Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, trong bối cảnh dân tộc đang bước vào kỷ nguyên mới, TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và phải “đá tiền đạo”; TP không thể tự mình hành động, mà cần đặt trong bối cảnh Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TP.HCM quyết tâm cùng đất nước, cùng dân tộc vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Theo ông Mãi, những khái niệm như cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số đã được đề cập nhiều nhưng các nội hàm, trọng tâm và lộ trình để thực hiện còn chưa rõ. Việc xác định nội hàm, trụ cột, lộ trình và kết quả theo từng giai đoạn là điều then chốt.
Bên cạnh đó, vai trò tổ chức nguồn lực và phối hợp thực hiện cũng rất quan trọng. TP.HCM cũng sẽ đảm bảo vai trò cầu nối trong hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới.
“Có những việc chúng ta phải làm ngay để tạo nền tảng và có những việc cần thực hiện theo hướng chiến lược trong dài hạn”, ông Mãi nhấn mạnh.
Tận dụng tối đa các cơ chế đặc thù
TS.Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho biết, để hoàn thành mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, TP.HCM phải tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và hạ tầng; tập trung vào công tác xây dựng nền công vụ phục vụ phát triển, vào những công trình, dự án trọng điểm làm thay đổi TP; triển khai hiệu quả “Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”.
“Những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho TP.HCM đã được ban hành tại Nghị quyết 131, Nghị quyết 98 và Nghị định số 84… có thể được xem như những bước đầu cởi trói thể chế, tạo tiền đề. Từ đó giúp TP huy động mọi nguồn lực xã hội, cải cách hành chính, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đồng thời củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại, giữ vững vị thế đối với vùng và cả nước, hướng đến phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới”, TS. Vũ chia sẻ.
Đối với vùng Đông Nam bộ, TP.HCM được xác định là hạt nhân tăng trưởng của vùng. Mặc dù hội tụ những tiềm năng lợi thế vượt trội nhưng thực trạng liên kết vùng còn tồn tại nhiều bất cập và mang tính hình thức.
“Để giải quyết vấn đề này công tác điều phối vùng từng bước được chú trọng sẽ góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, mang lại sự chuyển biến đột phá cho sự phát triển vùng trong giai đoạn mới”, TS. Vũ nhấn mạnh.
Theo TS. Trần Du lịch – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Triển khai thực hiện Nghị quyết số 98, giai đoạn 2026-2035 có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp đưa nước ta thành nước công nghiệp và phải là giai đoạn thể hiện cao nhất khát vọng vươn lên của cả dân tộc, sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.
TP.HCM cần xác lập vị trí, vai trò của TP trong 10 năm tới với các mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP phải được duy trì với mức tăng trưởng cao hơn khoảng 1,2-1,5 lần mức bình quân của cả nước như đã đạt được trước đây. Trong giai đoạn 2026-2035 kinh tế trên địa bàn phải tăng trưởng bình quân hằng năm 2 con số (11-12%/năm) và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong 10 năm tiếp theo khoảng 9-10%/ năm.
Bên cạnh đó, TP phải tập trung xử lý nhanh và có hiệu quả các công trình dự án tồn đọng trong nhiều năm do vướng về pháp lý, quy hoạch treo, dự án kéo dài lãng phí nguồn lực nhằm hấp thụ vốn đầu tư, tạo sức lan tỏa chung ngay trong các năm 2025-2026.
“Cuộc cách mạng về tổ chức sắp xếp lại bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương đang tiến hành theo chỉ đạo mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước mở ra cơ hội cho TP xây dựng nền công vụ hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đây còn là cơ hội để TP hoàn thiện mô hình quản trị của chính quyền đô thị phù hợp sự vận hành của cơ chế kinh tế thị trường và xu hướng phát triển của thời đại”, TS. Lịch nói thêm.
Nhiều điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ
TS.Đặng Đức Cường – chuyên gia phát triển đô thị cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – cho rằng, để vùng Đông Nam bộ phát triển, TP.HCM vươn mình trong kỷ nguyên mới cần thiết lập cơ chế lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư vùng.
Theo đó, Hội đồng vùng Đông Nam bộ nên ưu tiên các dự án đầu tư vùng theo 5 tiêu chí. Đó là sự phù hợp với kế hoạch phát triển; tác động đối với tăng cường năng lực kết nối vùng, liên vùng, quốc tế và phát triển chuỗi cung ứng; tác động đối với thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và tăng cường đổi mới sáng tạo; tác động đối với phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; khả năng huy động vốn ngoài ngân sách.
GS.Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) cho rằng, công tác cán bộ là một trong những điểm nghẽn lớn của TP.HCM hiện nay. Có 3 điều kiện tiên quyết để đội ngũ cán bộ có thể triển khai kỷ nguyên vươn mình thành công. Đó là họ phải có năng lực, động lực và môi trường. Nói cách khác, cán bộ phải muốn làm, làm được và được làm. Trong nhiệm kỳ tới, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần đột phá bằng được ở 3 điều kiện này.
Theo GS.BS Nguyễn Thu Anh – Viện trưởng Viện Đại học Sydney Việt Nam, trong kỷ nguyên mới, TP.HCM nhất thiết phải đầu tư phát triển lĩnh vực y tế. Đầu tư đúng hướng không chỉ giúp TP nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe trong tương lai, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
“Để xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe, TP cần có sự đầu tư lớn, lâu dài và tập trung vào ba lĩnh vực cốt lõi. Đó là phát triển và ứng dụng công nghệ trong y tế; đẩy mạnh công nghệ sinh học và sản xuất cùng xuất khẩu thực phẩm chức năng. Đây là những lĩnh vực quan trọng, không chỉ giúp ngành y tế của TP bắt kịp xu hướng thời đại mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”, GS.BS Anh đóng góp ý kiến.
Song Hậu
Bình luận (0)