Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuẩn bị gắn nhãn chất lượng cho trường phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục ở phổ thông từ bậc tiểu học, THCS đến THPT.

Chuẩn bị cho việc “gắn nhãn chất lượng” các trường phổ thông, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã tổ chức buổi “Tập huấn tự đánh giá của cơ sở giáo dục phổ thông” cho các cơ sở giáo dục phía Nam, trong ba ngày, từ ngày 26 đến 28/4, tại TPHCM.
Mỗi sở GD-ĐT thí điểm đánh giá 10 trường
Tiến sĩ Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết, trong năm học 2008 – 2009, mỗi Sở GD-ĐT phải triển khai đánh giá 2,5% số trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Trước mắt, mỗi sở sẽ thí điểm kiểm tra, đánh giá 10 trường dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành; chuẩn bị triển khai chủ đề năm học 2009 – 2010 là năm đánh giá chất lượng giáo dục.

Trong thời gian tới, các trường sẽ tự căn cứ vào các tiêu chí Bộ GD-ĐT quy định để đánh giá hiện trạng cơ sở mình có đáp ứng tiêu chuẩn đề ra hay chưa. Ảnh: Q.D.

Theo tiến sĩ Đỗ Anh Dũng, chuyên viên phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, thời gian các cơ sở giáo dục đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục là tháng 11 hoặc tháng 3 hằng năm. Đối tượng đăng ký kiểm định bao gồm: THCS, THPT có đủ các khối lớp, có ít nhất một khóa học sinh đã hoàn thành chương trình cuối cấp, trường tiểu học chưa đạt chuẩn quốc gia và kể cả trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên.

Trường tiểu học sẽ có chu kỳ kiểm định 5 năm một lần, THCS và THPT là bốn năm một lần theo ba cấp độ. Cấp độ 1 phải đạt 50 – 65% số tiêu chí; cấp độ 2 từ 65 đến 80% và cấp độ 3 là 80% trở lên.
Vùng sâu, vùng xa: khó có trường đạt chuẩn
Tiến sĩ Hà Đức Vượng, Trưởng phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết: “Trong thời gian tới, các trường sẽ tự căn cứ vào các tiêu chí Bộ GD-ĐT quy định để đánh giá hiện trạng cơ sở mình có đáp ứng tiêu chuẩn đề ra hay chưa, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, từ đó định ra kế hoạch cải tiến chương trình đào tạo và cơ sở vật chất của trường mình. Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: tự đánh giá, đánh giá ngoài cơ sở đào tạo và công nhận, công khai kết quả kiểm định”.
Việc các trường rà soát lại hoạt động và  xây dựng báo cáo tự đánh giá, được xem như việc tự “gắn nhãn” cho trường. Rồi sau đó, các cấp quản lý địa phương sẽ thẩm định báo cáo tự đánh giá và tổ chức đánh độc lập. Bước cuối cùng, Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định báo cáo của địa phương và tổ chức công nhận kiểm định chất lượng thông qua hội đồng kiểm định chất lượng quốc gia. Tất cả sẽ phải làm từng bước bởi rất nhiều trường vùng sâu, vùng xa sẽ không có nổi một trường đạt chuẩn như yêu cầu của bộ tiêu chí.
Khảo sát của Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục cũng cho thấy, đối chiếu với những điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng thì cơ sở vật chất của nhiều trường vẫn còn rất thiếu thốn, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Tình trạng học hai ca vẫn còn phổ biến và sĩ số học sinh trong một lớp thường cao hơn tiêu chuẩn (48 – 50 học sinh). 
Cũng theo tiến sĩ Vượng, hiện trên thế giới có ba môn hình kiểm định chất lượng giáo dục: kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và quản lí chất lượng tổng thể. Việt Nam đang thực hiện mô hình kiểm soát chất lượng. Mô hình này đang phải đối mặt hai bài toán nan giải: quy mô dân số Việt Nam ngày càng tăng, kinh phí thực hiện mô hình này khá tốn kém.
Giáo dục các cấp học ở Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình trạng chất lượng giáo dục chưa đáp ừng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, việc triển khai kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông là việc làm hết sức cấp bách.
Tuy nhiên, tiến sĩ Vượng cho rằng: “Việc tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông là quá trình tính bằng chục năm, chứ không phải một vài năm”. Thực tế cho đến nay, Bộ GD-ĐT chỉ mới thông qua hai văn bản hướng dẫn sử dụng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng THCS và THPT, bậc tiểu học vẫn còn là dự thảo…
Theo baodatviet.vn

Bình luận (0)