Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Chung kết Europa League, 19/05, 01:45, FC Porto – Sporting Braga: Chỉ chung quốc tịch

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoại trừ việc cùng đại diện cho nền bóng đá Bồ Đào Nha (BĐN), Porto và Braga không có nhiều điểm chung khi họ bước ra sân Avia (Dublin, Ireland) vào tuần sau để quyết định ai sẽ trở thành nhà vô địch Europa League mùa giải này. Porto là đội bóng giàu truyền thống, hùng mạnh, đại diện cho thủ đô, đội hình chật ních ngôi sao và có lượng cổ động viên đông đảo nhất nước. Hoàn toàn ngược lại, đây là lần đầu tiên Braga tiến xa được đến thế ở châu Âu, với những cầu thủ vô danh  đại diện cho một thị xã tỉnh lẻ. Về phong cách, họ cũng hoàn toàn khác nhau.

Ở Bồ Đào Nha, Porto (giữa) luôn lấn lướt Braga

Porto: Đội bóng của Andre Villas Boas?
Phải thừa nhận rằng Porto hiện đang có một đội hình mạnh nhất kể từ thời Jose Mourinho. Ở cả ba tuyến, nhà vô địch BĐN đều sở hữu những ngôi sao trẻ đầy triển vọng. Hàng hậu vệ có Maicon (22 tuổi), Nicolas Otamendi (23), đều là những người đã đóng góp quan trọng trên mọi mặt trận của Porto mùa này. Hàng tiền vệ là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tuổi trẻ, với những ngôi sao như Joao Moutinho (24 tuổi), Fernandao (23), và các cầu thủ đang ở độ chín của sự nghiệp, như Fernando Belluschi hay Silvestre Varela.
Tuy nhiên, tập hợp đó rõ ràng vẫn khó lòng làm nên kỳ tích 29 trận bất bại (26 thắng, 3 hòa) ở giải vô địch BĐN mùa này, cũng như chiến dịch ấn tượng tại Europa League, nếu trên băng ghế huấn luyện không có chiến lược gia trẻ tuổi nhất ở đấu trường đỉnh cao châu Âu, Andre Villas Boas.“Tôi không muốn làm HLV lâu vì đó là một công việc khiến bạn tốn nhiều năng lượng và cảm xúc”, HLV 34 tuổi này nói với báo Telegraph trong một cuộc phỏng vấn mới đây. “Tôi muốn có một sự nghiệp ngắn, 10-12 năm, 15 năm là tối đa, rồi ra đi. Nhưng trong thời gian đó, tôi muốn để lại dấu ấn của mình”.
Nếu như dấu ấn đó là cú ăn ba ngay trong mùa giải chuyên nghiệp thứ hai, thì Villas Boas đã sắp làm được. Chức vô địch BĐN đã được ông bỏ túi trước năm vòng đấu. Còn hai chiếc cúp Europa League và Cúp quốc gia cũng trong tầm tay khi mà đối thủ của Porto chỉ là Braga và Vittoria Guimaraes, những đội bóng đều đã thúc thủ dưới tay Villas Boas mùa này.
Mỗi khi được hỏi về bí quyết thành công, Villas Boas luôn cho rằng mình may mắn. Quả thật, nhiều sự tình cờ kỳ lạ đã giúp ông đến được với thành công nhanh chóng như thế. Năm 16 tuổi, Villas Boas đã sống cùng khu căn hộ chung cư với Bobby Robson, lúc đó dẫn dắt Porto và được bổ nhiệm là người phụ trách điều tra đối thủ của CLB. Dưới sự hướng dẫn của Robson, rất ấn tượng vì tiếng Anh trôi chảy của Villas Boas, ông đã lấy bằng HLV C của UEFA khi mới 17 tuổi ở Scotland. 21 tuổi, Villas Boas đã dẫn dắt đội tuyển quốc gia British Virgin Islands, rồi lại may mắn được làm việc cùng Jose Mourinho ở Porto, Chelsea và Inter Milan.
Đầu mùa giải 2009-2010, Villas Boas từ giã Mourinho để bắt đầu sự nghiệp của riêng mình với công việc ở CLB Academica. Tháng 10-2009, khi ông được bổ nhiệm, đội bóng này đang xếp bét bảng Primeira Liga BĐN, chưa có chiến thắng nào, nhưng Villas Boas đã đưa CLB vươn lên xếp hạng 11, cách vùng nguy hiểm 10 điểm vào cuối mùa. Academica còn vào bán kết Cúp quốc gia và thành tích đó đã giúp Villas Boas chuyển đến Porto trong mùa giải này.
