Tính đến hết tháng 5-2009, TPHCM có tới 30 bệnh viện tư nhân (tương đương số bệnh viện công cấp TP), hơn 13.000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân các loại. Và hiện số lượng vẫn chưa dừng lại khi còn rất nhiều hồ sơ… chờ duyệt. Tình trạng đua nhau hành nghề y dược tư nhân đang khiến không ít bệnh nhân than phiền.
Mọc lên như nấm
Người dân xung quanh cho biết, căn nhà cấp 4 nằm tít trong hẻm 59 Nguyễn Hồng Đào, phường 14 quận Tân Bình là cơ sở khám chữa bệnh của ông N.Đ.T. Cơ sở này quảng bá chữa được nhiều bệnh ung thư, trị dứt những bệnh nan y. Nhưng người đứng tên cơ sở là một lương y chỉ được cấp phép hành nghề với chức năng trị bệnh ngoài da.
Một ví dụ khác, mặc dù được Sở Y tế TPHCM cấp phép hành nghề lương y tại địa bàn phường 2 quận 6, nhưng ông N.A.Tú lại mở cơ sở hành nghề y học cổ truyền Hy Long tuốt phường Bình Trưng Đông, quận 2. Nếu như không bị dư luận lật tẩy thì cũng chẳng ai biết được rằng thầy Tú được phép hành nghề một nơi nhưng hoạt động một nẻo. Chưa hết, ông Tú còn tự “nâng cấp” mình lên thành… bác sĩ để cho bệnh nhân tin tưởng.
Thống kê của Sở Y tế TPHCM, đến hết tháng 5-2009 đã có tới gần 13.300 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, trong đó có hơn 6.200 phòng khám chuyên khoa, 100 phòng khám đa khoa (tăng hơn 31% so với năm 2007).
Lợi dụng sự cả tin, nhiều cơ sở tự quảng bá chữa trị dứt nhiều bệnh nan y để lôi kéo bệnh nhân. Một lương y ở quận Thủ Đức thổ lộ: “Đã hành nghề mấy năm nay rồi, chẳng thấy cơ quan nào đến kiểm tra cả. Bệnh nhân tin thì chữa thôi”. Chính vì nhận ra những yếu kém trong công tác quản lý lỏng lẻo, nhiều phòng khám, phòng mạch vừa kê toa vừa bán thuốc; quảng cáo không phép; hoạt động sai giấy phép; cho thuê giấy phép hành nghề hoặc chỉ đứng tên trên danh nghĩa còn hoạt động hành nghề là người khác.
Thậm chí có những trường hợp bác sĩ nước ngoài mở phòng khám và hành nghề “chui” như Phòng khám nha khoa A.H (Hưng Phước 4, phường Tân Phong, quận 7) bị cơ quan chức năng phát hiện bác sĩ người Nhật Bản hành nghề khi chưa được cấp giấy đủ điều kiện chuyên môn.
Không chỉ phòng khám, phòng mạch mà hiện bệnh viện tư nhân cũng đua nhau mọc lên như là một xu hướng đầu tư. Mới đây nhất, TPHCM đã ghi nhận thêm bệnh viện thứ 30 là BV tư nhân chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế (P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú) có tổng kinh phí đầu tư, xây dựng 160 tỷ đồng.
Theo Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân Sở Y tế TPHCM Lê Minh Hải, loại hình bệnh viện này thuộc quyền cấp phép của Bộ Y tế và ngành y tế địa phương chỉ được giao theo dõi hoạt động.
Khó lường chất lượng
Dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau cái chết thương tâm của cháu bé 7 tuổi N.D.Thịnh (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc) tại BV tư nhân Hoàn Mỹ (cơ sở 1 – TPHCM) sau khi nội soi dạ dày. Hội đồng khoa học Sở Y tế TPHCM kết luận nguyên nhân tử vong do BV Hoàn Mỹ tổ chức phòng nội soi (nhân sự, trang thiết bị) và quy trình thực hiện thủ thuật nội soi có gây mê với trẻ em chưa đầy đủ theo quy định…
Thực tế cho thấy, hầu hết những trường hợp tử vong tại các cơ sở y tế tư nhân đều được cho là “tai nạn”, vì vậy, thiệt thòi luôn thuộc về bệnh nhân. Điều này càng đáng ngại hơn đối với các phòng khám, phòng mạch khi phó thác “sinh mệnh” cho những “lang băm, lang vườn” được hợp pháp hóa bằng những giấy phép hành nghề.
Anh Nguyễn Quang X., ngụ phường 9, quận 3, không khỏi bức xúc kể: Khi nghe Phòng chẩn trị y học cổ truyền B.M.Châu tại phường 12, quận 6 chữa được bệnh xơ gan nên anh tìm đến, nhưng khi uống thuốc của ông lương y này được 2 ngày thì phải đi cấp cứu vì ngộ độc thuốc.
Mặc dù hoạt động khá bát nháo, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân rất… khiêm tốn. Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, trong năm 2008 ngành y tế chỉ thanh tra được khoảng 20% trong tổng số trên 13.000 cơ sở. Và đáng ngại khi mỗi đợt thanh tra đều phát hiện hàng loạt cơ sở sai phạm, như năm vừa qua phát hiện tới 266 cơ sở hành nghề y vi phạm; 394 cơ sở hành nghề dược sai phạm và gần 40% cơ sở y học cổ truyền hoạt động quá chức năng, bán thuốc không nguồn gốc. Không những vậy, có những cơ sở đã được yêu cầu đóng cửa nhưng vẫn cố tình hoạt động trở lại hoặc thay đổi địa chỉ.
Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, các phòng y tế quận huyện chưa chú trọng đến công tác hậu kiểm, có những quận huyện đạt tỷ lệ thanh tra rất thấp. Thậm chí trong năm 2008 có tới 8 quận huyện không thanh tra, kiểm tra một cơ sở y học cổ truyền nào.
Tường Lâm (dan tri)
Bình luận (0)