Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Chứng minh thư điện tử tại Việt Nam:Chặng đường còn xa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong kế hoạch tổng thể phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam đến năm 2010, có đưa ra mục tiêu: Phấn đấu tới 2010, 25% dân đô thị sử dụng chứng minh thư điện tử. Năm 2010 sắp tới gần, nhưng người dân vẫn chỉ sử dụng chứng minh thư truyền thống. Trong khi đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã sử dụng chứng minh thư điện tử, thẻ đa năng tích hợp nhiều loại giấy tờ cách đây cả thập kỷ.

Người dân Malaysia đã thay thế chứng minh thư bằng thẻ thông minh Mykad từ năm 2001.

Thế giới đi trước 10 năm

Nhìn sang Malaysia, người dân khi làm thủ tục hành chính, mua sắm, khám chữa bệnh, cư trú bất cứ đâu trong nước… chỉ cần mang theo một thẻ đa năng, đơn giản và tiện lợi. Từ năm 2001 đến 2003, Malaysia đã tiến hành tích hợp lần lượt 8 dịch vụ (chứng minh thư, giấy phép lái xe, giấy thông hành trong nước, sổ y bạ, ví điện tử, thẻ ATM, thẻ Touch‘n Go và thẻ PKI) vào một thẻ thông minh có tên MyKad. Những thành công của Malaysia đã được rất nhiều quốc gia, đặc khu hành chính như: Hồng Công (2003), Thái Lan (2004), Trung Quốc (2006), Tây Ban Nha, Bỉ (2009)… học tập và ứng dụng rộng rãi. Gần đây Mỹ cũng đã thông qua đạo luật sử dụng chứng minh thư điện tử.

Chứng minh thư điện tử là các loại thẻ đa năng (loại lưu thông tin hoặc lưu ký tự mã hóa thông tin) lúc này chỉ giữ vai trò là chìa khóa để đối chiếu thông tin hoặc mở mã khóa thông tin có trong kho dữ liệu, giúp công tác nhận dạng cá nhân nhanh chóng, an toàn, chính xác.

Hiện trên thế giới chủ yếu sử dụng 2 loại thẻ chứng minh thư đa năng. Loại thứ nhất là thẻ (có thể gắn chip) có bộ vi mạch chứa tất cả các thông tin về cá nhân, các lớp dữ liệu được phân chia riêng biệt và bảo mật bằng mật khẩu hoặc các nhận dạng trắc sinh học (vân tay, đồng tử mắt…). Tuy nhiên, loại thẻ này dễ hư hỏng (chip dễ hỏng), khó bảo mật thông tin ghi trên thẻ, bởi kẻ xấu có thể dùng máy đọc, phần mềm đọc trộm thông tin, sửa đổi dữ liệu và làm giả thẻ. Loại thứ hai là thẻ nhựa được gắn một bộ vi mạch tích hợp, không gắn chip. Trên mặt thẻ ghi tên cá nhân và hình ảnh, bộ vi mạch bên trong chỉ ghi các ký tự mã hóa của từng lớp thông tin riêng biệt. Máy đọc thẻ của từng cơ quan nhà nước sẽ chỉ giải mã được các lớp thông tin trong thẩm quyền quản lý: Cảnh sát giao thông lấy được thông tin về tên, tuổi, giấy phép lái xe…; bệnh viện lấy được thông tin về nhóm máu, tiền sử bệnh, dị ứng thuốc… Loại thẻ này có độ bền cao, việc bảo mật không phụ thuộc vào chủ thể thẻ mà do trung tâm dữ liệu đảm trách nên rất an toàn.

Việt Nam – chặng đường còn xa

Còn ở nước ta, cũng với những hoạt động trên, người dân phải mang theo hàng chục loại giấy tờ, sổ sách, gây lãng phí thời gian, công sức của cả bản thân và các cơ quan quản lý nhà nước.

Trước thực tế trên, tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng (Viện Cơ học và Tin học ứng dụng), người từng là giảng viên sau đại học của ĐH Bách khoa TPHCM, tác giả của nhiều công cụ và giải pháp bảo mật cho các hệ thống thông tin trên mạng của các cơ quan quản lý nhà nước (hiện ứng dụng thành công tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, để đưa vào sử dụng và phát triển chứng minh thư đa năng, tiến tới tích hợp các loại giấy tờ cá nhân vào một thẻ duy nhất, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng được trung tâm điều hành dữ liệu, với nhiều lớp thông tin chi tiết, đầy đủ, được cung cấp bởi tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, công tác điều hành và bảo mật phải tuyệt đối an toàn, có đội ngũ nhân lực chuyên môn cao…

Khi trung tâm dữ liệu ra đời, việc ứng dụng và phát triển chứng minh thư điện tử, thẻ đa năng, hoàn toàn trong tầm tay. Để làm được điều này, nhà nước phải đầu tư vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý, quy định rõ ràng, chi tiết trong việc: số hóa dữ liệu, cập nhật và cung cấp thông tin thường xuyên cho trung tâm dữ liệu… của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời cũng cần có sự hợp tác (về vốn, nhân lực, công nghệ) giữa nhà nước và tư nhân trong công tác điều hành và bảo mật. Khi hệ thống dữ liệu được phân chia thành các lớp riêng biệt, những lớp thông tin như: học vấn, giấy phép lái xe, sổ y bạ… các đơn vị tư nhân có thể tham gia. Còn những dữ liệu nhạy cảm, ảnh hưởng lớn tới tài chính cá nhân, tổ chức, an ninh quốc gia… buộc phải có chương trình bảo mật do nhà nước xây dựng và chính nhà nước chịu trách nhiệm điều hành, bảo mật.

Trong lộ trình triển khai Chính phủ điện tử ở nước ta, việc đổi mới phương thức quản lý tài nguyên thông tin trong các cơ quan nhà nước (xây dựng, mở rộng, tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu) là một trong ba mục tiêu cơ bản ở giai đoạn 2009 – 2010. Hiện tại, nhiều cơ quan, ban ngành đã và đang tiến hành số hóa thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của các cá nhân, tổ chức, thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình. Nhưng đến nay, tình trạng “cát cứ dữ liệu thông tin” vẫn còn phổ biến, việc thu thập, quản lý, tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa được thực hiện. Chính vì thế nguồn tài nguyên là các dữ liệu thông tin không được khai thác hiệu quả, rất lãng phí.

Trong khi việc xây dựng, tích hợp thông tin, cơ sở dữ liệu của từng công dân chưa nên hình nên dạng, thì hy vọng ứng dụng chứng minh thư điện tử, thẻ đa năng ở nước ta vẫn còn xa.

Kiên Giang (Theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)