tâm lý căng thẳng, ức chế do trở ngại trong sinh hoạt hoặc trong giao tiếp. Liệu pháp tự nhiên có thể giúp điều trị hoặc ngăn chặn sự phát triển của bệnh, để cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
TLT là một tổ chức nhỏ bao quanh niệu đạo, nặng khoảng từ 15-20g, nằm ở đáy bàng quang, phía sau xương mu và trước trực tràng. Chức năng chính của tuyến là sản xuất ra chất dịch làm môi trường vận chuyển tinh trùng và tạo thành tinh dịch trong hoạt động giao phối. TLT chỉ có ở nam giới. Tuyến thường phát triển ở tuổi dậy thì, đến khoảng 20-25 tuổi thì bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, đến sau 40 tuổi, TLT thường có khuynh hướng phát triển bất thường, được gọi là phì đại lành tính TLT. Sự phì đại của tuyến gây ra một số rối loạn chức năng của thận và bàng quang. Tỷ lệ mắc bệnh và mức độ trầm trọng của bệnh thường gia tăng theo độ tuổi. Số liệu thống kê cho thấy, có trên 50% nam giới ở độ tuổi từ 60-70 tuổi bị u xơ TLT. Đến 80 tuổi tỷ lệ này lên đến 88%. Sự phát triển bất thường vừa làm suy giảm chức năng của tuyến vừa gây chèn ép niệu đạo, làm cản trở sự bài tiết nước tiểu.
Triệu chứng biểu hiện
Sự chèn ép của tuyến vào cổ bàng quang làm cản trở đường tiểu, gây ra một số triệu chứng thuộc 2 nhóm:
Hội chứng kích thích như: hay mót tiểu, phải tiểu gấp, khó nín tiểu, tiểu nhiều lần trong ngày.
Hội chứng tắc nghẽn như: tiểu ít, tiểu nhỏ giọt, tiểu ngắt quãng, tiểu không thành tia, tiểu không hết nước tiểu trong bàng quang.
Nguyên nhân gây bệnh
Các nhà khoa học cho rằng bệnh có liên quan đến những rối loạn về nội tiết tố sinh dục. Theo Đông y, TLT và sự bài tiết nước tiểu liên quan trực tiếp chức năng khí hóa của thận và bàng quang. Ngoài ra, khí hóa ở tam tiêu đều có tác động phối hợp của 2 tạng tỳ, phế. Tỳ chủ thăng, chủ về cơ nhục và chủ về vận hóa thủy dịch, phế chủ khí và chủ về túc giáng. Ở người lớn tuổi, bên cạnh việc suy nhược chức năng của tỳ, thận, chế độ ăn uống, sinh hoạt và những căng thẳng tâm lý trong cuộc sống đều có ảnh hưởng đến việc phát triển u xơ. Những cảm xúc không thuận lợi về tình dục như: suy nhược sinh dục, áp lực không đáp ứng được nhu cầu của bạn tình, đọc sách báo, xem phim ảnh hoặc suy nghĩ quá nhiều về tình dục, tình dục không được thỏa mãn đều có khả năng kích động tướng hỏa dễ gây uất nhiệt. Uất nhiệt kết tụ lâu ngày kết hợp với tỳ khí hư nhược, khí hư hạ hãm, dễ dẫn đến khí trệ, huyết ứ và phát triển thành u xơ ở vùng hạ tiêu đối với cả nam cũng như nữ.
Điều trị dùng thuốc
Phép chữa u xơ TLT chủ yếu là bổ tỳ, thận. Tùy theo chứng, có thể gia thêm các vị thuốc để giải khí uất, hành khí hoạt huyết, lợi tiểu hoặc tiêu u xơ.
Bài thuốc 1
Đây là một bài thuốc kinh nghiệm để chuyên trị các trường hợp u xơ TLT. Qua phân tích có thể thấy bài thuốc có sự phối hợp của 2 cổ phương quy tỳ và lục vị gia thêm nhục thung dung, câu kỷ tử, đỗ trọng và ngưu tất để tăng cường thận khí. Quy tỳ có tác dụng kiện tỳ, an thần, bổ khí, thường dùng để chữa các chứng suy nhược, kém ăn, khó ngủ do lao nhọc hoặc do tình chí uất kết. Lục vị là một cổ phương thông dụng để bổ thận âm. Điểm đặc biệt của bài thuốc là chỉ “bổ chính” mà không “công tà”. Khi chính khí vượng, chức năng của tỳ, thận điều hòa, khí hóa tam tiêu sẽ thông suốt, cơ nhục sẽ săn chắc (vì “tỳ chủ cơ nhục”), TLT sẽ dần dần thu liểm và đường tiểu sẽ thông. Vì là phương bổ nên ngoài việc điều trị u xơ, bài thuốc này có thể dùng để chữa các chứng suy nhược sinh dục ở nam giới do tỳ, thận lưỡng hư, hay mệt mỏi, ăn ít, tinh kém, xuất tinh sớm.
Thục địa 16g, ngưu tất 12g, viển chí 8g, hoài sơn 12g, nhục thung dung 12g, táo nhân 8g, sơn thù 12g, câu kỷ tử 12g, long nhãn 8g, mẩu đơn bì 8g, trần bì 8g, cam thảo 8g, trạch tả 12g, hoàng kỳ 32g, đại táo 3 quả, bạch phục linh 12g, đảng sâm 24g, gừng sống 3 lát, đỗ trọng 12g, bạch truật 12g.
