Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuẩn nào cho môi trường giáo dục an toàn?

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 7-3, báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận tổ chức Hội thảo khoa học lần 9 “Vai trò người cán bộ quản lý giáo dục trong việc xây dựng và phát huy môi trường giáo dục an toàn, tự chủ và thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh theo Nghị quyết 29-NQ/TW”.

Hội thảo có sự tham gia của NGND  Nguyễn Thị Mỹ Lộc (ĐH Quốc Gia Hà Nội), NGƯT Trương Thị Mỹ Lai (Chủ nhiệm CLB Sau Đại học Q.Phú Nhuận), TS Huỳnh Công Minh (nguyên giám đốc sở GD-ĐT TP) cùng các nhà nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý…

32 báo cáo tham luận được chia sẻ tại Hội thảo, là những nghiên cứu khoa học từ lý luận về công tác quản lý giáo dục đến kinh nghiệm thực tế. Hội thảo được tổ chức từ năm 2009 và là sinh hoạt chuyên môn của ngành GD-ĐT Q.Phú Nhuận.

Vai trò của Hiệu trưởng

Tại Hội thảo, NGƯT  Ninh Văn Bình khẳng định, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo là một chủ trương lớn, thể hiện tư duy mới trong quản lý giáo dục và quyết tâm của Đảng trong  đổi mới và chấn hưng giáo dục.

Mổ xẻ các yếu tố tự chủ trong quản lý trường học, ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (Chuyên viên phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) nhận định: Người hiệu trưởng cần tự chủ trong chuyên môn, nghiệp vụ, có sự phán đoán và quyết định đúng đắn trong bố trí điều tiết nhân sự.  Đồng thời tự chủ trong quản lý tài chính của nhà trường nhưng cần lưu ý công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về các quyết định quản lý.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ThS Trương Thị Hồng Vân (Hiệu trưởng trường Tiểu học Sông Lô) nhấn mạnh: “Môi trường giáo dục đóng vai trò quan trọng không chỉ trong giai đoạn còn là học sinh mà còn là tiền đề cho sự hình thành nhân cách, tư duy, lối sống sau này”. 

Với kinh nghiệm quản lý, Ths Võ Cao Long (Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) khẳng định, Môi trường học tập có tác động rất quan trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách, phẩm chất và năng lực học sinh. Đây chính là tiền đề để các tham luận đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trong xây dựng và phát triển môi trường giáo dục an toàn, tự chủ và thân thiện.

Trong khi đó, NGƯT Trương Thị Mỹ Lai cho rằng, ý chí và tư duy đổi mới công tác quản lý trường học của người hiệu trưởng tác động tích cực đến các lực lượng trong và ngoài nhà trường trong định hướng xây dựng môi trường giáo dục của đơn vị.

Cùng với tự chủ, các biện pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn trong mỗi trường học được nêu cụ thể qua nhiều tham luận. TS Hà Thị Kim Sa (Hiệu trưởng trường THCS-THPT Hồng Hà) đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc tổ chức thành công hoạt động giáo dục ngoại khóa. Theo đó, tiêu chí an toàn khi tổ chức hoạt động giáo dục ngoại khóa được xác định cụ thể, đề cập đến trách nhiệm của người cán bộ quản lý trong việc tạo môi trường giáo dục lành mạnh cho trẻ”.

Bà Vũ Thu Nguyệt Minh (GV Trường Bồi dưỡng Giáo dục Q.Phú Nhuận) xác định: Việc xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu cung cấp tri thức mà còn phải nói “không” với bạo lực học đường, Tạo cho các em tâm lý thoải mái và tin tưởng, từ đó giúp trẻ phát huy hết khả năng học tập và sáng tạo.

Can thiệp kịp thời những nguy cơ xấu

Ths Võ Cao Long chia sẻ: Các ý kiến tại Hội thảo chỉ ra những khó khăn, bất cập và đề xuất biện pháp sát với thực tế. Cụ thể là tiếp tục cải tiến và xây dựng bền vững công tác quản lý trường học, phát huy sự tự chủ của mỗi trường trong xây dựng môi trường giáo dục. Đặc biệt là phát huy mối quan hệ phối hợp giữa trường học, gia đình và xã hội.

Ở một góc nhìn khác, TS. Ninh Văn Bình (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận) đánh giá: “Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục thể hiện tư duy mới trong quản lý nhưng phải đặt yêu cầu về tự chịu trách nhiệm tránh nguy cơ dẫn đến chạy theo lợi ích trước mắt, giảm sút chất lượng.

Hội thảo đã chọn ra những bài nghiên cứu khẳng định tầm quan trọng của môi trường giáo dục, có vai trò quyết định đội ngũ cán bộ quản lý. Qua đó đề xuất  biện pháp nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, tự chủ và thân thiện.

Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Kiệu, cô Nguyễn Thị Thanh Hằng cho rằng, để có môi trường an toàn, lành mạnh thân thiện, nhà trường phải chú trọng công tác chống bạo lực học đường, có biện pháp can thiệp kịp thời.

“Thiết kế nhiều hoạt động tích cực phù hợp tâm sinh lý tạo hứng thú cho lứa tuổi trẻ mầm non” là ý kiến của cô Nguyễn Thị Kiều Oanh (Phó Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận.

TS. Huỳnh Công Minh (nguyên giám đốc sở GD-ĐT TP.HCM đúc kết:  “Người cán bộ quản lý không ngừng nâng cao nhận thức của bản thân về môi trường giáo dục, tổ chức một cách khoa học, hiệu quả và động viên tích cực mọi mọi thành viên nhà trường quan tâm, luôn ý thức góp sức mình trong việc xây dựng và phát huy môi trường giáo dục. “Tích cực hoạt động là nhân tố gương mẫu đủ sức thu hút mọi người cùng tham gia, xây dựng môi trường giáo dục với cả tình cảm và tâm huyết”, TS Huỳnh Công Minh phân tích.

Đó cũng là kỳ vọng của NGƯT Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP): Phẩm chất người Hiệu trưởng mang tính truyền thống về bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống gương mẫu bên cạnh năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và năng lực quản lý, điều hành. Đồng thời xây dựng tốt mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường, quan tâm xây dựng môi trường giáo an toàn, văn minh. “Hiệu trưởng là thuyền trưởng có trách nhiệm lèo lái con thuyền về đến đích an toàn, là linh hồn của mỗi đơn vị góp phần quan trọng vào sự thành công hay thất bại của một trường học”, NGƯT Nguyễn Văn Ngai quả quyết. 

Nguyễn Hoàng Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)