Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuẩn ngoại ngữ… còn xa lắm!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo những quy định mới về chuẩn hiệu trưởng (HT), chuẩn giáo viên (GV) đều có tiêu chí về chuẩn ngoại ngữ. Yêu cầu của chuẩn này là phải sử dụng được ngoại ngữ một cách thành thạo (không còn “hợp thức hóa” trình độ ngoại ngữ kiểu bằng cấp như trước đây).

Việc ngành giáo dục đặt ra các loại chuẩn, trong đó có chuẩn về ngoại ngữ là đúng, phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước. Một HT hoặc một GV, khi tiếp xúc với khách nước ngoài, nếu sử dụng được ngoại ngữ thì đó sẽ là một sự khích lệ; sự động viên to lớn cho đội ngũ nhà giáo, cho đông đảo học sinh.

Nhưng liên hệ với tình hình thực tế hiện nay, theo nhiều cán bộ quản lý cũng như giáo viên thì chuẩn ngoại ngữ này thiếu tính thực tế, khó thành hiện thực đại trà! Không phải thấy khó mà không làm thì đợi đến lúc nào? Vì vậy, dù khó mấy cũng phải thực hiện chuẩn ngoại ngữ làm tiêu chí đánh giá.

Xin được nêu ra một số băn khoăn, chưa “thấm lắm” như sau:

Một là: Chuẩn ngoại ngữ cho HT, GV để làm gì? Đặt ra chuẩn để có cơ sở đánh giá toàn diện là việc làm khoa học nhưng với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử để lại như hiện nay thì điều này trở nên khó thực hiện vì nó không sâu sát với thực tế! Vì vậy, có thể khuyến khích việc sử dụng ngoại ngữ trong trường hợp cần thiết (dạy tiết học song ngữ, tiếp xúc khách nước ngoài…).

Hai là: Giả sử một khi HT, GV sử dụng thành thạo một ngoại ngữ nào đó thì họ trau dồi, rèn luyện vốn ngoại ngữ hàng ngày như thế nào? Gặp nhau hàng ngày nói với nhau bằng tiếng Anh, tiếng Pháp chăng? HT lên bục dặn dò học sinh khi sinh hoạt dưới cờ hàng tuần bằng tiếng Anh sao? Như vậy lại cần một GV đứng bên làm nhiệm vụ phiên dịch…

Được biết còn có trường quy định: GV dạy ngoại ngữ khi gặp nhau phải trao đổi bằng tiếng Anh, tiếng Pháp để nâng cao tay nghề. Ai giám sát việc này? Nếu có người giám sát chăng nữa thì phải là người “trên cơ” ngoại ngữ mới nhận biết được!

Ba là: Đội ngũ cán bộ quản lý, GV muôn hình vạn trạng, do được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. May ra chỉ có GV dạy ngoại ngữ mới có thể “sử dụng thành thạo ngoại ngữ”, có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ với khách nước ngoài (số này rất ít); còn lại GV các bộ môn khác (dù có bằng Anh văn này, bằng Pháp văn kia… cất trong tủ) nhưng đạt được chuẩn “sử dụng thành thạo” thì hầu như không có!

Những GV lớn tuổi thì học làm sao vô được? Chương trình dạy học chạy theo muốn bở hơi tai, thời gian đâu mà học lại ngoại ngữ, mà còn phải tới mức “thành thạo” thì quả thật, không ai làm được!

Bốn là: Một khi ngoại ngữ (Anh, Pháp…) trở thành ngôn ngữ thứ hai thì tất cả GV mới có điều kiện tiếp xúc, trò chuyện với khách nước ngoài. Ở vùng nông thôn sâu, vùng núi cao cũng rất cần ngoại ngữ vì các loại hình du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nếu không biết ngoại ngữ thì không thể trao đổi, trò chuyện với khách được.

Hình ảnh những người dân vùng cao nói tiếng Anh rất thoải mái với khách đã gợi cho chúng ta nhiều điều! Đó là phải thay đổi cách dạy nặng về chú trọng văn phạm, cú pháp mà phải dạy theo cách xử lý trong các tình huống cuộc sống… Buồn thay, học Anh văn ròng rã bảy năm trời (lớp 6 đến lớp 12) mà khi gặp khách Tây, học sinh mình chỉ biết huơ tay thì cái chuẩn về ngoại ngữ vẫn còn xa lắm mới tới đích!

Lê Đc Đng
(nguyên Phó Hiu trưng mt trưng THPT)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)