Bộ GTVT đang soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường thủy. Trong ảnh xà lan chở cát đi qua đoạn sông Sài Gòn |
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ). Trong đó, sẽ có bổ sung một số thay đổi về sự quản lý hạ tầng giao thông đường thủy, phương tiện và người lái…
Có nên giới hạn phạm vi ĐTNĐ?
Theo Bộ GTVT, điều quan trọng được đặt ra trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông ĐTNĐ là có nên xác định lại giới hạn và phạm vi “ĐTNĐ” hay không? Đây là nội dung có tính bao trùm, liên quan đến các quy định cụ thể khác trong luật. Theo luật hiện hành, phạm vi giao thông ĐTNĐ bao gồm cả “luồng ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy”. Nhưng theo đề xuất của Cục Đường thủy Việt Nam, không nên bao gồm phạm vi này vì hiện nay hầu hết các vùng nước này bị bao trùm bởi các vùng nước cảng biển; luồng từ đất liền ra đảo và nối các đảo là vùng nước sâu, sóng to, gió lớn, phương tiện thủy nội địa hoạt động khó bảo đảm an toàn (trừ vịnh kín như Hạ Long, Bái Tử Long). Tuy nhiên, theo Đại tá Dương Ngọc Tiến – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, khái niệm trên được quy định từ năm 1996 theo nghị định 40/CP của Chính phủ nên khái niệm “đường sông” sau đó được mở rộng thành “ĐTNĐ” như bây giờ. Mặt khác, Công ước Quốc tế về luật biển cũng xác định đây là vùng nước nội thủy. Nếu ĐTNĐ không đề cập phạm vi trên, e rằng sẽ bỏ trống quản lý đối với hoạt động liên quan đến người lái, phương tiện thủy. Cũng do tính chất quan trọng của nội dung này nên trong dự thảo Luật Giao thông ĐTNĐ hiện vẫn để hai phương án (giữ nguyên như trước, hoặc không đề cập phạm vi trên) để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo cũng bổ sung và làm rõ khái niệm về: ĐTNĐ quốc gia, địa phương, chuyên dùng; tai nạn giao thông đường thủy; cơ quan quản lý ĐTNĐ thuộc Bộ GTVT, cấp tỉnh, huyện, xã. Dự thảo cũng bổ sung quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện không vượt quá 0,25miligam/1lít khí thở; phân cấp kỹ thuật ĐTNĐ thành 3 cấp: Quốc gia, địa phương và chuyên dùng.
Làm rõ khái niệm bến khách ngang sông
Trong chương quy định về cảng, bến thủy, dự thảo làm rõ hơn khái niệm về bến khách ngang sông, đồng thời bổ sung khái niệm mới là “bến dân sinh”. Cụ thể, “bến dân sinh chỉ dùng riêng cho hoạt động của gia đình, tiếp nhận phương tiện có trọng tải toàn phần không quá 15 tấn, tổng công suất máy chính không quá 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở không quá 5 người”. Theo Ban soạn thảo, thực tế cho thấy loại bến này xuất hiện nhiều và chủ yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình. Liên quan đến “bến dân sinh” là phương tiện phục vụ sinh hoạt phổ biến nhưng quy định quản lý của luật hiện hành không phù hợp thực tiễn. Vì vậy, trong phần về phương tiện thủy, điểm mới của dự thảo là chia loại phương tiện cụ thể hơn. Đồng thời, thay đổi tiêu chuẩn về quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Dự thảo quy định mới chỉ bắt buộc phương tiện chở người có động cơ tổng công suất 5-15 mã lực, sức chở 5-12 người đăng kiểm kỹ thuật, thay vì bao gồm cả phương tiện thô sơ có trọng tải 5-15 tấn như hiện nay. Đồng thời, nhóm phương tiện thô sơ có trọng tải 5-15 tấn hoặc sức chở đến 12 người, có động cơ dưới 5 mã lực (sức chở dưới 5 người) được giao cho UBND cấp tỉnh quy định quản lý qua đăng ký hành chính (và nhóm phương tiện thô sơ dưới 15 tấn, dưới 5 mã lực được miễn đăng ký hành chính). Lý do chuyển từ quản lý qua phương thức đăng kiểm sang phương thức đăng ký hành chính sẽ mang tính khả thi hơn vì thực tế là loại phương tiện này chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, tham gia giao thông theo thời vụ và ở cự ly ngắn, chiếm tỷ lệ thấp về tai nạn giao thông. Mặt khác, nhóm này đa dạng về chủng loại, không đủ hồ sơ để làm thủ tục đăng kiểm, và tỷ lệ phương tiện này trong những năm qua thực hiện đăng kiểm chỉ đạt 10%. Quy định đăng kiểm phương tiện cũng đặt ra hai phương án về áp dụng niên hạn sử dụng của phương tiện thủy hoặc không áp dụng như hiện nay. Đây cũng là vấn đề có hai luồng ý kiến trong thời gian qua, xuất phát từ lý do trên thế giới hiện cũng có nước áp dụng niên hạn, có nước không. Theo phương án áp dụng niên hạn sử dụng thì sẽ giao cho Chính phủ quy định, cũng có nhiều ý kiến cho rằng chỉ quy định đối với loại tàu nhất định và phải có lộ trình thích hợp. Về thuyền viên và người lái phương tiện, dự thảo bổ sung quy định “Thuyền viên giữ chức danh thuyền trưởng tàu chở khách phải có kinh nghiệm thực tiễn giữ chức danh thuyền trưởng phương tiện tương đương tối thiểu 3 năm”. Quy định này nhằm tránh xảy ra các vụ tai nạn giao thông do thuyền trưởng bất cẩn và thiếu kinh nghiệm.
Bài, ảnh: Hà Anh
Bình luận (0)