Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT: Lo chuyện lộ đề, chấm chéo

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua 21-5, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên họp qua mạng với tất cả 63 sở GD-ĐT trong cả nước để chốt lại những vấn đề còn khúc mắc về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2009. Chủ trì có Phó Thủ tướng kiêmBộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân.
“Sợ” nhất chuyện in sao, bảo mật đề thi
Theo báo cáo nhanh của Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Lê Quang Hưởng, từ ngày 13 đến 19-5, các đoàn thanh tra của ngành đã thanh tra công tác chuẩn bị thi, cơ sở in sao đề thi tốt nghiệp THPT năm 2009 tại tất cả các địa phương.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương quận 5 thi thử môn Văn. Ảnh: MAI HẢI
Nhìn chung, đến nay cả nước đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này. Một số địa phương còn thành lập cả ban chỉ đạo thi cấp quận, huyện như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội. Ban công tác cụm trường đã cơ bản hoàn tất về hồ sơ và chuẩn bị cơ sở vật chất cho các hội đồng coi thi.
Một số địa phương đã huy động cả ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia tổ chức đưa đón nơi ăn nghỉ cho học sinh ở xa hoặc tổ chức xe buýt cho học sinh đi thi (các tỉnh Tây Nguyên). Tỉnh Gia Lai còn hỗ trợ cho học sinh đi thi cụm với số tiền là 20.000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, điều nổi lên hiện nay là công tác in sao đề thi và bảo mật đề thi vẫn chưa hoàn toàn yên tâm. Hiện nhiều nơi đã bắt đầu việc in sao đề. Về cơ bản các sở đều chọn địa điểm in sao đề thi bảo đảm an toàn, kín đáo, cách ly tuyệt đối với bên ngoài, đủ điều kiện bố trí cách ly theo 3 vòng độc lập. Lực lượng Công an PA25, thanh tra, bảo vệ luôn có mặt để bảo đảm an toàn khu vực in sao đề thi.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, vẫn còn để lộ sơ hở trong công tác này. Ví dụ tỉnh Bình Định bố trí phòng làm việc của vòng 1 và vòng 2 chưa cách ly triệt để.
Vì vậy, tất cả những kiến nghị mà đoàn thanh tra đưa ra về công tác chuẩn bị kỳ thi đều tập trung vào khâu in sao và bảo mật đề thi. Thanh tra bộ cho rằng Bộ GD-ĐT cần yêu cầu các sở có vách ngăn chắc chắn bằng vật liệu cứng, kín và có cửa khóa để ngăn cách giữa vòng 1 với vòng 2, giữa vòng 2 với vòng 3. Khoảng trống với bên ngoài khu ban công cũng cần được bảo vệ, che kín bằng vật liệu cứng. Toàn bộ các cửa trong phòng nghỉ, nhà vệ sinh phải được đóng kín, dán niêm phong. Đây cũng là điều mà Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân hết sức lưu ý các tỉnh.
Chấm chéo: Sợ thí sinh thiệt điểm
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thực hiện việc chấm chéo giữa các địa phương, vì vậy đây cũng là điều mà các địa phương lo ngại. Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng để tránh thiệt thòi cho học sinh, đáp án chấm thi mà Bộ GD-ĐT đưa ra cần rõ ràng, cụ thể, chi tiết để các hội đồng thi chấm chính xác. Hiện nay, phần mềm chấm thi của Bộ GD-ĐT chưa thể nói là hoàn thiện. TPHCM khi chạy thử phần mềm này vẫn chưa thực sự ổn định.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội với gần 90.000 thí sinh, huy động tới 15.000 cán bộ coi thi. Công tác chuẩn bị của Hà Nội đã xong, nhưng lại lo việc vận chuyển bài thi để chấm chéo sẽ không an toàn. Hà Nội cũng “mặc cả” số bài thi phân về cho Hà Nội chấm sao cho chỉ bằng số học sinh dự thi của Hà Nội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho rằng không nên tính toán so đo như thế. Tinh thần chung là các tỉnh thành phải hỗ trợ nhau. Ví dụ Hà Nội, TPHCM năng lực lớn phải hỗ trợ chấm thi thêm cho các địa phương khác. Dĩ nhiên bộ sẽ bảo đảm khoảng cách chấm chéo không quá xa, chỉ từ 200km trở lại.
Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, bộ sẽ tiếp tục rà soát phần mềm chấm thi để chậm nhất là ngày 26-5, bộ sẽ gửi bản hoàn thiện về cho các tỉnh. Bộ cũng sẽ có phần mềm hướng dẫn sử dụng phần mềm chấm thi. Riêng về đáp án chấm thi, để công tác chấm chéo thực sự chất lượng, bộ đã xây dựng thang bảng điểm thật chi tiết, rõ ràng. Thang điểm trong 1 câu được tính tới 0,25 điểm (bằng thang điểm của bài thi đại học).
Các vấn đề khác như bài thi trắc nghiệm, đánh phách bộ sẽ tiếp tục có hướng dẫn cụ thể. Các địa phương phải quán triệt chống bệnh thành tích trong kỳ thi lần này. Việc chuẩn bị phải chu đáo, không được chủ quan, tuyệt đối không để lộ đề thi, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ thi tránh tình trạng thi thử bị lộ đề như Nam Định vừa qua. Đặc biệt, việc bàn giao bài thi để các tỉnh chấm chéo phải an toàn, tuyệt đối không để mất bài thi.
Phát biểu với các tỉnh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu tập trung vào 4 việc. Cụ thể, từ nay đến 25-5, bộ phải hướng dẫn đầy đủ các định mức tài chính cho kỳ thi.Về phần mềm phục vụ quản lý thi, chấm thi, do đến thời điểm này vẫn còn hạn chế nên bộ cũng như Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, các địa phương phải rà soát lại, hoàn thiện và chạy thử.
“Đến 25-5, phải chuyển bản hoàn thiện cho địa phương”, Phó Thủ tướng chỉ thị. Từng địa phương cũng cần rà soát lại các phương án phòng ngừa sự cố: giao thông, mưa lũ, cúp điện, phần mềm trục trặc… để sẵn sàng xử lý tốt nhất.
Có thể nói 90% công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất, tuy nhiên, không được chủ quan, mà phải hết sức tập trung 4 phương châm: quyết tâm, sáng tạo, hợp tác, có dự phòng làm sao để kỳ thi năm nay diễn ra an toàn nhất, chất lượng nhất.
Theo phản ánh của Sở GD-ĐT Cà Mau, Trường Cao đẳng Y tế Bạc Liêu điều cả nhân viên trường đi làm giám thị ở Cà Mau. Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết sẽ yêu cầu trường điều chỉnh ngay. Các trường ĐH, CĐ phải cử giám thị đủ năng lực phẩm chất. Tỉnh Nghệ An cho biết tỉnh gặp khó về cán bộ chấm thi, vì vậy đề nghị kéo dài thời gian chấm thi. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bành Tiến Long nói nếu thiếu thì bộ sẽ điều thêm giáo viên ở các trường CĐSP về chấm, tuyệt đối không kéo dài thời gian chấm thi. 
LÂM NGUYÊN (Hà Nội mới)

Bình luận (0)