Đây là băn khoăn của nhiều học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây (Q.Thủ Đức) gửi đến các chuyên gia trong chương trình tư vấn kỹ năng học đường lần 3 năm học 2019-2020 với chủ đề “Tinh thần khởi nghiệp trong kỷ nguyên số” diễn ra sáng 23-12.
Em Ngọc Minh (lớp 12C1 Trường THPT Đào Sơn Tây) băn khoăn làm sao để thuyết phục cha mẹ khi lựa chọn khởi nghiệp trái với mong muốn của gia đình
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH FPT tổ chức, với mục tiêu giúp các em học sinh THPT tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân, nuôi dưỡng khát vọng làm giàu, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Tại chương trình, TS. Bùi Quang Tín (chuyên gia tài chính khởi nghiệp, phụ trách Phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho biết khởi nghiệp là bắt đầu một nghề, từ đó tạo ra thu nhập cho bản thân người thực hiện khởi nghiệp; đồng thời tạo ra những giá trị khác cho xã hội như công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội… Để khởi nghiệp thành công cần đến một quá trình chuẩn bị lâu dài, thậm chí có thể trải qua nhiều vấp ngã, thất bại mới có thể đi đến thành công. Do vậy, để trong tương lai khởi nghiệp thành công, ngay từ trên ghế nhà trường phổ thông, các em cần chuẩn bị hành trang cho mình, từ xác định năng lực, nghề nghiệp đến việc hình dung về khái niệm khởi nghiệp cũng như chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho mình.
Bày tỏ băn khoăn với ban tư vấn, em Ngọc Minh (lớp 12C1) cho biết: “Khi em chia sẻ với cha mẹ rằng: Sắp tới con muốn đăng ký vào ngành học này thì cha mẹ lại khuyên nên chọn ngành học kia hoặc ngành học có người quen đang làm việc để về sau dễ dàng xin việc. Dù em có thuyết phục cách nào cha mẹ vẫn không từ bỏ mong muốn em học ngành đó mà không nghĩ rằng đó không phải là mong muốn của em?”. Với băn khoăn này, ông Tín đưa ra lời khuyên: “Một trong 3 sai lầm lớn nhất khi chọn ngành nghề, đó là chọn theo sự áp đặt của cha mẹ. Các em chọn ngành nghề là chọn tương lai, nếu chọn ngành nghề mà mình không có đam mê thì trong 4 năm học sẽ rất áp lực, ra trường không thể xin việc, hoặc khó gắn bó với công việc lâu dài. Lúc này, quá trình khởi nghiệp chưa bắt đầu mà đã thất bại. Do đó, các em cần lựa chọn ngành nghề mà mình thật sự thích thú, đam mê và có khả năng làm được tốt nhất”.
Tuy nhiên, theo ông Tín, để cha mẹ thay đổi quan điểm thì trước hết học sinh phải tạo được niềm tin, khẳng định sự lựa chọn của bản thân là nghiêm túc sau quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng, rõ ràng. “Các em cần phải biết rõ bản thân muốn gì? Làm được gì? Đồng thời các em cũng phải thể hiện sự quyết tâm bằng việc nghiêm túc học tập, nghiêm túc với mong muốn chọn ngành nghề đó. Hãy thể hiện năng lực của mình một cách tốt nhất trong lĩnh vực đó, tôi tin rằng cha mẹ sẽ tin tưởng và không gây áp lực khi các em lựa chọn tương lai của chính mình”, ông Tín nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Hoài Thương
Bình luận (0)