Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuẩn nào cho ngoại ngữ?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường ĐH đang được tổ chức rất khác nhau, chuẩn yêu cầu cũng mỗi nơi mỗi khác. Những bất hợp lý khi xây dựng chuẩn cũng như cách làm thiếu chặt chẽ đã nhen nhóm trong sinh viên xu thế mua bán chứng chỉ để đối phó.
Buổi học tiếng Anh giao tiếp quốc tế dành cho đối tượng sinh viên, học sinh tại Anh văn Hội Việt – Mỹ chiều 29-6 – Ảnh: Như Hùng
Hiện Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) vẫn đang duy trì việc tổ chức đào tạo bốn học phần tiếng Anh (hai học phần tổng quát, hai học phần chuyên ngành) trong quá trình đào tạo để trang bị cho sinh viên các kỹ năng về ngoại ngữ: nghe, nói, đọc, viết. Chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của trường này cũng chỉ yêu cầu sinh viên hoàn tất bốn học phần ngoại ngữ, tức có khả năng giao tiếp tốt, đọc các tài liệu chuyên ngành để nghiên cứu và làm việc.
Bao nhiêu cho vừa?
Trong khi đó, từ tháng 9-2008, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã ban hành quy định chuẩn TOEIC để đánh giá trình độ tiếng Anh đối với sinh viên tốt nghiệp hệ ĐH chính quy. Để được xét công nhận tốt nghiệp, sinh viên phải có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận điểm thi TOEIC còn trong thời hạn giá trị (hai năm kể từ ngày cấp, tính đến thời điểm xét tốt nghiệp) và phải đạt điểm tối thiểu 550 điểm đối với sinh viên ngành ngoại thương, du lịch, kinh doanh quốc tế và 450 điểm đối với sinh viên các ngành khác.
Không cao nhưng vẫn… choáng
Đại diện một số trường cho biết việc đặt ra mức chuẩn như đã công bố căn cứ vào yêu cầu của các ngành đào tạo nhằm đáp ứng công việc thực tế hiện nay. Một số trường đang cân nhắc ở mức 350-400 điểm TOEIC. Thực chất chuẩn này không cao nhưng so với trình độ ngoại ngữ hiện tại của phần đông sinh viên và điều kiện dạy học, sẽ có nhiều sinh viên choáng và lúng túng trong việc lấp khoảng trống ngoại ngữ cần thiết để đạt được điều kiện tốt nghiệp.
Ở phía Bắc, từ năm học 2009- 2010, ĐHQG Hà Nội đã áp dụng thử nghiệm chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho các ngành đào tạo, trong đó tiếng Anh sẽ lấy điểm IELTS để đánh giá. Sinh viên hệ chính quy đạt 4 điểm IELTS, sinh viên hệ chất lượng cao đạt 5,5 điểm, sinh viên hệ cử nhân khoa học tài năng đạt 6  điểm sẽ được miễn thi tiếng Anh.
Trường ĐH Ngoại thương có mức chuẩn chung đối với tiếng Anh là 620 điểm TOEIC. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Học viện Bưu chính viễn thông công bố “chuẩn” là 450 điểm TOEIC. Tùy từng ngành, các trường trên yêu cầu sinh viên đạt chuẩn chung theo hệ TOEIC kèm theo trình độ ngoại ngữ chuyên ngành.
Cần chuẩn đầu vào
Với chuẩn được công bố, nhiều trường ĐH hiện nay thực hiện quy định miễn học và thi ngoại ngữ đối với sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương với yêu cầu của nhà trường.
TS Lê Hữu Phước, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), giải thích: “Thực tế trình độ ngoại ngữ của sinh viên không giống nhau. Với hình thức tự tích lũy, sinh viên có thể tự chọn khóa học ở các trung tâm ngoại ngữ phù hợp trình độ, thời gian của mình”.
Thạc sĩ Võ Đình Phước, trưởng ban ngoại ngữ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng chuẩn ngoại ngữ theo chứng chỉ quốc gia A, B, C nay đã lỗi thời. “Căn cứ vào nhiều yếu tố, trường quyết định chọn chuẩn TOEIC với các mức điểm trên. Việc quy định chuẩn này giúp sinh viên có động lực học tập, ý thức nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình để đáp ứng nhu cầu xã hội” – ông Phước cho biết.
Nhưng khi đặt ra yêu cầu mà chưa tính hoặc tính không sát thực tế dạy học ngoại ngữ sẽ dẫn đến tình trạng hoặc sinh viên nảy sinh tiêu cực, hoặc sẽ có nhiều sinh viên bị rơi rụng vì môn ngoại ngữ. Giải pháp của một số trường hiện nay là một mặt cứ công nhận chứng chỉ do sinh viên mang về nhưng đồng thời duy trì việc dạy học, kiểm tra đối với sinh viên đăng ký tại trường.
TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho rằng đã đến lúc cần quy định chuẩn đầu vào về ngoại ngữ. Bên cạnh đó trong quá trình đào tạo, giảng viên cần đưa ra các "thách thức” với sinh viên (cung cấp tài liệu tiếng Anh, tổ chức seminar không phiên dịch…).
Lúc đó sinh viên sẽ thấy được nhu cầu sử dụng tiếng Anh và có ý thức tốt trong việc tự nâng cao trình độ ngoại ngữ. “Khi chuyển sang học chế tín chỉ, các học phần ngoại ngữ cũng bị cắt giảm, thời gian lên lớp ít, điều kiện đào tạo trong trường thiếu. Vì vậy đòi hỏi sinh viên phải tự trang bị thêm kỹ năng ngoại ngữ cho mình mới đạt được chuẩn đầu ra về ngoại ngữ” – ông Quang nói.
VĨNH HÀ – TRẦN HUỲNH / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)