HS một trường tiểu học tại tỉnh Hòa Bình trong giờ học theo CT VNEN |
Năm học 2014-2015, cả nước có 2.500 trường tiểu học triển khai mô hình trường học mới (VNEN). Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng tiến hành thí điểm mô hình VNEN tại 48 trường THCS của 6 tỉnh trên cả nước là Khánh Hòa, Hòa Bình, Kon Tum, Đắk Lắk, Hà Giang, Lào Cai. Trong khi đó, dự án VNEN được Liên Hiệp Quốc tài trợ với nguồn vốn không hoàn lại chỉ đến năm 2015 là kết thúc. Nhiều phụ huynh băn khoăn liệu mô hình này sẽ còn được thực hiện sau 2015 cùng với chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) mới không?
Sẽ triển khai ở cấp THCS
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết trong CT giáo dục hiện hành có quan tâm đến phát triển năng lực nhưng chúng ta đã hình dung một cách đơn giản: Có kiến thức, có kỹ năng thì có năng lực, mà chưa hình dung được hết kỹ năng là điều kiện cần thiết để thể hiện năng lực, chưa hình dung đủ các yếu tố để đảm bảo phát triển năng lực. Mô hình VNEN là một cách để đổi mới giáo dục, người giáo viên (GV) lên lớp lấy HS làm trung tâm, HS được học theo nhóm, được phát triển toàn diện năng lực của mình. Năm học 2014-2015, Việt Nam có khoảng hơn 2.500 trường tiểu học triển khai mô hình VNEN. Bộ cũng thí điểm triển khai VNEN tại 48 trường tiểu học tại 6 tỉnh. Trước băn khoăn lo lắng của phụ huynh có con em đang học tại các trường tiểu học triển khai mô hình VNEN liệu lên THCS con cái họ có được tiếp tục theo mô hình này không, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sang năm học tới, quan điểm của Bộ GD-ĐT là tất cả các HS tiểu học đã học mô hình này thì lên THCS sẽ được học tiếp. Các địa phương phải chuẩn bị điều kiện để thực hiện triển khai CT này. Ngoài ra, Thứ trưởng Hiển cho hay sau 2015, Việt Nam sẽ thực hiện CT-SGK mới và VNEN cũng là một trong những mô hình được áp dụng trong cả nước. Nhưng bên cạnh đó cũng có những mô hình khác. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, cũng giống như một CT và nhiều bộ SGK.
Chuẩn bị đội ngũ GV
PGS. Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết khi sinh viên mới tốt nghiệp về trường, kể cả sinh viên tốt nghiệp loại giỏi thì nghiệp vụ sư phạm của họ vẫn chỉ là tờ giấy trắng! PGS. Hòa đề xuất cần phải tăng thời gian đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các trường ĐH sư phạm. Còn TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thì cho rằng hiện nay, bồi dưỡng GV đang có vấn đề. Trong khi đó, sắp tới nếu triển khai mô hình VNEN tại cấp THCS, chúng ta sẽ phải cần thêm một lượng lớn đội ngũ GV. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận, công tác bồi dưỡng GV của chúng ta hiện chưa sát với thực tế. Bồi dưỡng qua cán bộ cốt cán của tỉnh, rồi của huyện rồi mới về đến trường. Sắp tới, bộ sẽ tiến hành đổi mới bồi dưỡng. Đó là sẽ bồi dưỡng trực tiếp cho GV. Muốn thế phải ứng dụng CNTT qua mô hình trường học kết nối. Ngoài ra, sẽ bồi dưỡng theo hai hình thức: Bồi dưỡng những yêu cầu bắt buộc phải học và GV được chọn những gì thiếu để được bổ sung. Như vậy, các GV sẽ không được bồi dưỡng giống nhau. Bên cạnh đó, là người trực tiếp quản lý, GS. Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng sẽ không có cách nào khác đó là GV phải luôn tự học. Nếu GV đều gương mẫu, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định thì mọi việc sẽ thành công.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)