Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuẩn bị gì cho bé học mầm non?

Tạp Chí Giáo Dục

“Mỗi buổi sáng, để đưa được cu Bin đến trường là cả một quá trình vất vả của gia đình tôi. Không hiểu sao Bin ghét đi học đến thế? Tôi cứ phải nói dối cho Bin về nhà ngoại chơi thì cu cậu mới chịu ngồi im trên xe…”. Đó là một trong nhiều lá thư gửi đến Tuổi Trẻ than thở về những khó khăn khi cho bé đi học trường mầm non.
Trước khi đi học chính thức, phụ huynh hãy cho bé đến trường mầm non vui chơi để bé làm quen với không khí ở đây. Trong ảnh: phụ huynh cho con đến Trường mầm non 19-5, Q.10 chơi để chuẩn bị cho bé đi học chính thức -Ảnh: H.HG.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Th.S Lê Thị Liên Hoan – phó trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM. Bà cho biết:
– Phần lớn trẻ ở lứa tuổi mầm non đều có sự miễn cưỡng khi phải xa người thân để đến một môi trường mới lạ. Lần đầu tiên bé đi học không phải là chuyện đơn giản đi từ nhà đến trường. Nếu phụ huynh không có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, trẻ rất dễ bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ sau này.
Nhưng trước hết, tôi khuyên phụ huynh hãy chuẩn bị tâm lý cho chính bản thân mình. Hầu hết phụ huynh tỏ ra lo lắng, không tin tưởng vào nhà trường như: không biết cô giáo có thương yêu con mình không, có cho bé ăn uống đầy đủ không, bé khóc cô có dỗ không… Có phụ huynh còn òa khóc khi để con lại trường, có chị vừa nhìn con lưu luyến vừa lau nước mắt. Các nhà tâm lý đã kết luận: lần đầu tiên đi học, đa số sự sợ hãi của trẻ đều bắt nguồn từ tâm lý bất ổn của cha mẹ mình.
* Thế nhưng chuyện lo lắng là điều không thể tránh khỏi đối với các bậc làm cha làm mẹ?
Nên dành thời gian đưa đón con đi học
Một điều cần lưu ý là phụ huynh nên dành thời gian để đưa đón con đi học trong những ngày đầu, đừng để người thiếu hiểu biết hoặc người mà bé không tin cậy đưa đi. Thời gian ở lại trường cứ tăng dần chứ không đột ngột để bé ở lại trường từ sáng đến chiều ngay trong ngày đi học đầu tiên.
Ví dụ: ngày thứ nhất: mẹ và con cùng ở trong lớp từ 1-2 giờ (mẹ sẽ cùng cô giáo chăm sóc con), ngày thứ hai: hơn 2 giờ, ngày thứ ba: 3 giờ, ngày thứ tư: cả buổi sáng… Các trường hiện nay đều cho phép học sinh đem theo đồ dùng thân thiết của mình đến trường như gối ôm, mền, con gấu… Nó có tác dụng như một người thân của bé ở trường.
Th.S LÊ THỊ LIÊN HOAN
– Đương nhiên, khi giao đứa con mình rứt ruột sinh ra cho người lạ chắc chắn sẽ không yên tâm. Mà sự không yên tâm ấy khó có thể giấu giếm được. Trẻ em rất nhạy cảm, bé sẽ “đọc” được ngay tâm trạng của bố mẹ mình. Chỉ có một cách duy nhất: phụ huynh hãy đến trường mầm non tìm hiểu cặn kẽ về mọi hoạt động: học sinh ăn uống như thế nào, học và chơi, ngủ nghỉ ra sao… Lẽ thường khi ta biết rõ ràng về một vấn đề nào đó sẽ yên tâm hơn.
