Năm học cuối cấp luôn là khoảng thời gian khó khăn nhất của mỗi học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp THCS. Đây là lứa tuổi ở giai đoạn phát triển chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn với một loạt thay đổi về thể chất, tâm lý và xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lứa tuổi, cộng thêm áp lực học tập từ gia đình và nhà trường nên khá nhiều em gặp khó khăn trong học tập và cuộc sống.
Học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2023 tại TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Để vượt qua các khó khăn đó, học sinh cần có khả năng ứng phó hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế hiện nay khả năng ứng phó của các em còn nhiều hạn chế.
Các khó khăn học sinh hay gặp phải
Thứ nhất là thay đổi các mối quan hệ. Học sinh cuối cấp THCS với sự biến đổi mạnh mẽ về đặc điểm tâm sinh lý, các em không còn là trẻ con nhưng cũng không phải người lớn. Sự biến đổi mạnh mẽ đó kéo theo sự mở rộng các mối quan hệ giao tiếp nhất là với bạn bè, trong đó có nhiều mối quan hệ phức tạp. Vì vậy, khi học sinh chuẩn bị bước vào bậc THPT (đầu tuổi thanh niên) làm cho các mối quan hệ bị phá vỡ, thậm chí là thu hẹp nhiều mối quan hệ mà trước đây các em luôn xem nó là quan trọng nhất trong đời sống. Đặc biệt, khi bước vào bậc THPT thì chuẩn mực đạo đức, niềm tin, lý tưởng, định hướng giá trị sống sẽ là những vấn đề được các em quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều phụ huynh không quan tâm những vấn đề này, vẫn xem các em là trẻ con nên dẫn đến những khó khăn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Trong khi đó, bạn bè đồng trang lứa là chỗ dựa xã hội đáng tin cậy của học sinh THPT, do sự tương đồng về tâm sinh lý khiến các em dễ dàng tiếp xúc, giao tiếp với nhau. Hầu hết các em đã biết “thiết lập quan hệ tốt đẹp”, “hòa đồng thân thiện” với bạn bè. Song nhiều lúc, trong quan hệ bạn bè vẫn thường nảy sinh “mâu thuẫn, bất đồng quan điểm”, một số em “bị bạn bè hiểu nhầm, tẩy chay” và hầu hết đều cảm thấy “buồn chán trước hiện tượng chia bè phái, chống đối lẫn nhau làm rạn nứt tình bạn”. Ứng phó với những vấn đề đó là khó khăn lớn mà khá nhiều học sinh gặp phải. Không ít học sinh gặp “khó khăn trong việc giải quyết xung đột, mâu thuẫn với bạn bè”, “chưa biết cách kiềm chế sự nóng giận” khi xảy ra xung đột. Thứ hai là khó khăn về bản thân. Cụ thể, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái chiếm chủ yếu, đó cũng chính là sự bất đồng rõ rệt của lứa tuổi học sinh cuối cấp THCS. Cảm nhận về “tính người lớn” của chính bản thân mình là một trong những nét tâm lý đặc trưng xuất hiện trong giai đoạn chuyển từ lứa tuổi thiếu niên sang tuổi thanh niên. Thực tiễn cho thấy rằng sự nảy sinh cảm nhận đó ở lứa tuổi thanh niên là một trong những yếu tố tâm lý góp phần tạo nên mối quan hệ bất bình ổn giữa cha mẹ và con cái, làm cho tần số giao tiếp giữa cha mẹ và con cái giảm xuống; thay vào đó là nhu cầu giao tiếp của thanh niên với bạn bè đồng trang lứa tăng lên. Nhiều trường hợp cha mẹ không hiểu con và không tôn trọng con, trong khi các em muốn khẳng định bản thân thì lại không được. Đặc biệt, có trường hợp người lớn can thiệp quá sâu vào trong mối quan hệ riêng tư của con, làm tổn thương nghiêm trọng đến lòng tin của con với người lớn, dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái lại càng lên cao. Có trường hợp học sinh cuối THCS mất niềm tin vào cha mẹ, vào xã hội, thậm chí các em bỏ học sau khi hết bậc THCS vì cho rằng mọi sự cố gắng cũng khó thành công (như nhiều anh chị sinh viên tốt nghiệp ĐH không xin được việc làm, phải là nghề khác…).
