Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Chuẩn bị cho phỏng vấn du học

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh TP.HCM tìm hiểu thông tin về trường, ngành học… tại một ngày hội du học

Sau thư giới thiệu (Letter of Recommendation hay Letter of Referee – LOR), bài luận cá nhân (Statement of Purpose – SoP), nhiều người xin học bổng du học còn phải tham gia vòng phỏng vấn với đại diện trường hoặc đơn vị cấp học bổng.

Trên thực tế đã có rất nhiều ứng viên không được cấp học bổng do thiếu kỹ năng, hay vụng về khi tham gia phỏng vấn.

Ghi nhớ những gì đã viết

Theo Nguyễn Hà Thanh, cựu sinh viên Trường ĐH Yale (Mỹ), thông thường đại diện các trường  (Course Coordinator/university representative) sẽ gửi thông báo về thời gian phỏng vấn qua địa chỉ email mà bạn cung cấp trong hồ sơ. Vì vậy, ứng viên nên thường xuyên kiểm tra email để không bị lỡ và có thời gian chuẩn bị cho buổi phỏng vấn (có trường hợp báo trước 18 giờ). Trước khi được phỏng vấn, ứng viên nên tìm hiểu những thông tin về đất nước, ngôi trường bạn đã nộp hồ sơ, về người đại diện sẽ phỏng vấn… Ví dụ, nước đó có nổi tiếng về ngành mà bạn đăng ký học không? Nếu có thì tìm những bằng chứng liên quan như thành tựu nổi bật, một vài người nổi tiếng trong ngành đó. Hay nước đó có đặc điểm gì mà bạn yêu thích. Về trường học, nên tìm tên một vài giáo sư hoặc công trình nghiên cứu nổi tiếng trong ngành đó. Hoặc tìm một vài điểm khác biệt của trường như phương pháp học tập, network, nghiên cứu, truyền thống… Rất nhiều trường khi gửi email hẹn lịch phỏng vấn sẽ cho biết tên, chức danh, lĩnh vực của người sẽ thực hiện phỏng vấn nên bạn có thể tìm thông tin về họ để chủ động hơn. Khi phỏng vấn (đa phần là phỏng vấn bằng hình thức trực tuyến), bạn nên giữ cho mình một tinh thần thật thoải mái và cứ trả lời một cách tự nhiên, lịch sự về những câu hỏi mà đại diện trường đặt ra.

“Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là bạn không được quên những gì đã viết trong hồ sơ gửi đi trước đó. Các trường ĐH rất coi trọng tính trung thực và thống nhất nên đừng ngạc nhiên khi thấy bị hỏi những câu mà rõ ràng bạn viết trong SoP rồi như “Tại sao lại muốn học ở nước đó”, “Tại sao chọn ngành/trường này”, “Bạn có kinh nghiệm gì”, “Động lực/mục tiêu đi học của bạn là gì”. Có thể bạn viết chưa rõ lắm nên người ta muốn hỏi thêm, nhưng nhiều hơn là họ muốn kiểm chứng độ “thật” những gì mà bạn viết. Phần lớn tâm lý của người phỏng vấn thường mặc định là nói dối thì không lưu loát và không có cảm xúc nên nếu bạn trình bày mục tiêu đi học bằng cái giọng đều đều, không thấy được cảm xúc hoặc sự đam mê trong cách thể hiện, hay ngẫm nghĩ một lúc lâu hoặc nói khác với SoP về lý do chọn ngành thì người phỏng vấn sẽ nghi ngờ bạn. Theo đó, họ sẽ vặn vẹo, hỏi bạn nhiều điều để xác nhận thông tin. Do đó, để không mất điểm, bạn nên ghi nhớ và thể hiện một cách chân thực về những gì bạn đã viết”, Nguyễn Hà Thanh nói.

Giữ thái độ tự nhiên

“Có thể nhiều bạn cho rằng, trượt trường này thì còn những trường khác. Điều này cũng có lý vì giữa hàng loạt học bổng được các trường cung cấp để hút sinh viên quốc tế, bạn có quyền nộp hồ sơ bất cứ nơi nào mình muốn nếu có đủ khả năng. Tuy nhiên, sẽ có nhiều người tiếc nuối vì để trượt mất học bổng ở ngôi trường mà họ mơ ước được học”, Nguyễn Hà Thanh, cựu sinh viên Trường ĐH Yale (Mỹ), chia sẻ.

Lê Ngọc Chiến, cựu sinh viên Trường ĐH Umass Dartmouth (Mỹ), cho biết một trong những yếu tố rất được đại diện các trường coi trọng là cái “tôi” cá nhân. Vì vậy, bạn đừng ép mình theo một khuôn mẫu nào, hãy cứ trả lời một cách tự nhiên những gì mình nghĩ. Ngay cả khi chưa kịp nghĩ ra câu trả lời cho một câu hỏi khó nào đó, bạn có thể nói đùa một vài câu để tạo tâm lý thoải mái và… câu giờ. Đó cũng là cách thể hiện sự tự tin và làm chủ tình huống đó của bạn. “Khi phỏng vấn tôi, đại diện Trường ĐH Umass Dartmouth hỏi: “Có nhiều hồ sơ nộp vào trường lắm, tính cạnh tranh cao, lỡ bạn trượt thì sao?”. Tôi trả lời ngay: “Ừ, thì tôi sẽ ứng tuyển lại vào lần sau. Tôi rất thích ngôi trường này, nhất là ngành tôi đăng ký học”. Gần kết thúc thời gian phỏng vấn, tôi hỏi người đại diện trường có thắc mắc gì không? Vì tôi học ngành kinh doanh tài chính quốc tế nên đại diện trường đã hỏi tiếp một vài câu hỏi liên quan đến ngành này, chắc là để xem hiểu biết của tôi tới đâu. Vì thế, bạn cũng cần chuẩn bị một số kiến thức liên quan đến chuyên ngành, chủ yếu là từ thực tế các kênh truyền thông để ứng phó với tình huống này”, Lê Ngọc Chiến chia sẻ.

Bài, ảnh: Linh Vy

 

Chuẩn bị tốt mọi thứ

Vì phần phỏng vấn từ đại diện các trường được thực hiện trực tuyến nên lời khuyên của Lê Ngọc Chiến, cựu sinh viên Trường ĐH Umass Dartmouth (Mỹ), là ứng viên nên có sự chuẩn bị tốt cho phần này. Trước giờ phỏng vấn nên kiểm tra Skype, tốc độ đường truyền, webcam, microphone… Đặc biệt, nên chọn một vị trí đủ ánh sáng, yên tĩnh để cuộc phỏng vấn không bị gián đoạn hoặc bị ai đó làm phiền. Ngoài ra, ứng viên cũng cần lưu ý vấn đề trang phục, không ăn mặc quá phản cảm, hở hang hoặc quá lịch sự để tạo thiện cảm với người phỏng vấn.

 

Bình luận (0)