Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Chuẩn bị nguồn nhân lực trước khi đổi mới

Tạp Chí Giáo Dục

Đổi mới là một trong những điều khó làm nhất. Song nếu bạn vẫn lưỡng lự không tiến hành những đổi mới cần thiết thì kết quả sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.

Do đó, một khi có những vấn đề mới nảy sinh trong doanh nghiệp, để thích nghi tốt hơn và nắm bắt những cơ hội trong điều kiện kinh doanh mới, tốt nhất bạn nên chấp nhận sự thay đổi, nhưng đừng quá vội. Thay vào đó, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi quan trọng như sau trước khi hành động:

Những sai sót hiện tại là gì? Nếu vấn đề về doanh thu, tuyển dụng lao động, công việc bán hàng hay nhuệ khí làm việc của toàn bộ tổ chức bị xuống dốc thì đấy là những triệu chứng cho thấy đang tồn tại rắc rối cần được giải quyết. Nhưng các biểu hiện ấy không phải là nguyên nhân để bạn phải dập tắt ngay tức khắc. Cần thiết tìm hiểu sâu hơn, cẩn trọng hơn các sự việc trước mắt để nhận dạng và chỉnh sửa đúng điều cốt lõi thực sự của vấn đề.

Mọi nhân viên có nhất trí với bạn? Đôi khi chỉ có bạn là người duy nhất trong công ty nhận thấy điều sai lầm ấy vì tầm nhìn của bạn xa hơn, cao hơn. Nhưng không vì thế mà bạn có thể bỏ qua việc chỉ rõ và đưa ra ví dụ về một khuyết điểm đang tồn tại. Liệu nhân viên của bạn có thấy được các vấn đề bạn chứng kiến? Sự đổi mới chỉ thật sự thành công khi mọi người trong tổ chức nhìn thấy tầm quan trọng của nó.

Bạn đã lựa chọn được những cá nhân quan trọng cùng bạn thực hiện công việc đổi mới? Một nhà lãnh đạo giỏi luôn có một nhóm cá nhân xuất sắc nắm bắt tốt nguyên nhân và hướng xử lý cho những điều nan giải. Các cá nhân ở các phòng ban khác nhau thường nhìn nhận một vấn đề theo nhiều hướng khác nhau. Vì thế, nhiệm vụ của bạn là tập hợp họ lại, xác định và chỉ rõ mục đích chung, hướng đi chung cho mọi người. Từ đó nỗ lực đóng góp và sự thống nhất của nhóm chủ chốt sẽ tạo ra kết quả như mong đợi.

Bạn đã có một kế hoạch chỉnh đốn? Cùng với nhóm chủ chốt, bạn hãy thiết kế kế hoạch loại trừ những rắc rối cũng như tạo nên một hệ thống phòng ngừa chúng sẽ tái phát sinh. Kế hoạch phải phát hiện được những sai sót ở nhiều khía cạnh khác nhau. Ngoài ra, nó cũng cần có tính linh hoạt để đối mặt với những phát sinh ngoài dự báo.

Mọi người đã sẵn sàng đổi mới? Hãy quan sát để chắc chắn rằng nhóm chủ chốt đảm nhận tốt vai trò truyền đạt thông tin và chia sẻ đòi hỏi từ cấp trên đến mọi đồng nghiệp trong tổ chức. Đó chính là khâu quyết định thành công của kế hoạch mà bạn đã sắp đặt. Một khi có cách truyền đạt thông tin tốt, tầm nhìn cao xa của bạn sẽ được toàn bộ cấp dưới chấp nhận và khẳng định.

Bạn có nhận biết sự kháng cự tiềm ẩn trong tổ chức? Bỏ qua điều này, có thể bạn sẽ gặp phải những mâu thuẫn và chống đối dai dẳng của những cá nhân bất đồng với quyết định đổi mới. Cần biết rõ họ là ai, thuộc phòng ban nào và nắm giữ nhiệm vụ gì. Bằng mọi cách hãy tìm kiếm sự ủng hộ của họ.

Bạn biết rõ những ai ủng hộ kế hoạch đổi mới? Trong lúc tranh thủ sự động viên từ cấp dưới, có thể bạn sẽ đối mặt với câu hỏi ai ủng hộ kế hoạch, ban quản lý hay thành viên hội đồng quản trị? Bạn cần tranh thủ thăm hỏi ý kiến của những người có quyền lực trong doanh nghiệp và được một số đại diện quan trọng thông qua, ủng hộ. Thiếu mất sự tán thành đó, cấp dưới vẫn có quyền hoài nghi tính chính đáng của việc đổi mới.

Bạn đã có thời gian biểu, ngân sách và đủ nhân lực cần thiết? Kế hoạch đổi mới có thể được thực hiện ngay hay phải chờ đợi? Để đảm bảo mọi bước đi đều diễn tiến tốt, liệu bạn có cần thêm một số nhân viên hỗ trợ tại nhiều cấp bậc, vị trí khác nhau trong tổ chức của doanh nghiệp không? Công việc đào tạo lại cần thiết bao nhiêu chi phí?

HÀ LAM
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần/Entrepreneur

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)