Ngày nộp hồ sơ dự thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, 10 – 3, đang đến gần, thí sinh cần biết các thủ tục và hồ sơ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, chuyển nhận giấy báo thi… dưới đây.
|
Thí sinh nộp hồ sơ tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Khi đăng ký dự thi (ĐKDT) và đăng ký xét tuyển (ĐKXT), thí sinh dự thi tại trường nào thì làm hồ sơ ĐKDT vào trường đó.
Thí sinh đã dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ĐH ngay năm đó để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển hoặc không tổ chức thi tuyển sinh, có cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Thí sinh đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác).
Thí sinh có nguyện vọng 1 học tại trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường ĐH tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT có cùng khối thi; đồng thời nộp 1 bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 cho trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH. Những thí sinh này chỉ được xét tuyển theo nguyện vọng 1 vào trường không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH.
Thí sinh dự thi vào ngành năng khiếu, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi, được đăng ký xét tuyển vào đúng ngành đó của những trường có nhu cầu xét tuyển, nếu đúng vùng tuyển quy định của trường và có các môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm tối thiểu quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi CĐ ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng hoặc hệ cao đẳng của các trường đại học còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Hồ sơ ĐKDT gồm có: Một túi hồ sơ và 2 phiếu ĐKDT có đánh số 1 và 2; Ba ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư cỡ 4×6 cm có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh ở mặt sau (một ảnh dán trên túi đựng hồ sơ, hai ảnh nộp cho trường);
Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có); Ba phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để các Sở GD&ĐT gửi giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc giấy báo điểm) và giấy báo trúng tuyển.
Đối với thí sinh là đối tượng tốt nghiệp trung cấp nghề (hệ THCS) phải có xác nhận đã học đủ khối lượng và thi đạt các môn văn hóa THPT.
Hồ sơ ĐKXT gồm có: Giấy chứng nhận kết quả thi do các trường tổ chức thi cấp (có đóng dấu đỏ của trường); Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.
Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT và cước phí vận chuyển hồ sơ tại nơi tiếp nhận theo quy định của Sở GD&ĐT. Các Sở GD&ĐT sẽ chuyển hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT cho các trường.
Khi hết thời hạn nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT theo quy định của Sở GD&ĐT, thí sinh nộp ĐKDT và lệ phí ĐKDT trực tiếp tại trường.
Sau khi nộp hồ sơ ĐKDT, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo cho trường trong ngày làm thủ tục dự thi để kịp sửa chữa, bổ sung.
Hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của lịch công tác tuyển sinh, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Tiền Phong
Bình luận (0)