Từ năm học 2010-2011 đến nay, thầy và trò dạy học theo chương trình kiến thức chuẩn, với việc lấy sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng làm cơ sở pháp lý của việc dạy học, còn các sách khác kể cả sách giáo khoa, sách giáo viên chỉ là tham khảo.
Một tiết học môn ngữ văn lớp 9 (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Đó là một hướng mới để việc truyền đạt kiến thức trong cả nước đạt mặt bằng tối thiểu chung vì sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng đã quy định tối thiểu kiến thức cần cung cấp ở mỗi tiết dạy cho học sinh thống nhất trong toàn quốc. Đây là điều rất quý, song hiện nay trong sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Ngữ văn THCS tập II, kiến thức vẫn chưa được chuẩn. Chúng tôi xin minh họa vài trường hợp cụ thể trong phần kiến thức Ngữ văn 9 tập I.
Không xác định chính xác kiến thức
Văn bản: Phong cách Hồ Chí Minh (của Lê Anh Trà) ở trang 112, phần b. Nghệ thuật viết: Vận dụng các phương thức biểu đạt tự sự, biểu cảm, lập luận là không đúng, vì nói về phương thức biểu đạt thì không có phương thức lập luận mà chỉ có phương thức nghị luận. Như vậy nếu áp dụng dạy học và cho học sinh ghi chép thì trái với bài học về các phương thức sử dụng trong văn bản trong chương trình đổi mới. Phương thức nghị luận mà gọi là phương thức lập luận là sai kiến thức cơ bản.
Tương tự, văn bản: Hoàng Lê Nhất Thống Chí – Hồi thứ mười bốn (của Ngô văn gia phái) ở trang 126 phần a. Nội dung viết: Ngày 20, 22, 24 tháng 11, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và xuất quân ra Bắc ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân là không cụ thể vì ngày lên ngôi chỉ là 1 ngày, 1 lần chứ không thể 3 ngày, 3 lần cách nhật như thế, nếu tính ra thì một vị vua phải 3 lần lên ngôi đó sao, điều đó rõ ràng là không đúng! Hay văn bản: Làng (Kim Lân), trang 151, phần b. Nghệ thuật có viết: Tạo tình huống truyện gay cấn: Tin thất thiệt được chính những người đi tản cư từ phía làng chợ Dầu lên nói. Đây không thể gọi là tình huống gay cấn mà phải gọi là tình huống truyện bất ngờ. Bởi lẽ, trước khi ông Hai nghe tin làng theo giặc thì ông rất vui, vui đến nỗi: Ông Hai đi nghênh ngang giữa đường vắng, cái đầu cung cúc lao về phía trước. Hai tay vung vẫy, nhấp nhổm. Gặp ai quen ông lão cũng níu lại cười cười: Nắng này là bỏ mẹ chúng nó (chúng nó ở đây là giặc Tây) – (SGK trang 163). Rồi ông vô phòng thông tin nghe tin tức ta đánh Pháp, thắng Pháp khắp mọi nơi đến nỗi Ruột gan ông lão cứ múa lên cả lên vui quá. (SGK trang 164). Nghĩa là ông Hai đang yêu làng, yêu nước, tin tưởng vào kháng chiến trong tâm trạng hồ hởi, phấn khởi với tinh thần phấn chấn nhất thì đùng một cái nghe tin làng mình theo giặc là quá bất ngờ không thể tin được, nghĩa là đang nghe tin vui thì lại gặp tin buồn thì tình huống đó là bất ngờ mới hợp lý. Còn tình huống gay cấn có nghĩa phải xảy ra sự chọn lựa quyết định mà phần này thì ở phần sau, trong diễn biến tâm trạng của ông Hai trong tình yêu làng, yêu nước: Chọn nước hay chọn làng. Và ông đã chọn nước vì ông nói: Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù (SGK tập II trang 169).
Ngộ nhận về tác giả và nhân vật
Văn bản: Cảnh Ngày Xuân (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du), trang 130, phần a. Nội dung viết: Vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân được khắc họa qua cái nhìn của nhân vật trước ngưỡng cửa tình yêu hiện ra mới mẻ, tinh khôi, sống động. Nội dung này chưa chuẩn vì đây là cái nhìn của tác giả Nguyễn Du chứ không phải là cái nhìn của nhân vật, vả lại nếu là của nhân vật thì là cái nhìn của Thúy Kiều, Thúy Vân hay Vương Quan. Giả sử là Thúy Kiều thì nội dung cũng không đúng vì Thúy Kiều lúc này chưa gặp Kim Trọng, nghĩa là chưa có tình yêu lứa đôi đẹp thì làm gì có cái nhìn của nhân vật trước ngưỡng cửa tình yêu hiện ra mới mẻ, tinh khôi, sống động. Như vậy vẻ đẹp dưới cái nhìn của nhân vật là chưa đúng.
Dùng từ tối nghĩa
Văn bản: Mã Giám Sinh mua Kiều (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du), trang 133, phần b. Nghệ thuật viết: Sử dụng từ ngữ kể lại cuộc mua bán. Viết như thế là chưa rõ ràng, có thể nói là tối nghĩa nữa. Sử dụng từ ngữ kể lại việc mua bán là từ ngữ gì? Nên chăng nên viết là Nghệ thuật sử dụng từ ngữ trong việc kể lại việc mua bán mới chuẩn kiến thức.
Kiến thức yêu cầu mơ hồ, chung chung
Văn bản: Ánh trăng (Nguyễn Duy) ở trang 148, mục I. Mức độ cần đạt yêu cầu: Biết được đặc điểm và những đóng góp của thơ Việt Nam vào nền văn học dân tộc thì quá chung chung, mơ hồ, bởi lẽ đây là mức độ cần đạt của việc học về bài thơ Ánh trăng thì phải cho học sinh nắm những đóng góp của bài thơ này với thơ hiện đại Việt Nam chứ không phải là bài học khái khát về thơ mà Biết được đặc điểm và những đóng góp của thơ Việt Nam vào nền văn học dân tộc như thế.
Là giáo viên bộ môn ngữ văn rất cần có kiến thức chuẩn để giảng dạy, với mong muốn học sinh nắm kiến thức chương trình thật chuẩn theo yêu cầu của tinh thần dạy – học chuẩn kiến thức, kỹ năng của ngành hiện nay nên tôi mạnh dạn nêu vài dẫn chứng trên, rất mong Ban biên soạn sách Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn Ngữ văn THCS lưu tâm đến.
Nguyễn Văn Tú
(Trường THCS Phạm Văn Đồng,
Hòa Vang, Đà Nẵng)
Bình luận (0)