Việc chuẩn bị tâm lý cho cả vợ lẫn chồng trước thềm hôn nhân là một việc làm rất quan trọng. Bởi thực tế, có không ít đôi yêu nhau rất thắm thiết, thề non hẹn biển “sống chết có nhau” trong một thời gian dài tưởng chừng không có gì chia cắt được, vậy mà khi về ở với nhau sau khi cưới được vài tháng là đường ai nấy đi vì “chán”.
Việc chuẩn bị tâm lý cho cả vợ lẫn chồng trước thềm hồn nhân là một việc làm rất quan trọng (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Có rất nhiều việc phải chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân mới. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để sống với người bạn đời của mình trong một hoàn cảnh hoàn toàn mới tránh những căng thẳng do mâu thuẫn không đáng có dẫn đến mệt mỏi, bực bội từ những điều nhỏ nhặt hoặc xảy ra những rủi ro không mong đợi từ hôn nhân.
Chuẩn bị về nhận thức: Chấp nhận mặt tốt và mặt thiếu sót của người bạn đời
Khi đang yêu, mỗi người đều nhìn đời toàn màu hồng và cả hai người đều thể hiện những mặt tốt nhất của mình. Nhưng khi sống chung, cả hai sẽ dần dần bộc lộ những điểm chưa đẹp của mình trong mắt đối phương. Tuy nhiên, đã xác định lấy nhau là cùng nhau sống dưới một mái nhà, cùng nhau tạo dựng tổ ấm. Do đó, đôi bên cần học cách bao dung, thấu hiểu và bỏ qua cho nhau những điểm chưa tốt ấy, đồng thời cùng nhau nhắc nhở và cố gắng sửa sai. Tóm lại phải luôn chấp nhận cả mặt tốt và mặt hạn chế của bạn đời. Tuyệt đối, phải tôn trọng, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của nhau. Khoảng trời riêng của mỗi người trong cuộc sống vợ chồng (bao gồm tính cá tính, sở thích, thói quen…) cần phải tôn trọng miễn sao những đặc tính đó nó không làm ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng sau này nhất là không ảnh hưởng đến mục đích chung thống nhất trong một gia đình. Chung sống trong cùng mái nhà không có nghĩa người bạn đời là tài sản riêng của cá nhân bạn. Đừng cố nhào nặn, thay đổi người kia theo hình mẫu của mình, điều này có thể khiến cả hai cùng bị tổ thương. Hôn nhân chỉ thật sự bền vững khi cả hai phải tôn trọng sự riêng tư của nhau. Hãy chú ý nhiều hơn đến hiện tại và tương lai của hai người. Nếu tốt nhất nên ít quan tâm về quá khứ của anh ta (cô ta). Hãy để quá khứ mỗi người ngủ yên – như thế bạn mới có được cảm giác hạnh phúc, an lành.
Chuẩn bị về đời sống cảm xúc của hai vợ chồng
Cảm xúc có vai trò quan trọng trong hôn nhân. Việc chuẩn bị cảm xúc tốt thì đồng nghĩa là là chúng ta đạt tới được 1/3 chặng đường đến hôn nhân. Sự hòa hợp cảm xúc giữa nam và nữ sẽ là động lực quan trọng để hình thành nên tình cảm bền vững cũng như có thể đảm bảo cho hạnh phúc sau này. Do vậy, chia sẻ cảm xúc là điều không thể thiếu được trước khi tới hôn nhân. Trong quá trình đó, cả hai người có thực sự tâm đầu ý hợp hay không? Bên cạnh nhau có thực sự rung động về cảm xúc hay không? Có những người chia sẻ rằng: “tôi đến với cô ấy là vì cái khác chứ bên cạnh cô ấy tôi chẳng có cảm xúc tí nào, cứ như là cây củi, lạnh lẽo, khô cứng làm sao ấy”. Nhiều ý kiến của các chuyên gia tâm lý cho rằng: Tình yêu bao giờ cũng là sự hòa hợp của sự hiểu biết và nhục dục (nhục dục có nghĩa là sự rung cảm, hòa thuận về tâm lý – sinh lý).
