Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chuẩn bị thi THPT quốc gia như đánh trận

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều nay 24/6, hơn 887.000 thí sinh sẽ đến trường thi làm thủ tục dự thi, nhận thẻ dự thi, chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 có nhiều thay đổi đáng kể.

Dù “sĩ tử” đến sáng mai mới thi môn đầu tiên nhưng cán bộ coi thi đã phải lên đường làm nhiệm vụ từ 2-3 ngày trước. Nhất là các giảng viên đại học (ĐH) phải di chuyển đến những tỉnh xa để cầm trịch cuộc thi cùng với địa phương. Đây không khác gì cuộc “di cư” quy mô lớn. 

Cuộc “di cư” quy mô

Hơn 500 viên chức Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã đến tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ kỳ thi tại 18 điểm thi ở thành phố và năm huyện ở xa. Theo phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt, phó hiệu trưởng nhà trường, để chuẩn bị thật tốt cho nhiệm vụ quan trọng này, trường đã họp toàn thể viên chức tham gia công tác coi thi thông tin về những điểm mới của kỳ thi; họp trưởng, phó đoàn, thanh tra; họp nhóm hậu cần… hướng dẫn các thao tác cụ thể về quy trình coi thi trắc nghiệm.

Cán bộ, giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM chuẩn bị lên đường đi làm công tác thi THPT 2019

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết nhà trường cử gần 400 cán bộ, giảng viên coi thi, giám sát thi tại 13 điểm thi tại tỉnh Bình Thuận. Đến nay, việc tập huấn, chuẩn bị cơ sở vật chất, liên hệ nơi ăn chốn ở cho giảng viên đã hoàn tất. UBND tỉnh Bình Thuận, Sở GD-ĐT tỉnh cùng lãnh đạo nhà trường đã làm việc để đưa ra nhiều kế hoạch ứng phó với điều kiện thời tiết xấu, hỗ trợ thí sinh tại đảo Phú Quý vào đất liền dự thi cũng như các kịch bản có thể xảy ra trong quá trình thi. 

Trường sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn để siết chặt quy chế, tiếp tục nhắc lại các vấn đề quan trọng để tất cả cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra đều nắm rõ phần việc của mình. Sau mỗi buổi thi sẽ họp rút kinh nghiệm để kịp xử lý các tình huống 
phát sinh. 

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng có 477 cán bộ, giảng viên tham gia công tác thi tại tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên. Tại tỉnh Đắk Lắk, 416 người sẽ phụ trách 14/32 điểm thi và tại Phú Yên sẽ có 61 người coi thi ở ba điểm thi. Các trường tham gia coi thi ở TP.HCM cũng đã tổ chức tập huấn hướng dẫn coi thi trước cho cán bộ tham gia gác thi, thanh tra, giám sát. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cử 700 cán bộ, giảng viên tham gia coi thi tại 15 điểm thi ở TP.HCM. Trong đó, có các điểm thi ở vùng ven như H.Cần Giờ, H.Củ Chi, H.Nhà Bè, Q.8, Q.12, Q.2 và Q.9. Nhà trường hỗ trợ phương tiện di chuyển cho các giám thị để đảm bảo an toàn.

Giảng viên phải ăn ở nhờ nhà dân

Các trường ĐH phía Nam chỉ phải di chuyển xa, nhưng đi coi thi mà… khổ phải kể đến giảng viên ở các trường ĐH phía Bắc. Nhiều trường phải làm nhiệm vụ ở những địa phương xa, vùng núi khó di chuyển và điều kiện ngủ nghỉ không thuận lợi. Nhiều người phải ở tạm trong khu nội trú của trường, nhờ dân hỗ trợ nấu ăn hoặc phải ăn trong căng-tin trường. 

Các giảng viên của Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội tới tỉnh Hưng Yên coi thi sẽ đảm nhận 17/28 điểm thi. Có những điểm chỉ có một khách sạn hoặc một nhà nghỉ, không đủ phòng cho các thầy cô nên nhà trường phải bố trí ba người/phòng hoặc có những nơi phải di chuyển khá xa mới có chỗ nghỉ cho cán bộ coi thi.

Cán bộ, giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM trên đường đi làm công tác thi THPT 2019

Trường ĐH Thủy lợi phải làm nhiệm vụ ở một tỉnh khó khăn, địa hình hiểm trở như Điện Biên với bao khó khăn trong việc lo nơi ăn, chốn ở cho khoảng 360 cán bộ, giảng viên. Toàn tỉnh có 17 điểm thi, phần lớn đều cách xa TP.Điện Biên, điểm xa nhất là Mường Nhé, cách TP.Điện Biên 205km, đi gần hết một ngày. Điểm gần nhất cũng phải 80km tính từ TP.Điện Biên. Đường sá đi lại khó khăn nên đi 80km mất cả 7-8 tiếng. Có ba điểm đặc biệt khó khăn đi từ thành phố lên mất gần một ngày, không có khách sạn, nhà nghỉ. Nhưng lo ngại nhất là đang mùa mưa bão, đường sá sạt lở. 

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong năm đơn vị được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ coi và chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Thanh Hóa – địa bàn rộng lớn, đông thí sinh. Trường đã cử 802 thầy cô tham gia công tác coi thi, giám sát và thư ký cho 58/70 điểm thi, trải dài trên 24/27 huyện. Với 2-3 điểm thi gần nhau sẽ ăn ở tập trung. Điều này nhằm giúp việc quản lý dễ dàng hơn và kịp thời xử lý trong những tình huống phát sinh như an toàn thực phẩm hay ốm đau, tai nạn…

Không chỉ là sự dịch chuyển lớn về số lượng, một bộ phận lớn giảng viên lên đường làm nhiệm vụ được ví như những “chiến sĩ”. Bởi thực tế, họ không chỉ có khó khăn là di chuyển xa mà còn chịu trách nhiệm nặng nề khi gánh công tác tổ chức và coi thi. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn bao khó khăn, rủi ro về đi lại, điều kiện sinh hoạt cơ bản như ăn uống, ngủ nghỉ và an toàn cho bản thân. 

Một vị cán bộ quản lý của ĐH Quốc gia TP.HCM cảm thán: “Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu lỡ có chuyện không may xảy ra với các thầy cô?”. Câu hỏi nghe có vẻ không mấy tích cực nhưng đó là những lo lắng không thừa của những người phải ký quyết định để nhân viên, giảng viên đi làm nhiệm vụ. 

Dễ thấy rằng, một kỳ thi dùng để xét tốt nghiệp (khi kết quả hằng năm đều trên 95% đậu) và xét tuyển vào ĐH (trong khi các trường có không dưới ba phương thức xét tuyển khác) không chỉ hao tốn nhiều kinh phí mà ở đó còn có sự hao tổn không thể đong đếm được về sức người. 

Theo Gia Tuệ/PNO

 

Bình luận (0)