Tăng cường các hoạt động tham vấn tâm lý với học sinh cuối cấp THCS là rất quan trọng, nhất là sự tham vấn của đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp với học sinh trên mọi lĩnh vực, trong đó tập trung vào các vấn đề như giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, định hướng giá trị sống, giảm các áp lực trong học tập… |
Thứ ba là khó khăn về cách giải quyết và định hướng giá trị sống. Có không ít trường hợp học sinh chọn cách giải quyết như phó mặc, tự giải quyết, âm thầm chịu đựng… mà rất ít chia sẻ với người khác dẫn đến hậu quả là các em càng khó khăn trong đời sống, thậm chí là rối nhiễu tâm lý. Đặc biệt, khi bước vào bậc THPT thì vấn đề định hướng giá trị sống lại càng được quan tâm, các em hướng tới các giá trị sống của người lớn, so sánh mình với người lớn, mong muốn được tự lập, tự chủ trong giải quyết các vấn đề của riêng mình. Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống đã đưa các em vào một hoàn cảnh đầy mâu thuẫn.
Những điểm tựa vững chắc
Đầu tiên là cần có sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô, cha mẹ và các chuyên gia giúp chuẩn bị tâm lý vững vàng cho học sinh giai đoạn này. Theo đó, trong cách ứng xử, người lớn cần thừa nhận những thay đổi rõ rệt từ bản thân các em và nhất là trong gia đình thì cha mẹ phải thực sự là những tấm gương mẫu mực, không chỉ để con noi theo mà còn là chỗ dựa tin cậy để con không bị hoang mang khi gặp khó khăn trong cuộc sống; quan trọng nhất là các em không bị thất vọng hay sụp đổ về hình ảnh của cha mẹ mình. Bên cạnh đó, cha mẹ phải là điểm tựa quan trọng trong việc định hướng giá trị sống cũng như hướng đến các chuẩn mực đạo đức mà khi bước vào bậc THPT, các em bắt đầu quan tâm; phải biết cách tôn trọng tính độc lập và quyền bình đẳng của con. Quan hệ giữa con và cha mẹ có thể không có mâu thuẫn nếu quan hệ đó được xây dựng trên cơ sở tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau; khi tiếp xúc với con cần gương mẫu, khéo léo, tế nhị. Tiếp theo là đẩy mạnh các hoạt động tham vấn tâm lý. Có thể nói tăng cường các hoạt động tham vấn tâm lý với học sinh cuối cấp THCS là rất quan trọng, nhất là sự tham vấn của đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp với học sinh trên mọi lĩnh vực, trong đó tập trung vào các vấn đề như giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, định hướng giá trị sống, giảm các áp lực trong học tập… Cuối cùng, giảm bớt các áp lực học tập. Theo đó, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên để khoanh vùng kiến thức chủ đạo, trọng tâm, giúp học sinh khai thác triệt để năng lực tiếp thu kiến thức của mình. Cộng với sự động viên, khích lệ khéo léo của gia đình và nhà trường giúp học sinh tự tin, có tâm lý thoải mái, từ đó đạt được điểm số cao với năng lực học tập của chính mình. Thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa học sinh và gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn kịp thời cho các em, đồng thời tạo sự thống nhất trong việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng ứng phó cho các em.
Như vậy, nhằm giúp học sinh cuối cấp THCS ứng phó có hiệu quả với các khó khăn tâm lý để vững vàng trong học tập và cuộc sống, chúng ta cần tập trung vào việc nâng cao hiểu biết về các cách ứng phó cho học sinh trước những khó khăn tâm lý của lứa tuổi này. Hình thành và phát triển kỹ năng ứng phó cho học sinh thông qua các lớp tập huấn hoặc câu lạc bộ kỹ năng sống. Thành lập trung tâm tư vấn, tham vấn tâm lý trong trường học để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho học sinh trong việc giải quyết các khó khăn…
Nguyễn Văn Công
Bình luận (0)