Do bận rộn công việc, một người bạn nhờ tôi mua giúp sách giáo khoa năm mới cho con của chị, để kịp học sớm trong hè. Dù đã nói rõ các sách cần mua qua cuộc điện thoại, chị vẫn cẩn thận nhắn thêm cho tôi một tin nhắn dặn dò: ngoài sách giáo khoa, nhớ phải mua các đầu sách tham khảo, sách giải bài tập. Chắc vì quen thân, chị biết tính tôi vốn không có thiện cảm với các kiểu sách này. Kể ra thì dài dòng, nhưng kỳ thực, quan điểm của tôi vẫn cho rằng đang có một tình trạng rất đáng báo động về việc lạm dụng các loại sách tham khảo, sách giải bài tập, từ bậc tiểu học đến THPT. Với xuất phát điểm là nhằm giúp học sinh có thêm một kênh thông tin để dễ dàng tham khảo tư liệu xung quanh môn học, hoặc để kiểm dò kết quả bài tập mà các em đã thực hiện, xem đúng sai thế nào, cách trình bày ra sao, dòng sách tham khảo, sách giải bài tập đã ra đời. Thời gian đầu, kiểu sách này đã phần nào phát huy tác dụng, đóng góp không nhỏ vào quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Nội dung bài học được mở rộng hơn. Nhiều cách giải được giới thiệu để ra cùng một đáp án cũng là cách học mang lại nhiều hiệu quả. Tuy vậy, thực tế sau đó, cả phụ huynh lẫn học sinh đều dần phụ thuộc quá nhiều vào loại sách này. Không hiếm học sinh sử dụng sách giải bài tập để đối phó với việc học, với thầy cô. Sách giải toán, lý, hóa, sinh… bày bán tràn lan trong các hiệu sách. Có sách giải, những học sinh ngại làm bài, biếng nhác tư duy cứ tha hồ chép từ đầu đến cuối. Sách văn mẫu, văn tham khảo cũng phong phú không kém, dẫn đến những hệ lụy được xã hội cảnh báo từ năm này qua năm nọ nhưng vẫn không mấy đổi thay.
Rõ ràng, học sinh cần có nhận thức, ý thức sử dụng các tài liệu tham khảo, sách giải đúng cách thì mới không nảy sinh những “phản ứng phụ” như vừa kể trên. Nhưng ngay cả phụ huynh cũng phó mặc, cứ vô tư mua sách giải về cho con mà không cần biết con sử dụng như thế nào thì tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này vẫn cứ sẽ tiếp diễn.
Sách giải bài tập chỉ được sử dụng để kiểm dò kết quả, sau quá trình miệt mài nghiêm túc tự học. Sách văn mẫu càng hạn chế tham khảo càng tốt, vì nó sẽ triệt tiêu hoàn toàn khả năng tư duy và sáng tạo ngôn từ của trẻ. Nếu muốn viết hay, hãy đọc nhiều sách văn học hoặc cố gắng quan sát, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn nữa. Đó là chưa kể đến tình trạng nhiều đầu sách tham khảo, sách giải bài tập kém chất lượng đang xuất hiện trên thị trường. Có những đầu sách được tái bản nhiều lần nhưng không chỉnh sửa, không cập nhật, chỉ thay đổi bìa nhằm thu hút và qua mặt người mua. Việc các cơ quan chức năng thả nổi dòng sách này là vấn đề rất đáng quan ngại. Mặt khác, học sinh cũng chưa có nhiều kỹ năng để chọn lựa sách tham khảo, hay sách giải bài tập có chất lượng, càng khiến nảy sinh nhiều hệ quả đáng tiếc.
Trần Xuân Tiến
Bình luận (0)