Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chuẩn bị cho năm học mới: Nỗi lo trường lớp xây chậm, giáo viên bỏ việc…

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Chiều 30-6, tại văn phòng UBND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà đã có buổi làm việc với ngành GD-ĐT thành phố. Nội dung buổi làm việc xoay quanh một số vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị tổng kết năm học 2007-2008 và kế hoạch triển khai cho năm học mới 2008-2009.

Chất lượng giáo dục giữa nội thành và ngoại thành được rút ngắn

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP năm học 2007-2008 ngành GD đã có nhiều bước chuyển biến tốt. Chất lượng giáo dục giữa khu vực nội và ngoại thành đã từng bước được rút ngắn khoảng cách.Công trình xây dựng Trường THPT Hiệp Bình (Thủ Đức) đến nay vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Ảnh: T.T.Q Nhiều trường nằm ở các quận ven và huyện ngoại thành như THPT Trung Phú, Tân Thông Hội, Quang Trung, Củ Chi … (huyện Củ Chi), THPT Nguyễn Hữu Cầu, Lý Thường Kiệt (huyện Hóc Môn), THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức)… không chỉ thu ngắn về chất lượng giáo dục mà còn vượt qua rất nhiều trường nằm ở các quận trung tâm liên tục trong nhiều năm liền. Đánh giá này thông qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt điểm số xếp hạng khá giỏi cao của các năm gần đây. Giải thích nguyên nhân, TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở  GD-ĐT cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TP.HCM cùng với sự quan tâm đầu tư của cấp ủy và chính quyền, nhiều trường học nằm ở khu vực ngoại thành đã được đầu tư cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị phục vụ cho dạy và học. Ngoài ra, ngành còn tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy mang đến hiêu quả giáo dục cao nhất”.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành GD-ĐT. “Tỉ lệ tốt nghiệp của TP.HCM năm nay đạt 93,45% xếp hạng II trong cả nước. Kết quả này rất đáng trân trọng vì đó là kết quả sự nỗ lực của thầy cô giáo và học sinh. Nhưng tôi nhận thấy vẫn còn một số đơn vị tỉ lệ tốt nghiệp còn quá thấp, đặc biệt rơi vào các trường dân lập. Vì vậy, đề nghị Sở GD-ĐT cần có kế hoạch rà soát kiểm tra và chấn chỉnh”. Bà Thu Hà nhấn mạnh: “Xã hội hóa là một chủ trương đúng đắn, nhưng không thể để một vài nơi “mượn” xã hội hóa để kinh doanh triệt để mà không mang lại lợi ích cho nhân dân”.

Được biết, thời gian vừa qua và cho đến thời điểm hiện nay, một số trường dân lập do cần thu nhận học sinh nên tiếp nhận rất dễ dãi còn đội ngũ giáo viên lại thiếu chọn lựa, hệ quả dẫn đến những kết quả không ai mong muốn. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tỉ lệ tốt nghiệp của những trường THPT đạt dưới 60% gần 20 đơn vị, trong đó có đơn vị chỉ đạt 44%.

Phụ cấp cho giáo viên từ 400 – 600.000 đồng/tháng?

Kết quả của Trường THPT Hiệp Bình sau 3, 4 năm khởi công? Ảnh: T.T.QVấn đề số lượng giáo viên mầm non bỏ việc nhiều là một vấn đề nóng tại buổi họp. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, cả thành phố có 244 giáo viên mầm non nghỉ việc, thực tế con số đó còn cao hơn nhiều. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non thẳng thắn nhìn nhận: “Số giáo viên mầm non bỏ việc của quận 1 báo cáo là 14, nhưng khi đi kiểm tra con số đó là 30, một số quận khác cũng vậy”. Theo nhận định của Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà và cả ông Huỳnh Công Minh, nguyên nhân chính dẫn đến việc giáo viên mầm non nghỉ việc nhiều vẫn là thu nhập còn quá thấp, trong khi thời gian làm việc của họ lại quá nhiều. Chia sẻ vấn đề này, bà Thu Hà hỏi: “Cán bộ phường, xã được thành phố phụ cấp 600.000 đồng/tháng đối với những người có bằng đại học chính quy và 400.000 đồng/tháng đối với người có bằng đại học tại chức. Chúng ta có thể vận dụng cách này cho giáo viên mầm non được không?”. Câu hỏi gợi ý này theo ông Huỳnh Công Minh là một phát kiến rất độc đáo và ông rất mong được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan.

Xây dựng mới trường lớp quá nhiêu khê

Vấn đề xây dựng trường lớp phục vụ cho năm học mới cũng gian nan không kém. Tiến độ thực hiện  đến thời điểm này chỉ có 22 dự án chờ thanh quyết toán và còn 31 dự án chờ… triển khai. Trong khi theo kế hoạch, ngành GD-ĐT sẽ thực hiện 311 dự án và không biết đến bao giờ mới hoàn thành đầy đủ các dự án? Với tiến độ thực hiện dự án chuyển tiếp hay dự án xây mới các trường học quá chậm như vậy đã gây cho ngành GD-ĐT thêm nhiều khó khăn. Chưa nói hiện nay cả TP.HCM còn 14 phường, xã chưa có trường mầm non? Tại buổi họp, ông Lê Văn Nhung, Phó trưởng phòng Văn xã văn phòng UBND TP.HCM cho biết: “Tuần vừa qua, Sở Kế hoạch và  Đầu tư gửi cho UBND TP công văn nội dung cho biết công trình Trường THPT bán công Nam Sài Gòn không thực hiện bằng nguồn ngân sách mà thực hiện theo phương án xã hội hóa”. Dự án Trường THPT bán công Nam Sài Gòn không biết bao lần họp và mấy lần thống nhất là sử dụng ngân sách, nhưng chỉ một công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư không đồng ý thì mọi thứ gần như “đổ sông đổ biển”. Đây là một mô hình mà không ít địa phương trong cả nước đến tham quan và học tập. Ngay cả như TP. Hà Nội luôn mong có được một trường mang mô hình như vậy. Do nhu cầu từ phía phụ huynh muốn con em mình được theo học một trường có cả chương trình Việt Nam và chương trình quốc tế với học phí thấp. Mô hình trường này đáp ứng được nhu cầu đó và đang trên đà phát triển. Mấy năm qua, thầy trò Trường Trung học Quốc tế Sài Gòn Việt Úc nằm trong hệ thống Trường THPT bán công Nam Sài Gòn phải di dời liên tục do chờ xây trường. Nhưng, nay không biết sẽ ra sao với công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM như lời của TS. Huỳnh Công Minh: “Gầy dựng một ngôi trường và để có thương hiệu là vô cùng khó khăn và gian nan, không lẽ chúng ta phải …”. Từ việc xây dựng rất nhiêu khê của Trường THPT bán công Nam Sài Gòn, nhiều người tâm huyết với ngành giáo dục đặt vấn đề là nếu Trường Nam Sài Gòn phải thực hiện theo mô hình xã hội hóa thì ngôi trường này có được xây dựng hay không? Chính thế, sự chia sẻ và phối hợp với ngành GD-ĐT từ các ban ngành là một điều vô cùng cần thiết, đặc biệt trong thời điểm hiện nay cả thành phố đang bức xúc về chuyện trường lớp.

T.T.Q

 

Bình luận (0)