Ngày nay, các trường mầm non ở TP.HCM đều tạo điều kiện tối đa cho phụ huynh tham quan, tìm hiểu chế độ học tập, sinh hoạt của học sinh. Thông qua việc tìm hiểu này, phụ huynh sẽ tập cho con mình ăn uống, sinh hoạt theo thời gian biểu gần giống như ở trường. Ví dụ: 10g30 các bé ở trường mầm non ăn trưa thì ở nhà ta cũng cho bé ăn vào giờ đó để khi đi học bé không phải thay đổi lịch sinh hoạt.
* Còn về phía học sinh, phụ huynh cần chuẩn bị những gì, thưa bà?
– Trước khi cho bé đi học vài tháng, phụ huynh cần nói chuyện nhiều lần với bé, “vẽ” ra một bức tranh thú vị về ngôi trường mà bé sẽ đến học (một số phụ huynh rất sai lầm khi thường xuyên đem nhà trường và cô giáo ra dọa: “Con không chịu ăn, mai cho đi học, bị bỏ đói cho biết”, “Con hư quá, kêu cô giáo đến đánh đòn”…
Từ đó bé có ác cảm với chuyện đi học). Trong quá trình nói chuyện hãy giải thích cho bé hiểu khi con đi học thì cha mẹ, ông bà làm gì; rằng con chỉ ở trường ban ngày thôi, buổi chiều bố mẹ lại đón về nhà. Ngoài ra, người chăm sóc bé (có thể là ông bà, bố mẹ…) nên cho trẻ đến thăm và ở lại chơi trong khuôn viên trường để bé làm quen với không khí của trường mầm non.
Khi chuẩn bị quần áo, vật dụng cho bé đi học, phụ huynh hãy thực hiện trước mặt bé, thông báo cho bé biết: “Mẹ chuẩn bị cho con đi học đấy”. Những lúc đưa bé đến trường, phụ huynh hãy trò chuyện vui vẻ, thân mật với cô giáo trước mắt bé. Điều này tưởng đơn giản nhưng lại rất quan trọng: về mặt tâm lý khi trẻ thấy ông bà hoặc bố mẹ mình (những người yêu thương, gần gũi với bé) tỏ ra thân thiết với giáo viên thì trẻ sẽ có cảm giác cô giáo cũng yêu thương, gần gũi với mình.
* Thưa bà, như vậy lứa tuổi nào bé có thể đi học ở trường mầm non?
– Thời gian đi học tốt nhất là sau hai tuổi, tức là khi cháu bước vào tuổi thứ ba. Nếu cho bé đi học sớm quá sẽ gây hậu quả không tốt đối với sự phát triển của bé dù áp dụng bất cứ biện pháp nào. Bởi đặc điểm tâm sinh lý của trẻ dưới ba tuổi chưa thể thích nghi được với việc tách rời người thân. Về thể chất cũng vậy: sức đề kháng yếu, bé dễ lây bệnh từ cộng đồng. Lứa tuổi này cần được ôm ấp, vuốt ve, cần sự gần gũi của người thân (hoạt động chủ đạo là hoạt động giao lưu tình cảm với người thân).
Trẻ dưới ba tuổi chưa có nhu cầu chơi với bạn đồng lứa mà có khuynh hướng thích chơi một mình. Bé chưa có sự nhận thức về sự bất biến của sự vật. Ví dụ: mẹ giao bé cho cô giáo rồi đi làm, không thấy mẹ ở trong lớp, bé cứ tưởng mẹ đi mất luôn, bỏ rơi bé. Vì thế nên nhiều bé sợ hãi, khóc ré lên khi mẹ quay bước.
Theo các nhà giáo dục Pháp, cảm giác bị bỏ rơi là cảm giác khủng khiếp nhất của đứa trẻ. Thế nên phần trên tôi mới khuyên phụ huynh giải thích cho con em mình rằng khi con đi học thì bố mẹ đi làm là vì vậy. Một điều rất quan trọng là trẻ dưới ba tuổi cần sự chăm sóc 1: 1. Điều này không thể có ở bất cứ trường học nào.
HOÀNG HƯƠNG thực hiện (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)