Mặc dù chưa có điểm sàn, chưa công bố điểm chuẩn nhưng nhiều trường ĐH – CĐ đã bắt đầu khởi động "cuộc chạy đua" xét tuyển nguyện vọng (NV) 2,3 với hy vọng đó sẽ là "phao" cứu chất lượng đầu vào của trường.
"Méo mó có hơn không"?
Phải xét tuyển 100% mặc dù có tổ chức thi tuyển – đó là trường hợp rất hy hữu tại trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) với số thí sinh dự thi 105, trong đó có 80 thí sinh thi nhờ để lấy kết quả xét tuyển các trường khác, 25 thí sinh còn lại thì điểm cao nhất cũng chỉ đạt 12,5 điểm khối A và 14 điểm khối D.
Bà Đỗ Thị Hiền – cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường, cho biết: "Đây là năm đầu tiên trường tổ chức thi tuyển với mong muốn quảng bá hình ảnh của trường, vì vậy kết quả thấp cũng là điều không tránh khỏi, trường đã dự tính được ngay từ khi mới nhận hồ sơ dự thi của các em. Tuy phải xét tuyển nhiều nhưng trường vẫn sẽ cố gắng để đảm bảo chất lượng đầu vào của thí sinh. Ngay sau khi Bộ GDĐT có điểm sàn, trường sẽ công bố điểm xét tuyển, thấp nhất cũng bằng điểm sàn của Bộ".
Trường ĐH Hà Hoa Tiên là trường đang hướng tới "đẳng cấp quốc tế" trong đào tạo, nhưng với chất lượng đầu vào như vậy, liệu "đẳng cấp" này có được đảm bảo? Trả lời câu hỏi này, bà Đỗ Thị Hiền nói ngập ngừng: "Đầu vào có thể thấp nhưng "méo mó có hơn không". Trường sẽ chú trọng nhiều hơn vào quá trình đào tạo sinh viên suốt 4 năm học để đầu ra khả quan".
Tuy nhiên theo đánh giá của PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ngoài công lập thì: "Việc quảng bá tên tuổi của trường theo cách đó hoàn toàn phản tác dụng nếu như trường tuyển được quá ít thí sinh như vậy. Vì vậy, tránh gây tốn kém lãng phí các trường vẫn nên dùng hình thức xét tuyển. Chỉ bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên qua quá trình học tập và chất lượng đầu ra thì khối trường này mới có thể tạo thương hiệu được cho mình chứ không phải rầm rộ thi tuyển rồi chẳng tuyển được ai".
Chạy đua xét tuyển
Một số trường ĐH dân lập khác cũng chịu chung số phận với lượng thí sinh đạt 15 điểm rất hiếm hoi. Trường ĐH dân lập Hải Phòng chỉ có 753 thí sinh có tổng điểm trên 10 điểm (đạt 37% so với chỉ tiêu 2.000) nên sẽ phải rất chật vật để tuyển đủ nếu điểm sàn bằng năm trước. Trường ĐH Đại Nam cũng không khả quan hơn: 60% thí sinh đạt tổng điểm dưới 10.
Lợi thế của các thí sinh xét tuyển NV năm nay là có thể rút hồ sơ xét tuyển nhiều lần trong thời gian nhận hồ sơ của các trường. Bên cạnh đó các trường sẽ công khai số lượng và điểm thi của những hồ sơ nhận được vì vậy thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển NV2, NV3.
Không trông chờ vào NV1, nhiều trường đã nhanh nhảu thông báo tuyển NV2,3. Thông tin xét tuyển NV của Trường ĐH Đại Nam đã được đưa lên website của trường và trên truyền hình nhiều ngày qua. Tất cả các ngành học đều có chỉ tiêu tuyển sinh NV2. Các thí sinh có tổng điểm 3 môn bằng điểm sàn của Bộ GDĐT đều có thể gửi hồ sơ xét tuyển ngay sau khi bộ công bố điểm sàn. Trường ĐH Thăng Long cũng sẽ xét tuyển 1.450 thí sinh chiếm 60 – 70% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Trường CĐ Thuỷ sản Hà Nội cũng "không chờ" điểm sàn của Bộ GDĐT mà đã đăng tải thông tin xét tuyển NV trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hai chuyên ngành Kế toán và Tài chính ngân hàng bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 2.8 đến 10.9, điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ cho hệ CĐ.
Trường ĐH Tân Tạo cũng đã tung "độc chiêu" xét tuyển NV2 năm nay. Theo ông Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng: Thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển NV2 nếu có điểm thi vượt mức 4 điểm so với điểm sàn của Bộ sẽ được nhận học bổng là toàn bộ tiền học phí trong năm học đầu (3.000 USD/năm) cùng tiền ăn, ở và một máy tính xách tay. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có 8.650 chỉ tiêu nhưng đã có 80% trong số đó có tổng điểm 3 môn dưới 13, vì vậy chỉ tiêu NV2 vào trường rất… rộng rãi.
Theo Thiên Hà
(Dân Việt)
Bình luận (0)