Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chuẩn bị ôn thi từ… đầu năm học

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường THPT khởi động việc dạy phụ đạo cho học sinh lớp 12 từ rất sớm, với các môn tiếng Anh, Toán, Văn. Thậm chí một số trường đòi hỏi phụ huynh cam kết nâng học lực của con em lên. 

Vạn Xuân là trường THPT dân lập nên chất lượng đầu vào thấp hơn các trường công lập ở quận Long Biên – Hà Nội. Vì vậy ngay từ đầu năm học mới nhà trường triển khai luôn kế hoạch chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp. Ngoài việc tổ chức dạy học các môn theo phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT, trường tổ chức phụ đạo các môn chắc chắn sẽ thi tốt nghiệp là tiếng Anh, Văn, Toán. Việc ôn luyện càng được xúc tiến khẩn trương khi bắt đầu học kỳ II. Nỗ lực của các giáo viên là làm sao đến khi Bộ GD&ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, học sinh sẽ không phải mất quá nhiều thời gian củng cố kiến thức cho học sinh với các môn này mà xoay sang “cày cuốc” với những môn còn lại.

Học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú – Hà Nội Ảnh minh hoạ: Hồng Vĩnh.
Những trường công lập có điểm đầu vào tuyển sinh thấp cũng canh cánh mối lo học sinh trượt tốt nghiệp. “Ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã tổ chức phân loại học sinh. Nhà trường yêu cầu giáo viên căn cứ vào kết quả phân loại để có phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng. Mặt khác, nhà trường mời những phụ huynh có con học kém đến để chia sẻ thông tin một cách cặn kẽ, yêu cầu họ phối hợp với nhà trường để vực học lực của các em lên, thậm chí phải cam kết sẽ quan tâm ưu tiên dành thời gian và giám sát việc học của con”, cô Nguyễn Thị Phấn, hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết.
Để sơ kết tình hình ôn luyện giai đoạn đầu, trung tuần tháng 3 vừa qua hàng loạt trường cả tư lẫn công đã tổ chức kiểm tra chất lượng ba môn tiếng Anh, Văn, Toán cho học sinh khối 12. Thầy Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng cho biết, hoạt động này nhằm sơ kết tình hình dạy học với khối lớp 12, từ đó rà soát lại cách học của trò và cách dạy của thầy làm căn cứ tiếp tục triển khai ôn luyện, phụ đạo 3 môn còn lại.
Nhiều hiệu trưởng khẳng định, dù Bộ công bố các môn thi tốt nghiệp, trường vẫn yêu cầu và có biện pháp kiểm soát gắt gao việc giáo viên các môn không thi thực hiện theo đúng phân phối chương trình. Không cắt xén thời gian cũng như nội dung các bài học là một yêu cầu thường xuyên được nhắc nhở trong các cuộc họp đầu tuần với các giáo viên dạy những môn không thi.
Tuy vậy, hầu hết các trường đều lên phương án tăng tiết cho học sinh từ đầu tháng 4. “Ở trường tôi, bắt đầu từ học kỳ II, nhà trường tăng cường ôn tập các môn Văn, Toán, Anh vào các giờ tự chọn (trước đây các giờ tự chọn thường để dạy những chuyên đề nâng cao). Trường sẽ làm việc với phụ huynh học sinh để tăng tiết cho ba môn Hóa, Sử, Địa”, một cán bộ quản lý trường THPT Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân cho biết.
Đầu tháng 4 cũng là thời điểm nhiều trường bắt đầu triển khai mô hình lớp “chọn ngược”. “Một trường có điểm tuyển sinh đầu vào thấp như trường tôi phải đặc biệt chú ý tới 20% học sinh tốp cuối”, thầy Nguyễn Quốc Thắng nói.
“Phụ đạo cho những em yếu kém là một hoạt động quan trọng. Đỗ 100% là khó, nhưng đó là cách tốt nhất để giảm thiểu số thí sinh thi trượt”, thầy Đặng Việt Hà, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân nói.
Quý Hiên
Theo Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)