Cần chuẩn bị về đời sống cảm xúc của hai vợ chồng. Ảnh: I.T
Đặc biệt, sau khi lập gia đình thì càng cần phải làm mới mẻ cảm xúc của hai người. Có không ít cặp đôi đã quan niệm sai lầm rằng đã là vợ chồng rồi thì cần gì phải hẹn hò, nhắn tin “sến sẩm” mất thời gian, mà hình thức, khách sáo. Do đó, chỉ mới cưới nhau được vài tháng, cuộc sống hôn nhân của họ vì thế tẻ nhạt, nhàm chán, đơn điệu. Vì thế, việc chia sẻ cảm xúc, và thỉnh thoảng phải “hâm nóng” tình yêu là điều nên làm. Sau khi kết hôn, hai bạn nên thỉnh thoảng thổi vào “không khí” gia đình bằng những cuộc hẹn lãng mạn như đi ăn tối, xem phim hay cùng nhau đi du lịch để đổi gió… Những cuộc hẹn bất ngờ đó làm cho cuộc sống gia đình của bạn thêm nồng nàn, đầm ấm.
Chuẩn bị về những kỹ năng sống chung
– Kỹ năng đồng cảm: Đồng cảm giữa hai người là rất quan trọng, có nghĩa là cần phải đặt vị trị của mình vào người bạn đời của mình để từ đó thông hiểu, chia sẻ.
– Kỹ năng ứng xử với những nguời xung quanh: Sự bền vững của hôn nhân phụ thuộc vào các mối quan hệ khác, nếu không giải quyết tốt các mối quan hệ đó cũng có thể ảnh hưởng đến quan điểm sống chung cũng như cách nhìn nhìn nhận, đánh giá.
Người phụ nữ sau khi kết hôn có thể nghĩ rằng: “Về sống chung với nhau, tôi sẽ chăm sóc tốt cho chồng về chuyện ăn, chuyện ngủ… và để cho anh ta nghĩ rằng tôi là một người vợ, một người mẹ đảm đang”. Trong thực tế, ý tưởng này là đúng nhưng chưa đủ, một người đàn ông chọn một nửa của mình không chỉ với một mục đích làm việc nhà, anh ta cần nhiều hơn như vậy, hy vọng rằng bạn có thể là “tri kỷ” của anh ta. Dù có yêu nhau nhiều bao nhiêu thì khi về sống chung không thể tránh khỏi những va chạm, xích mích, tranh luận. Kỹ năng sống chung giữa hai người bạn đời được nâng lên thành nghệ thuật để chứng tỏ rằng mỗi người phải luôn vì tình cảm yêu thương, tôn trọng lẫn nhau để cùng nhau hòa hợp ở tất cả mọi lĩnh vực. Một điều cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng khi sống chung dưới một mái nhà là, mỗi người đừng bao giờ có ý nghĩ quản lý chặt chẽ tài chính của nhau. Quản lý tài chính quá chặt làm cho gia đình có nhiều mâu thuẫn, và làm cho nhau cảm thấy bị tổn thương. Như thế mỗi người mới không có cảm giác ngột ngạt, bức bối trong chính gia đình của mình. Sống chung hòa hợp cũng có nghĩa là không can thiệp vào mối quan hệ bạn bè của bạn đời. Hai người đừng để sau hôn nhân một nửa của bạn cảm thấy mất tự do. Bạn không nên can thiệp quá sâu vào nội bộ các mối quan hệ làm ăn, giao lưu bạn bè của bạn đời. Bạn nên để cho người bạn đời có những khoảng thời gian riêng dành cho những người bạn của họ, bạn có nhớ câu: “Giàu vì bạn, sang vì vợ” không? Biết kiềm chế cảm xúc và hành động của mình đúng lúc khi phát sinh xung đột “Chồng giận thì vợ bớt lời”. Đừng vì quá tự phụ hay kiêu ngạo mà đi đến cùng cuộc tranh cãi, cố chấp bắt ép bạn đời phải tuân theo quan điểm của mình. Trong cuộc sống có nhiều cách để bạn đời tâm phục khẩu phục, trong đó rất cần sự im lặng đúng lúc. Tranh luận, xích mích giữa vợ chồng là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, việc gì cũng nên có chừng mực, đừng để vì quá “hiểu nhau” rồi buông xuôi, chán bỏ, ly hôn. Đối phó với những xung đột phát sinh dẫn đến tranh cãi, thậm chí còn muốn đệ đơn ly hôn chia tay mỗi người một ngã, cần có thái độ bình tĩnh, đúng chừng mực. Tốt nhất trong những câu chuyện giữa vợ chồng nên vận dụng lồng ghép tối đa những câu nói, điệu bộ hài hước, thân thiện để hóa giải mâu thuẫn.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)