Trong ba thập niên qua, Việt Nam đã tấn phong gần 9.000 giáo sư, phó giáo sư. Chưa đến 1/4 trong số họ (tức chỉ khoảng 2.100 người) thật sự giảng dạy trong các trường đại học dù chức danh này, về danh nghĩa, dành cho những nhà khoa bảng giảng dạy và nghiên cứu ở đại học.
Năm 2010, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tấn phong cho 71 giáo sư và 507 phó giáo sư. Số lượng không ít, song ai cũng thấy đã rất cần một sự cải cách trong việc tấn phong và phân nhóm giáo sư để phù hợp với tình hình phát triển khoa học – công nghệ nước nhà.
Chức danh giáo sư và hệ thống khoa bảng
Hệ thống thang bậc khoa bảng trên thế giới có nhiều khác biệt và đã trải qua nhiều thời kỳ cải cách. Trong các trường đại học phương Tây, người ta phân biệt ba cấp nhân viên giảng dạy tạm gọi (theo chức năng và trình độ) là: tập sự, trung cấp và cao cấp. Nói chung, các đại học trên thế giới hiện có xu hướng đơn giản hóa hệ thống chức danh khoa bảng theo mô hình của Mỹ (với ba chức danh chính: assistant professor, associate professor và professor). Các đại học châu Á, một số ở châu Âu và ngay cả một số ĐH Úc cũng đã và đang dần chuyển sang mô hình hệ thống ba bậc này.
Ở Việt Nam, hệ thống khoa bảng có vẻ đơn giản hơn, hiện chỉ có hai chức danh “phó giáo sư” (được xem tương đương associate professor) và “giáo sư” (professor). Từ “phó” có lẽ không chính xác, bởi trong thực tế người mang danh phó giáo sư chẳng làm phó cho ai cả, mà họ là những nhà nghiên cứu độc lập, thậm chí còn giữ chức vụ hành chính cao hơn cả giáo sư.
Ở hầu hết các đại học phương Tây và châu Á, giáo sư là một chức danh được bổ nhiệm và có thời hạn nhất định, thông thường 3-5 năm. Sau thời hạn đó, ứng viên phải làm thủ tục được bổ nhiệm lại (renew) và khi nghỉ hưu, tùy vào trường hợp, nhiều người không có quyền dùng danh xưng “giáo sư” trước tên mình. Trong khi đó ở Việt Nam, trong một thời gian dài chức danh giáo sư được xem như một phẩm hàm, và vì vậy có quyền sử dụng danh xưng này suốt đời. Ngày nay, qua vài lần cải cách, chức danh giáo sư không còn là một phẩm hàm, nhưng người được tấn phong chức danh này vẫn phải tìm một cơ sở giáo dục để nghiên cứu hay giảng dạy.
Ở các nước trong vùng hay ở phương Tây, chức danh assistant professor, associate professor và professor thường gắn liền với một trường đại học. Đó là những chức danh do trường đại học cấp, dựa theo những tiêu chuẩn về thành tích nghiên cứu khoa học, thành tựu trong giảng dạy và đào tạo, mức độ đóng góp cho chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế, cho cộng đồng. Vì là chức danh của một trường đại học cụ thể, giáo sư của trường này không hẳn sẽ được công nhận ở trường khác. Trên thế giới, và ngay cả trong cùng một quốc gia, không phải đại học nào cũng như nhau về mặt chất lượng. Do đó, tiêu chuẩn đề bạt chức danh giáo sư cũng rất khác nhau giữa các đại học. Một người là giáo sư ở đại học A, nhưng nếu chuyển đến đại học B thì có thể chỉ là phó giáo sư, thậm chí thấp hơn.
Ngược lại với quy chế ở nước ngoài, Việt Nam có quy chế tấn phong chức danh theo mô hình tập trung. Theo mô hình này, chức danh giáo sư do Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước xét duyệt và phong tặng sau khi ứng viên đã trải qua xét duyệt ở cấp cơ sở và đạt những tiêu chuẩn do Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đề ra. Người được đề bạt chức danh giáo sư có khi không gắn liền với một trường đại học nào. Thật vậy, trong số gần 9.000 giáo sư và phó giáo sư đã được tấn phong trong gần 30 năm qua, hơn 75% không làm việc trong các đại học. Rất nhiều quan chức cao cấp trong bộ máy hành chính và quản lý tuy không làm nghiên cứu khoa học hay giảng dạy nhưng cũng mang chức danh giáo sư!
Cần cải cách chức danh giáo sư
Trong trào lưu tương tác giữa đại học, chính phủ và kỹ nghệ, cần phải có quy chế về chức danh cho những người không làm việc trong các đại học. Ở các nước phương Tây, một số chuyên gia tuy không nằm trong biên chế của đại học nhưng do có những đóng góp cho đại học qua giảng dạy và nghiên cứu cũng có thể được phong chức danh giáo sư, song tiêu chuẩn rất khác với các giáo sư của đại học. Theo tôi, cơ chế này cũng có thể áp dụng cho Việt Nam.
