Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chuẩn bị đón luồng đầu tư mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong khi tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm nay cũng như thời gian tới đây chưa cho thấy sự khởi sắc, thì thông tin từ Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết chỉ trong sáu tháng đầu năm 2011, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 85 dự án với tổng vốn đăng ký gần 500 triệu USD, đứng thứ tư trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, là một tín hiệu vui.


Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Tempearl Việt Nam – công ty 100% vốn của Nhật Bản – tại Khu chế xuất Tân Thuận

Được biết, hiện có đến 971 dự án đầu tư từ Nhật Bản vào nước ta với tổng vốn đăng ký 18,45 tỉ USD, trong đó chiếm nhiều nhất là các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Phải chăng vì vậy mà tại Hội nghị xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản vào Đồng Nai do Bộ Kế hoạch – Đầu tư và tỉnh này tổ chức hôm 29/7, nhiều chuyên gia cho rằng đang có một dòng đầu tư mới của Nhật vào địa phương này.

Trong danh sách những nhà đầu tư mới được cấp phép ở Đồng Nai có mặt những nhà đầu tư tầm cỡ như Brother, Tiger, Daitoh Industry… Nếu như Onishi chuyên sản xuất các loại máy khoan thì Daitoh Industry sản xuất các loại máy sản xuất chất bán dẫn, tấm hiển thị tinh thể lỏng và tấm pin năng lượng mặt trời…, là những ngành công nghệ Việt Nam đang cần để kích hoạt ngành công nghiệp phụ trợ vốn im ắng nhiều năm qua.

Đặc biệt chỉ trong thời gian ngắn đã có năm nhà đầu tư mới của Nhật được cấp phép tại Đồng Nai, tuy chỉ là những nhà đầu tư nhỏ nhưng hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, công nghệ cao.