Đổ 4 chén nước, sắc còn hơn nửa chén. Lần 2 đổ 3 chén nước sắc còn nửa chén. Trộn đều 2 lần thuốc, chia làm 2 lần, uống trong ngày. Uống khoảng từ 7-10 thang. Sau đó, thỉnh thoảng uống lại một vài thang để bồi bổ cơ thể.
Bài thuốc 2
Bài thuốc này thiên về bổ khí, lợi tiểu và tiêu u xơ. Ngoài việc kiện tỳ bổ khí, tăng cường trương lực cơ, phương thang này có nhiều vị thuốc để hoạt huyết, tiêu ứ, làm tan chỗ kết tụ, nên chỉ dùng để điều trị u xơ, không dùng cho trường hợp bồi bổ thông thường.
Đảng sâm 24g, đương quy 20g, nga truật 12g, hoàng kỳ 32g, bạch truật 16g, đào nhân 12g, thục địa 20g, bạch phục linh 12g, tô mộc 12g, tỳ giải 16g, xa tiền 12g, xích thược 12g, mộc thông 16g, tam lăng 12g, đan sâm 12g, táo 3 quả, gừng sống 3 lát.
Sắc uống từ 1-3 thang. Sau đó vẫn nên tiếp tục uống theo bài 1 ở trên. Cả 2 bài thuốc đều không dùng được trong trường hợp cơ thể có các chứng viêm nhiễm đang phát triển.
Điều trị không dùng thuốc
Vận động thân thể
Theo Y học cổ truyền “tỳ chủ tứ chi và cơ nhục”. Vận động cơ bắp và khí hóa của tỳ, vị có liên quan mật thiết với nhau. Ở người cao tuổi và những người kém vận động thể lực tỳ, vị thường suy yếu biểu hiện qua việc kém ăn, sức không bền, dễ mệt mỏi, cơ bắp mềm nhũn. Do đó, rèn luyện thân thể trong điều kiện sức khỏe cho phép là biện pháp tự nhiên và quan trọng để kiện tỳ. Vận động thân thể vừa giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện tim mạch vừa làm săn chắc cơ bắp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu nhiếp các cơ vùng xương chậu, kể cả TLT. Cách vận động đơn giản nhất là đi bộ, đi từ chậm đến nhanh dần. Mỗi lần khoảng 30 phút, mỗi tuần 5 lần.
Bài tập làm săn chắc các cơ vùng xương chậu
Thực hành phương pháp thở bụng nghịch sau đây có thể giúp cải thiện tình trạng yếu liệt các cơ vùng xương chậu bao gồm cơ vòng hậu môn, cơ vòng bàng quang, các cơ sinh dục và cả TLT. Ngồi ở tư thế ổn định. Ngồi xếp bằng thông thường hoặc ngồi trên ghế, chân chạm đất. Tập trung tư tưởng vào vùng xương chậu, hít vào trong khi cố nhíu chặt nhị âm (bộ phận sinh dục và hậu môn), thở ra trong khi từ từ buông lỏng toàn thân. Lập lại động tác khoảng 10 lần tương ứng với 10 hơi thở. Mỗi ngày có thể tập 1 lần.
Thư giãn thần kinh và cơ bắp
Căng thẳng tâm lý, khí uất là một yếu tố quan trọng trong cơ chế sinh bệnh hoặc phát triển bệnh, kể cả u xơ TLT. Những cảm xúc, những ức chế về tình dục cần phải được giải quyết, thư giãn triệt để hoặc cho thăng hoa.
Do đó những sinh hoạt dưỡng sinh, ngồi thiền đặc biệt là những tư thế yoga có tác dụng thư giãn cơ bắp, thư giãn được thần kinh hóa giải stress sẽ đáp ứng tốt quá trình điều trị u xơ TLT.
Ăn nhiều rau quả tươi
Việc phát triển u xơ TLT có liên quan đến yếu tố tuổi tác, đến quá trình lão hóa. Trong những thập niên gần đây, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến những chất chống oxy hóa và xem đây là một biện pháp quan trọng để làm chậm lại quá trình này. Trong lớp màng ngoài của các loại ngũ cốc, các loại hạt, các loại đậu và cả trong những rau quả tươi, nhất là các loại rau màu xanh đậm, màu vàng hoặc màu đỏ có hàng ngàn chất chống oxy hóa khác nhau bao gồm các sinh tố C, E, các chất lycopen, beta caroten, selenium. Đây là những chất chống oxy hóa rất tốt, có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, trung hòa những gốc tự do và chống lại sự phát triển của những tế bào bất thường. Trên thực tế, có nhiều trường hợp u xơ ở cả nam lẫn nữ đã thu nhỏ lại hoặc bị mất hẳn chỉ bằng chế độ ăn uống thích hợp. Thông thường, người bệnh cần trải qua một vài ngày tiết thực trước khi thực hành chế độ ăn uống bằng rau quả và ngũ cốc thô.
Lương y Võ Hà (Theo SK&ĐS)
Bình luận (0)