Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chưa yên tâm với dạy tiếng Anh liên kết

Tạp Chí Giáo Dục

Dù cho con em theo học chương trình liên kết dạy tiếng Anh giữa nhà trường với các trung tâm ngoại ngữ nhưng các phụ huynh vẫn chưa thực sự yên tâm.
Theo kết quả giám sát chuyên đề về dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường công lập từ bậc mầm non tới bậc THPT trên địa bàn do HĐND TP.Hà Nội vừa thực hiện, hiện có 1.451/1.453 học sinh (HS) Trường tiểu học Quang Trung (Q.Hoàn Kiếm), 1.171/1175 HS Trường tiểu học Ngọc Lâm (Q.Long Biên) đăng ký học liên kết tiếng Anh trong trường. Tại Trường THCS Thanh Liệt (H.Thanh Trì) có tới 86% HS theo học chương trình này. Ông Trần Thế Cương, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.Hà Nội cho biết, căn cứ số lượng trường triển khai liên kết dạy tiếng Anh và số HS tham gia thì chương trình này đáp ứng đúng nhu cầu thực của xã hội.
Giờ học chương trình tiếng Anh liên kết ở Trường tiểu học Quang Trung (Hà Nội)  ///  Ảnh: Tuệ Nguyễn

Giờ học chương trình tiếng Anh liên kết ở Trường tiểu học Quang Trung (Hà Nội) Ảnh: Tuệ Nguyễn

Tuy nhiên, qua khảo sát cũng cho thấy, việc tổ chức liên kết dạy tiếng Anh trong trường học còn những bất cập. Cụ thể, học phí mỗi trường thu một mức. Có trường thu mỗi em 700.000 đồng/tháng, trường khác thu 400.000 đồng/tháng, có trường chỉ thu 150.000 đồng/tháng. Sự chênh lệch này là một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh so sánh, thắc mắc. Bà Đỗ Thuỳ Dương, thành viên đoàn khảo sát, đồng thời là chuyên gia về ngoại ngữ, nêu thực trạng nhiều trung tâm ngoại ngữ tự quảng cáo đạt chất lượng “5 sao”, nhưng đơn vị nào cấp phong danh hiệu “5 sao” ấy thì chưa rõ. Ngoài mức học phí, thời lượng học theo chương trình liên kết cũng chênh rất lớn, có trường dạy 2 tiết/tuần, trường thì dạy 6 – 7 tiết tiếng Anh/tuần.
Trao đổi với PV, một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Quang Trung(Hà Nội) cho biết, dù là tự chọn nhưng hầu như HS toàn trường đều đăng ký học chương trình tiếng Anh liên kết nên chị cũng đồng ý cho con học vì sợ giờ ấy các bạn học bài còn con mình thì bơ vơ. Vị phụ huynh này cũng chưa yên tâm vì sĩ số lớp học đông hơn so với học ở trung tâm, việc phân chia trình độ để dạy cho phù hợp là không rõ ràng… Bà Lê Thị Thu Hằng, một thành viên của đoàn giám sát cũng cho rằng, phụ huynh vẫn chưa hài lòng với chương trình liên kết dạy tiếng Anh, vẫn có cảm giác buộc phải học.
Tạo niềm tin cho phụ huynh
Theo ghi nhận, các phụ huynh mong muốn nhà trường thực sự quan tâm tới chất lượng của chương trình tiếng Anh liên kết, chỉ chọn những đơn vị có uy tín, đồng thời minh bạch việc thu chi để phụ huynh có thể kiểm soát.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD – ĐT Hà Nội cho biết: “Chúng tôi thẩm định chương trình, chất lượng uy tín của các trung tâm trước khi cho phép liên kết với các trường chứ không can thiệp quá sâu vào tự chủ của mỗi trường. Tuy nhiên, có quy định cứng là mỗi trường không được phép liên kết với quá 2 đơn vị trong việc dạy tiếng Anh. Đặc biệt, chúng tôi nhấn mạnh yêu cầu các trường không ép buộc học sinh và phụ huynh dưới mọi hình thức”, ông Tiến nói.
Theo ông Trần Thế Cương, HS tham gia chương trình liên kết dạy tiếng Anh xuất phát từ việc phụ huynh tin tưởng vào nhà trường chứ không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ về các trung tâm. Do vậy, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng chương trình liên kết dạy tiếng Anh trong nhà trường. “Khi đưa chương trình liên kết vào trường, hiệu trưởng các trường đã phải cam kết sẽ chịu trách nhiệm chính về chất lượng, hiệu quả của hình thức này. Chúng tôi cũng luôn nhấn mạnh, chỉ trường nào hiệu trưởng có đủ năng lực tổ chức liên kết dạy tiếng Anh đảm bảo chất lượng thì mới cho phép thực hiện”, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Nội, nói.

Tuệ Nguyễn (TNO)

 

Bình luận (0)