Không chỉ riêng Đồng Nai, Sở Kế hoạch – Đầu tư Hải Phòng cũng cho biết từ đầu năm đến nay rất nhiều nhà đầu tư Nhật đã đến tìm cơ hội làm ăn tại thành phố cảng nhộn nhịp này. Chẳng hạn như Công ty Kyocera Mita với số vốn đăng ký là 187 triệu USD, còn tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore từ đầu năm đến nay số lượng các nhà đầu tư Nhật được cấp phép chiếm đến 50% tổng số nhà đầu tư nước ngoài mới.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư nói trên, các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn trong thu hút đầu tư từ Nhật không khác gì làn sóng đầu tư đầu tiên trong thập niên 1990. Thế nhưng, tuy có nhiều lợi thế nhưng những điểm yếu của Việt Nam không phải là ít khi so sánh với một số nước trong khu vực, trong đó việc thiếu điện và cơ sở hạ tầng kém là những yếu tố khiến các nhà đầu tư Nhật quan ngại hơn cả.
Một nhà đầu tư đến từ Osaka còn cho rằng rất nhiều nhà đầu tư ở Nhật không có đủ thông tin về Việt Nam do công tác xúc tiến đầu tư của Việt Nam chưa được đẩy mạnh.
Hiện nay nhiều khu công nghiệp đang lên kế hoạch đón dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản và đặc biệt là từ các nhà đầu tư Nhật ở Trung Quốc đang muốn chuyển nhà máy sang Việt Nam.
Ông Toshio Kazama, Tổng giám đốc Công ty Phát triển khu công nghiệp Long Bình – đơn vị liên doanh với Tập đoàn Sojitz Nhật Bản, cho biết đang xúc tiến nhanh việc thành lập một khu công nghiệp ở Đồng Nai để có thể đón những nhà đầu tư mới này từ cuối năm nay.
Nhận định của ông Toshio Kazama chắc hẳn phải dựa trên một thực tế là đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc gần đây đã không còn thuận lợi như trước bởi những vướng mắc về ngoại giao khiến các công ty Nhật thấy cần thiết phân tán nguồn vốn để tránh rủi ro.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, đồng nhân dân tệ tăng giá, đất đai bị cấm cho thuê với giá rẻ, lương tối thiểu tăng lên, tỷ lệ hoàn lưu thuế xuất khẩu bị điều chỉnh thấp xuống là những lý do khiến giá thành sản phẩm ở Trung Quốc tăng cao, do đó một số ngành nghề và hình thái sản xuất không còn có thể sinh lợi được nữa.
Trong bối cảnh có biến đổi về chính sách nhằm đi đến mô hình đầu tư “Trung Quốc cộng một” ở Nhật Bản, tức đầu tư chủ lực vào Trung Quốc và thêm một trong số các nước Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Việt Nam nhờ gần với Trung Quốc về địa lý, ít có rủi ro về chính trị, cơ chế kinh doanh lại giống với Trung Quốc, nên có nhiều cơ hội trở thành điểm đến của các công ty Nhật Bản đang cần mở rộng hoặc di dời công xưởng.
Cách đây hơn bốn năm, đáp ứng thông tin về xu hướng di dời này, ông Mizumo Masumi, giám đốc một công ty tư vấn đầu tư của Nhật ở Trung Quốc, đã thực hiện một chuyến tìm hiểu tại Việt Nam.
Trong một bản đúc kết nghiên cứu sau đó, ông so sánh điều kiện đầu tư tại Việt Nam và Trung Quốc và cho rằng đối với một số xí nghiệp Nhật Bản, việc tìm ra nơi để di dời là hết sức cấp thiết, trong đó Việt Nam chắc chắn sẽ là một điểm nhắm quan trọng và có thể thực hiện trong vài năm tới.
Những gì mà ông Mizumo Masumi viết ra rất đáng cho chúng ta quan tâm để thu hút được không chỉ các công ty Nhật mà còn cả các nước khác. Theo ông, Việt Nam đi sau Trung Quốc 20 năm trong việc chuẩn bị hệ thống luật pháp, từ 15 đến 20 năm trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, 10 năm trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.
Chính sách tổng quát của Việt Nam là hoan nghênh đầu tư nước ngoài nên đối với những ngành nghề không còn là đối tượng được hưởng ưu đãi ở Trung Quốc thì có thể nói Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhưng không phải là môi trường đầu tư có đủ mọi chức năng.
Trong tương lai, với sự lớn mạnh của khu vực đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể thay đổi chính sách, tạo ra những khó khăn, hạn chế như trường hợp Trung Quốc. Và đây là điểm cần phải lưu tâm.
Những điểm chính trong nhận định của ông, chủ yếu là so sánh các điều kiện liên quan đến đầu tư tại Trung Quốc và Việt Nam, có thể tóm lược như sau:
– Các khu công nghiệp Việt Nam đều do tư bản nước ngoài đầu tư thì tình trạng chuẩn bị tốt, cơ sở hạ tầng không thua gì những khu công nghiệp của Trung Quốc. Nhưng tất cả những khu công nghiệp này, quy mô đều nhỏ so với Trung Quốc.
– Việc xây dựng cơ sở hạ tầng đi quá mức ở Trung Quốc đã làm kinh tế méo mó nhưng ở một khía cạnh nào đó đây lại là điểm mạnh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. So với Trung Quốc, hạ tầng cơ sở của Việt Nam vừa nhỏ lại yếu kém nên khó có thể hấp thu hết dòng chảy dồn dập của tư bản. Nếu việc xây dựng hạ tầng cơ sở vẫn liên tục chậm trễ thì trong tương lai gần có thể việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ gặp trở ngại trầm trọng.
– Việt Nam không có nhiều lao động nói được tiếng Nhật so với Trung Quốc, trong khi phía Nhật Bản, nhân viên của những công ty vừa và nhỏ, khả năng nói tiếng Anh rất hạn chế cũng là vấn đề khó khăn khi nghĩ đến việc đầu tư ở Việt Nam.
– Xí nghiệp Nhật Bản thường định mức lương cho công nhân cao hơn lương tối thiểu nên tính ra có thể nói là lương ở Việt Nam chỉ bằng từ 50 đến 70% lương ở Trung Quốc. Tại Trung Quốc, phần lớn công nhân ở xa nhà nên xí nghiệp thường phải xây cất ký túc xá cho công nhân. Ở Việt Nam, dẫu xa nhà, hầu hết công nhân đều tự lo liệu chỗ ở, nên nếu tính thêm những phí tổn gián tiếp này thì phí tổn cho công nhân ở Việt Nam lại còn rẻ hơn nữa.
– Về thuế thu nhập cá nhân, cả hai nước đều đánh thuế lũy tiến đối với thu nhập cá nhân vượt mức. Mức thuế ở Trung Quốc là từ 5 đến 45%, và ở Việt Nam là từ 10 đến 40%.
Cách tính thuế thu nhập có nhiều chỗ khác nhau nhưng đối với người nước ngoài thì cả hai nước đều có mức thuế bình quân vào khoảng 30% nên có thể nói là có cùng tiêu chuẩn với nhau. Nói chung, thuế thu nhập cá nhân ở cả hai nước đều cao.
Riêng về thuế lưu chuyển, ở Trung Quốc, buôn bán phải đóng thuế giá trị gia tăng (mức thuế trung bình khoảng 17%), và dịch vụ phải đóng thuế kinh doanh (mức thuế trung bình khoảng 5%). Thuế VAT ở Việt Nam có mức trung bình khoảng 10%.
Mặt khác, ở Việt Nam, những thiết bị mà nhà đầu tư nước ngoài cần nhập khẩu để sản xuất, theo nguyên tắc, tất cả đều được miễn thuế. Thuế VAT đối với thiết bị văn phòng, theo nguyên tắc, đều được miễn.
Cuối cùng, chuyên gia tư vấn nhiều kinh nghiệm này kết luận trong bản nghiên cứu của mình rằng dù thế nào đi nữa, tình trạng của Việt Nam hiện nay giống với tình trạng của Trung Quốc khoảng 15 hay 20 năm về trước. Thế nhưng vẫn có thể hy vọng ở sự phát triển của Việt Nam và thật sự đây là một đất nước có tiềm năng.
PHẠM THÀNH SƠN
Theo DNSG

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)