Trước mùa tuyển sinh ĐH – CĐ, sự dồi dào quá mức của sách tham khảo, sách luyện thi, sách bồi dưỡng… không những khiến cho HS mà ngay cả phụ huynh, giáo viên cũng đâm lo, “chẳng biết đường nào mà lần” khi mỗi môn học đều có ít nhất vài chục đầu sách.
Cả nhà cùng rối
Nếu như mùa tuyển sinh trước, chỉ với 30-40 đầu sách cho mỗi môn học, nhiều giáo viên đã phải loay hoay hướng dẫn học sinh của mình chọn được vài cuốn làm tài liệu thì năm nay số lượng đầu sách của mỗi môn thi gần như tăng gấp đôi. Theo nhân viên nhà sách Thăng Long, quận 1 thì, ngoài 5 nhà xuất bản lâu nay chiếm lĩnh thị trường như NXB ĐHQG Hà Nội, NXB ĐHQG TPHCM, NXB Giáo dục… thì thời gian gần đây hầu như NXB nào cũng tung ra nhiều đầu sách tham khảo, luyện thi càng làm cho số đầu sách tăng nhanh.
Số lượng đầu sách tham khảo quá lớn đã gây khó cho học sinh. Ảnh: Lê Tuyết
Chiếm số lượng lớn ở các kệ sách là các sách luyện thi khối A, sách tham khảo môn Anh văn. Tiêu biểu tại nhà sách Thăng Long, riêng môn toán đã có gần 100 đầu sách với đủ kiểu từ bài tập, sách chuẩn kiến thức, chuyên đề, luyện thi… đáng nói nhiều chuyên đề được “thể hiện” từ 3 đến 5 tập với giá mỗi cuốn “ngót nghét” 50.000 đồng. Đối với môn tiếng Anh, tại nhà sách Nhân Văn, quận 3 trưng bày khoảng 90 đầu sách, hóa học, vật lý từ 50 đến 60 đầu sách… Bạn Huy chuẩn bị thi vào ĐH Giao thông Vận tải, chia sẻ: “Năm ngoái, mình chọn sách tham khảo theo kiểu: Dày, bìa đẹp. Năm nay, có thêm kinh nghiệm rớt một năm ĐH nên mình thường đọc trước rồi mua nhưng mà hàng trăm cuốn chọn được 2 – 3 cuốn thì thật là khó”.
Quá rối với sách tham khảo, Ngọc Linh phó thác việc chọn sách cho mẹ. Cô Hà – mẹ của Linh cầm trên tay 5 cuốn sách ôn luyện ngữ văn thở dài: “Con nói mẹ có kinh nghiệm nhưng mẹ có biết kiến thức con thiếu, thừa chỗ nào, rồi cả kiến thức mới, kiến thức cũ. Sách nào cũng ghi: Dạy, học theo chuẩn kiến thức mới, biên soạn theo chương trình mới, có sách lại ghi được Bộ GD khuyến khích, cẩm nang không thể thiếu… Chẳng biết đâu mà lần. Mỗi môn tôi mua chừng 5 cuốn, đọc không được thì bỏ, xem như đánh rơi vài chục ngàn”. Cô Hà vừa nói vừa đi sang kệ sách môn tiếng Anh.
Duyệt sách tham khảo theo tiêu chuẩn nào?
Anh Lê Văn Phúc – giảng viên toán Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Thăng Long cho biết: “Thị trường sách tham khảo phong phú đến nỗi giảng viên cũng thấy “ngợp”, đối với học sinh luyện thi tốt nhất là mỗi môn chỉ nên chọn 2 hoặc 3 cuốn đặc sắc. Càng nhiều sách mình càng rối, đọc nhiều lại đâm lo”. Cũng theo anh Phúc, học sinh đọc sách tham khảo không phải học thuộc lòng lời giải từng bài mà là học cách làm bài, tư duy chặt chẽ, khoa học nhưng thật sự lựa được một cuốn sách hay không phải dễ khi mà thị trường sách bây giờ quá phong phú.
Theo nhân viên của nhà sách Nhân Văn thì số sách tham khảo bây giờ cũng chưa nhiều, một số NXB còn nhiều đầu sách sau đợt thi tốt nghiệp mới “tung hàng”, khi mà việc chuẩn bị cho mùa thi vào cao điểm. Bạn Huy sau khi đọc lướt qua các tựa sách, chia sẻ: “Từ kinh nghiệm sách dày, bìa đẹp năm ngoái, năm nay mình chọn sách theo tiêu chuẩn NXB, số lần tái bản và giá cả, còn tác giả là ai mình không quan tâm nhưng nhiều lúc cùng một NXB, nội dung gần giống nhau lại có vài cuốn sách khác nhau của các tác giả khác nhau, chẳng hiểu nổi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Truật – Phó Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “Không khó để xuất bản một cuốn sách nên thị trường hiện nay có rất nhiều đầu sách tham khảo của giáo viên, giảng viên cũng là một điều dễ hiểu. Hơn nữa, quyền công bố tác phẩm là quyền của mọi người, sau khi tác giả gửi bản thảo đến nhà xuất bản, biên tập chuyên môn xem xét nội dung. NXB chỉ can thiệp vào tính đúng, sai của cuốn sách còn việc hay, dở là do người đọc đánh giá. Không có tiêu chuẩn cho sách tham khảo, mà chỉ phụ thuộc vào sự đúng sai của kiến thức và sự đánh giá của biên tập viên. Sách tham khảo khác với truyện ở chỗ không đơn giản là mua nhầm sách dở là mất tiền mà quan trọng là mất thời gian của học sinh nên khi không có nhiều chuyên môn về lĩnh vực này thì nên hạn chế xuất bản ồ ạt”.
Lê Tuyết / Lao Động
Bình luận (0)