Dễ hiểu là gần như ngay lập tức ông được mọi người xưng tụng là một Mourinho mới, nhưng bản thân Villas Boas không nhìn nhận như vậy. “Tôi tin rằng tôi có những tính cách riêng, cách làm việc khác biệt, nhưng mọi người vẫn cứ gắn tôi với một trong những HLV xuất sắc nhất thế giới và tôi phải sống chung với điều đó”, ông nói. “… Tôi là một HLV bình thường được hưởng lợi nhờ có những cầu thủ giỏi. Tôi không phải là Người đặc biệt… Porto không cọn tôi vì Jose từng ở đây hay tôi chọn Porto vì Jose từng ở đây. Đó chỉ là sự trùng hợp. Chúng tôi phải thành công vì đây là một đội bóng lớn, chẳng có gì bất thường cả. Đây cũng không phải là lần đầu chúng tôi vào chung kết một giải lớn ở châu Âu”.
Tuy nhiên, nếu như Porto chiến thắng ở Dublin vào tuần sau, với một HLV 34 tuổi, một cựu trợ lý của Mourinho huyền thoại, có lẽ khó có thể coi đó là điều bình thường, như Villas Boas nói.
Braga: Đội bóng của tập thể
Với những cầu thủ Braga, chiến thắng lịch sử trong trận bán kết với Benfica là một thắng lợi của tinh thần tập thể đã đưa đội bóng của HLV Domingos Paciencia tiến xa đến thế ở hành trình kỳ thú ở châu Âu mùa giải này.
Tinh thần tất cả vì đội bóng đó chính là bí quyết để Braga lần lượt vượt qua Lech Poznan, Liverpool, Dynamo Kiev rồi Benfica để có mặt ở Dublin. Custodio, người ghi bàn quyết định trong trận lượt về trước Benfica ở sân AXA, là hiện thân của tinh thần đoàn kết tập thể đó. “Tôi rất vui vì đã ghi bàn đưa đội bóng đi tiếp, nhưng đây là một chiến thắng tập thể và chúng tôi đã thể hiện sự gắn kết tuyệt vời”, tiền vệ 27 tuổi này nói. “Tôi chỉ ghi bàn, những người khác cũng có vai trò quan trọng không kém. Hãy xem Paulao, anh ấy đã xóa bóng ngay trên vạch vôi. Cả đội bóng đã đóng góp vào chiến thắng này. Tôi cho rằng bí quyết của chúng tôi là khát khao chiến thắng như một tập thể”.
Paulao, đúng như lời Custodio, đích thực là một người hùng thầm lặng của Braga trong cả mùa giải này. Riêng trong trận bán kết lượt về, trung vệ 28 tuổi người Brazil đã chạy không biết mệt để khắc chế Oscar Cardozo, chân sút nguy hiểm của Benfica. Và nhờ thế, anh đã có thể ca ngợi chiến thắng của Braga là một “giấc mơ thành sự thật” sau pha phá bóng ngay trên vạch vôi khung thành vào cuối trận từ cú dứt điểm của Alan Kardec.
Phong cách cảm tử quân đó cũng đã giúp Braga kiếm được nhiều người hâm mộ ở mùa giải này, và HLV Paciencia tin rằng đất nước BĐN đang ủng hộ đội bóng của ông, chứ không phải gã khổng lồ Porto, trong cuộc đấu ở Dublin. “Tôi cảm thấy rằng ngoài các CĐV Braga, cả đất nước đang ủng hộ đội bóng của tôi”, Paciencia nói. “Chúng tôi đã tạo ra hình ảnh về một đội bóng của những chiến binh, một đội bóng làm việc hết mình và điều đó giúp cho các CĐV nhớ lại rằng bản chất của bóng đá là sự nỗ lực. Một đội bóng nỗ lực có thể chiến thắng. Đó là điều khiến tôi tự hào, được là người dẫn dắt đội bóng này, được cảm nhận ràng những CĐV, và cả thành phố, đang sống trong một thời khắc lịch sử”.
8 Trận chung kết giữa Porto và Braga là cuộc thanh lý môn hộ thứ tám trong lịch sử các trận chung kết Europa League. Các trận trước đó là Wolves – Tottenham (Anh, 1972), Borussia Moenchengladbach – Frankfurt (Đức, 1980), Juventus – Fiorentina (Italia, 1990), Inter Milan – Roma (Italia, 1991), Parma – Juventus (Italia, 1995), Inter Milan – Lazio (Italia, 1998) và Sevilla – Espanyol (TBN, 2007).
47,4 Porto và Braga là hai đội bóng có khoảng cách gần nhau nhất vào chung kết một cúp châu Âu. Khoảng cách giữa hai thành phố chỉ là 47,4 km. Kỷ lục trước đó thuộc về trận tranh Siêu cúp UEFA 1988 giữa Mechelen và PSV Eindhoven, cách nhau 83,8 km. Trong khi đó, khoảng cách xa nhất giữa hai đội bóng trong một trận chung kết là giữa Sporting Lisbon và CSKA Moskva (UEFA Cup 2005), lên đến 3.911,2 km.
Trần Trọng (theo TTVH)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)