Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất yêu cầu Bộ Y tế có văn bản sớm để bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19, gồm những người làm việc trong cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ…
Ngày 18.6, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã họp để nghe Bộ Y tế báo cáo, rà soát chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm…
Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất rà soát, có chỉ đạo cụ thể về việc tạo điều kiện tối đa để chính quyền địa phương, doanh nghiệp nếu có đầu mối tiếp cận, mua được vắc xin thì đưa về VN thật nhanh. Cụ thể như với việc nhập khẩu vắc xin của TP.HCM, căn cứ đề nghị, nhu cầu của TP, Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc với nhà cung cấp được ủy quyền chính thức từ nhà sản xuất và TP này.
Dù vậy, Bộ Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng lưu ý từ nay đến cuối năm, vẫn còn tình trạng tranh mua vắc xin trên thế giới, nhất là trước tháng 10. Vì thế, các địa phương, doanh nghiệp phải hết sức cân nhắc, thận trọng khi tiếp cận thông tin về nguồn vắc xin, tránh tình trạng nhà sản xuất cam kết bán nhưng không giao vắc xin trong năm 2021 và sang năm 2022 mới có. Trong khi đó, thị trường vắc xin phòng Covid-19 nhiều khả năng có thay đổi trong năm sau.
Cùng với đó, Bộ Y tế được lưu ý chuẩn bị cho giai đoạn sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 xong cho đối tượng ưu tiên, sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ.
Về các dự án sản xuất vắc xin trong nước, Bộ Y tế cho hay, hiện một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vắc xin trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022, sẽ có 1 nhà máy sản xuất vắc xin quy mô lớn đi vào hoạt động. Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu cuối tháng 7 tới.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thêm, Việt Nam đang tranh thủ tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin phòng Covid-19 trên thế giới. Ngoài 2 nguồn chính thức mua của Hãng AstraZeneca và nguồn tài trợ vắc xin Sputnik V của Nga, sắp tới là của Hãng Pfizer, Bộ Y tế dự kiến sẽ tiếp nhận thêm một số loại đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép lưu hành khẩn cấp (3 loại vắc xin AstraZeneca sản xuất tại Hàn Quốc, Ấn Độ và châu Âu; Johnson & Johnson; Moderna; SinoPharm; SinoVac; Pfizer) qua Chương trình COVAX Facility.
Theo Chí Hiếu/TNO
Bình luận (0)