Một số dự án chống ngập khu vực phía Đông TP.HCM đang được gấp rút chuẩn bị để thi công vào cuối năm nay.
Ngập nước đường Tô Ngọc Vân, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Ban QLDA) đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án chống ngập cho khu vực phía Đông TP.
Cụ thể, trên địa bàn quận 2 có các dự án: cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền – Quốc Hương – Xuân Thủy – Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền); xây dựng hệ thống cống dọc gồm cống tròn từ Ø800 mm đến Ø1500 mm và cống hộp từ 1,6mx1,6m đến 2,5mx1,6m đi dưới lòng đường; xây dựng hệ thống cống dọc Ø400 m, giếng tách dòng (CSO) thu nước thải; xây dựng 4 trạm bơm (3 trạm công suất 3.500 m3/h, 1 trạm công suất 5.000 m3).
Bên cạnh đó, tái lập, hoàn thiện mặt đường, nâng cục bộ mặt đường tại các vị trí trũng thấp đến cao độ +1,70 m; xây dựng mới vỉa hè, bó vỉa và bó nền tại những vị trí nâng đường.
Tại quận 9, Ban QLDA sẽ thực hiện xây dựng hệ thống thoát nước đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường 990 đến cầu Võ Khế) với tổng chiều dài 3,8 km; lắp đặt cống từ D800 – D1500 và tái lập phui đào, thảm nhựa mặt đường. Hệ thống thoát nước đường 8, phường Phước Bình cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp, lắp đặt cống từ D800 – 2x[1600×2000].
Đồng thời, xây dựng hệ thống thoát nước tại các tuyến đường như: đường Nguyễn Văn Tăng (từ đường Lê Văn Việt đến đường Nguyễn Xiển). Xây dựng hệ thống cống dọc D1000 mm, D1200 mm, D1500 mm, cống hộp 1600×1600, 2000×2000 và 2500×2000 kết nối vào hệ thống cống hiện hữu trên đường Lê Văn Việt và thoát ra 2 rạch hiện hữu trên đường Nguyễn Văn Tăng tại vị trí Km1+327 và Km2+214; đường Số 1 (từ đường Đỗ Xuân Hợp đến đường Số 21).
Trên địa bàn quận Thủ Đức, dự án cải tạo hệ thống thoát nước Quốc Lộ 1A (từ Ngã tư Bình Phước đến Khu vực Đại học quốc gia) sẽ tiến hành với chiều dài 6,5 km; Cải tạo hệ thống thoát nước 1,2 km đường Linh Trung (từ đường số 11 đến đường Song hành Xa lộ Hà Nội) và 1,250 km đường thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư).
Phần lớn các dựa án đang được trình phê duyệt chủ trương, thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến triển khai vào cuối năm 2020 và trong năm 2021.
Trước đó, khu vực phía đông TP.HCM gồm Q.Thủ Đức và một phần Q.9, H.Củ Chi là nơi cao nhất TP với độ cao từ 20 – 30 m (so với cao độ chuẩn quốc gia), gấp 6 – 10 lần độ cao khu vực nội thành nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Một số tuyến đường vừa mới được mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang như đường Phạm Văn Đồng, Lê Văn Việt đã nhanh chóng trở thành điểm đen ngập nước trong những ngày mưa, không khỏi khiến người dân bức xúc.
Theo PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM), những khu vực ngập lâu nay tại Q.Thủ Đức chủ yếu là vùng địa hình cao, độ dốc lớn nhưng do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư bài bản, hoàn chỉnh nên không kịp đáp ứng theo tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa. Những trận mưa cường độ quá lớn diễn ra ngày càng nhiều khiến hệ thống cống không chịu tải nổi. Hiện nay chưa có nhiều dân cư ở nên tình trạng ngập chưa “lộ” ra nghiêm trọng. Tương lai, mực nước sông dâng cao, cùng với nguy cơ lũ từ 2 con sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đổ về, rồi hàng loạt công trình, cao ốc, khu công nghiệp, khu dân cư được xây dựng… sẽ khiến ngập lụt trở thành vấn nạn của TP mới nếu không nhanh chóng xây dựng chiến lược chống ngập bài bản.
Theo Hà Mai/TNO
Bình luận (0)