Trước hết, nên phân biệt rõ hai loại giáo sư chính thức và không chính thức. Giáo sư chính thức là những người thuộc biên chế của đại học và nhận lương từ trường đại học. Giáo sư không chính thức là những người không phải của đại học và cũng không nhận lương từ đại học, nhưng có đóng góp hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cho đại học. Do đó, ngoài việc phong chức danh cho các giáo sư như hiện nay, cần phải phát triển những tiêu chuẩn cụ thể cho các giáo sư không chính thức. Theo đó, cần phải có những chức danh giáo sư kiêm nhiệm, giáo sư danh dự, cựu giáo sư và giáo sư thỉnh giảng với những tiêu chuẩn “nhẹ” hơn tiêu chuẩn của các giáo sư biên chế. Tất cả những chức danh này là một hình thức nhằm tăng cường mối liên hệ và tương tác giữa đại học với viện nghiên cứu hay kỹ nghệ.
Xã hội đặt kỳ vọng cao vào các giáo sư
Giáo sư là một chức danh cao quý. Các giáo sư là một phần của bộ mặt khoa học Việt Nam. Vì thế, xã hội có quyền đặt kỳ vọng cao vào những nhà khoa học mang chức danh giáo sư. Xã hội muốn thấy những người mang hàm giáo sư phải có khả năng tương xứng với đồng nghiệp quốc tế và có đóng góp thật sự cho sự phát triển khoa học nước nhà. Trong chiều hướng hội nhập quốc tế có lẽ đã đến lúc chúng ta xem xét lại các tiêu chuẩn và ngạch đề bạt giáo sư ở nước ta.
Trên thế giới và cả ở nước ta, chức danh giáo sư đã trải qua nhiều thay đổi. Những năm gần đây, nước ta có thay đổi về tiêu chuẩn và quy trình phong chức danh này, tuy có cải tiến theo chiều hướng tốt hơn nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải xem lại để phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Chẳng hạn việc tính điểm một cách máy móc để làm chuẩn cho việc phong giáo sư, theo tôi, là không hợp lý và hàm chứa nhiều cơ hội cho tiêu cực. Tuy nhiên, một trong những điều bất cập hiển nhiên nhất hiện nay là chưa phân biệt được chức danh giáo sư biên chế của đại học và giáo sư kiêm nhiệm, dẫn đến tình trạng chỉ khoảng 1/4 giáo sư thật sự giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Để tránh tình trạng nhập nhằng này, thiết nghĩ cần phải tạo ra những chức danh giáo sư mới và tách bạch những giáo sư thực thụ với những giáo sư kiêm nhiệm, giáo sư danh dự, cựu giáo sư và giáo sư thỉnh giảng.
Ngược dòng lịch sử tìm chức danh giáo sư
Chức danh giáo sư là một khái niệm khởi đầu từ thế kỷ 12 ở phương Tây. Vào thời đó, Trường đại học Paris (thành lập vào năm 1170) và Đại học Bologna ở Ý (thành lập vào khoảng 1158) là hai trung tâm giáo dục hàng đầu ở châu Âu. Theo bộ luật La Mã, mỗi ngành nghề có quyền thành lập một hiệp hội gọi là Collegium, và hiệp hội này bầu ra những người có danh hiệu là magistrates (tạm dịch là thầy). Vào thời kỳ này, người được nhận vào làm công việc phụ giảng được gọi là bachalari. Vào cuối thế kỷ 13, Đại học Paris thay đổi học vị này thành baccalauréat. Lúc bấy giờ, học vị baccalauréate hay bachelor là học vị duy nhất được cấp cho những thí sinh đã thi đỗ một khóa thi do các thầy đặt ra, và đã hoàn tất một chương trình học bốn năm về ngữ pháp (grammar), tu từ học (rhetoric) và logic học. Sau khi hoàn tất văn bằng bachelor, thí sinh có thể theo học tiếp chương trình master hay doctor. Và sau khi đã xong chương trình học master hay doctor (khoảng tám năm), một hội đồng giám khảo sẽ duyệt xét thí sinh để kết nạp vào tổ chức được gọi là Universitas of doctors. Thành viên của tổ chức này cũng là một “chứng chỉ” được hành nghề giảng dạy đại học.
Lúc bấy giờ, những chức danh như master, doctor và professor có cùng nghĩa và tương đương về giai cấp: hành nghề dạy học. Vào thế kỷ 13, những người dạy học tại Trường đại học Bologna, lúc đó là trung tâm về luật pháp ở châu Âu, được gọi là doctor. Trong khi đó ở Đại học Paris, là trung tâm về văn học nghệ thuật, những người dạy học được gọi là master. Do đó, các nhà khoa bảng thuộc các bộ môn văn hóa nghệ thuật thường được gọi là master of arts (M.A), trong khi đồng nghiệp của họ ở các bộ môn triết lý, thần học, y học và luật được gọi là doctor of philosophy (Ph.D). Ngày nay, những danh xưng này được xem là bằng cấp (hay học vị), nhưng danh xưng professor là một chức danh khoa bảng. Phần lớn – chứ không phải tất cả – giáo sư đều có bằng tiến sĩ, nhưng chỉ một số rất ít tiến sĩ có thể đạt được chức danh giáo sư.
|
NGUYỄN VĂN TUẤN / TTO
Bình luận (0)